Vụ rút ruột 44 thùng thuốc lá SEABIRD vàng (thường gọi thuốc Cò vàng) trị giá 120 triệu đồng của Công ty TNHH và TM KHATOCO thuộc Tổng Công ty Khánh Việt trên đoàn tàu SY2 vào ngày 29/7 vừa qua đã làm rúng động dư luận.
Giá trị hàng bị mất chưa hẳn lớn nhưng điều bất ngờ, thủ phạm "rút ruột" toa tàu được xác định lại chính là Trưởng tàu, người được giao trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho hàng hóa trong hành trình xuyên Việt này.
Thủ kho phá án
Xuất phát từ ga Nha Trang từ 26/7, đến ga Vinh vào sáng 29/7, toa hàng thuốc lá SEABIRD vàng được vận chuyển trên đoàn tàu SY2 bị phát hiện mất 44 thùng trong số 1.300 thùng hàng gửi theo hóa đơn. Ông Trần Đức Tiến, thủ kho Thuốc lá Nghệ An, Công ty TNHH Thương mại KHATOCO thuộc Tổng Công ty Khánh Việt là người đã trình báo sự việc lên cơ quan chức năng đồng thời trực tiếp tham gia quá trình điều tra.
Chân dung thủ kho phá án
Ông cho biết, toàn bộ số thuốc "Cò vàng" không cánh mà bay đã được thu hồi nhờ lần theo dấu vết của ngày sản xuất in trên bao bì. Trên chuyến chở hàng từ Vinh lên Đô Lương của Công ty CP DLTM Bến Thủy (thuộc Tổng Công ty Khánh Việt), người lái xe đồng thời cũng là người bán hàng trực tiếp đã phát hiện dấu hiệu thuốc "Cò vàng" bị bán phá giá, rẻ hơn giá thị trường từ 20.0000 - 30.000 đồng/thùng. Ngay lập tức, Đội tiếp thị thuốc lá Đô Lương vào cuộc, xác minh vấn đề đồng thời thu hồi 27 cây thuốc (270 gói) bị bán hạ giá trên địa bàn huyện này.
Ngày sản xuất của số thuốc này hoàn toàn trùng khớp với lô hàng bị mất là ngày 11/7/2011 và có thể khẳng định đây chính là hàng ăn trộm. Ông Tiến giải thích: "Tổng kho thuốc lá KHATOCO tại Vinh chịu trách nhiệm xuất nhập và phân phối thuốc lá đến các đại lý từ Hà Tĩnh cho đến các tỉnh thuộc biên giới phía Bắc. Quá trình xuất nhập và phân phối thuốc lá đều trải qua những quy trình đồng nhất và có sự kiểm soát chặt chẽ về ngày sản xuất. Thời điểm cuối tháng 7, trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, tổng kho đang xuất hàng thuốc sản xuất từ 30/6 trở về trước. Do đó, sự xuất hiện của số hàng sản xuất từ 11/7 là điều bất thường".
Lần theo dấu vết của số hàng đi trước thời đại, 11h trưa ngày 30/7, ông Tiến cùng công an TP.Vinh có mặt tại Đô Lương. Từ 22 cây thuốc (220 gói) được phát hiện thêm, thông tin về người bán số thuốc dần hé mở. Đó là một người phụ nữ tên Nhàn, thường bán bánh gạo trên địa bàn huyện.
Tại cơ quan điều tra, Nhàn thừa nhận hành vi của mình và khai báo 9 đại lý đã giao hàng. Lực lượng điều tra đã áp giải Nhàn đi đến tất cả các điểm để thu hồi thuốc. Ngày 2/8/2011, sau chuyến hành trình sai đường, số thuốc lá đã được trả về cho tổng kho Nghệ An chờ ngày chính thức có mặt trên thị trường.
Trưởng tàu siêu trộm và cặp chì bất khả xâm phạm
Sau khi liên tục khai vòng vo, cuối cùng, Hà Thị Nhàn (SN 1980), trú tại xóm 3, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương đã phải khai ra chủ mưu vụ này chính là em trai Nhàn đồng thời cũng là Trưởng tàu SY2, Hà Văn Thứ (SN 1986) trú tại Thọ Xuân, Thanh Hóa, công nhân của Xí nghiệp vận dụng toa xe hàng Sài Gòn. Được giao nhiệm vụ áp tải hàng hóa từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đến ga Giáp Bát (Hà Nội) nhưng Thứ cùng các đồng nghiệp đã "rút ruột" cả toa hàng.
Theo lời khai của Thứ, khi tàu đến ga Ngọc Lâm (Quảng Bình), Thứ đi kiểm tra các toa hàng, phát hiện cặp chì tại toa hàng 232077 bị bung ra. Biết toa chở thuốc lá, lòng tham nổi lên, Thứ rủ Sơn cũng là Trưởng tàu SY2 tìm cách lấy trộm. Sau khi mở toa, bọn chúng lấy 44 thùng chuyển vào toa Trưởng tàu rồi gắn chì lại như cũ.
Đoàn tàu tiếp tục đến ga Vinh và cắt lại toa hàng thuốc lá theo đúng lịch trình. Đến đoạn Yên Lý (Diễn Châu, Nghệ An), chúng dừng tàu, bốc hàng xuống ô tô do Nhàn chờ sẵn, sau đó Thứ cùng đi với Nhàn lên Đô Lương tẩu tán hàng. Sơn tiếp tục áp tải tàu hàng ra đến Hà Nội. Hiện cả Sơn và Thứ đều đã bị bắt giữ chờ ngày xét xử.
Xuyên suốt toàn bộ diễn biến sự việc là vai trò của cặp chì đóng toa trên toa hàng 232077 chở thuốc "Cò vàng". Anh Nguyễn Đình Thanh (Phó ga, Chuyên viên kỹ thuật nghiệp vụ của Ga Vinh) không thể tin cặp chì tự nhiên lại bị bung: "Viên chì này được kiểm định kỹ càng, được Cục Kiểm định Đo lường Chất lượng Việt Nam cho phép, không thể bung ra trong điều kiện bình thường. Chỉ có người có kiến thức về ngành đường sắt, thực sự am hiểu kỹ thuật mới có thể tác động. Trường hợp này chưa từng xảy ra với ngành Đường sắt vì kẻ hô biến hàng hóa chính là người trong ngành, hơn nữa lại ở vị trí Trưởng tàu". Anh Thanh cũng cho biết hiện chưa có hình thức nào đảm bảo hàng hóa được an toàn một khi Trưởng tàu cũng nổi lòng tham.
Anh Thanh nói thêm, viên chì không phải khóa mà chỉ có tính giao ước giữa ngành đường sắt với chủ hàng, thể hiện toa hàng còn nguyên xi khi giao nhận. Tuy nhiên, anh Thanh vẫn khẳng định hình thức vận chuyển hàng hóa dùng cặp chì và dây gia cố là thép 06 của ngành Đường sắt Việt Nam hiện nay là tuyệt đối an toàn, với người không có kiến thức về ngành đường sắt thì những viên chì này vẫn là bất khả xâm phạm.
Theo NDT