Giờ nghị án bị cáo N.T.B.P (SN 1981, ngụ Củ Chi - TPHCM) run rẩy hỏi luật sư: “Không biết tòa có xem xét bị cáo đang mang thai 3 tháng là tình tiết giảm nhẹ không anh?”. Nghe thân chủ nói, vị luật sư ngớ người: “Có thai hồi nào? Có giấy khám thai không? Sao hồi nãy tòa hỏi cáo không nói, giờ nghị án rồi sao mà bổ sung được?”. Dứt lời, ông đến bàn thư ký trình bày tình tiết mới phát sinh.
Câu chuyện thứ nhất
Bị cáo P. và người bị hại N.T.T.H là bạn bè, chơi với nhau rất thân nhưng thời gian sau này vì hiểu lầm, xích mích nên số lần gặp nhau cũng thưa dần.
Theo lời P., trong một lần lên trung tâm TPHCM, em gái chị đã làm mất giấy tờ nhà, gia đình P. đang chờ đủ điều kiện sẽ tiến hành làm lại giấy tờ. Biết được chuyện này, H. nhiều lần nói đùa: “Toàn bộ giấy tờ nhà của gia đình mày ba mẹ tao đang giữ, nay mai tao đuổi mày ra khỏi nhà”.
Không thích H. đùa giỡn kiểu đó, P. đã nhiều lần lên tiếng nhắc bạn nhưng H. vẫn “chứng nào tật đó”. “Phải chi ba mẹ H. giữ giấy tờ nhà tôi cũng đành, đằng này chuyện không nói có. Tôi không muốn H. xen vào chuyện gia đình mình. Vì vậy, trong một lần nghe H. nói, tôi nóng giận, định đánh dằn mặt...” - P. ràng rụa nước mắt phân trần.
Sáng 21-5-2011, P. chặn đầu xe H., hai bên giằng co. H. dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu P., ngay lập tức P. lấy dao lam rạch một đường lên mặt H. gây thương tật 12%.
Bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư nói: “Lỗi của bị cáo đã rõ nhưng cũng mong tòa xem xét bị cáo thật sự ăn năn, đã bồi thường phần lớn chi phí thẩm mỹ cho vết thương của bị hại, hiện vết sẹo cũng đã mờ hẳn. Xin HĐXX cho bị cáo hưởng án treo cũng đủ răn đe”.
Nhìn P. ủ rũ trước vành móng ngựa, vị chủ tọa phân tích: “Nếu người bị hại có sai, bị cáo cũng không được hành xử như vậy. Giận thì đánh một, hai cái thôi, đằng này bị cáo dùng dao lam rạch mặt người khác. Nếu bị cáo bị người khác hành xử như vậy thì sao?”.
Câu chuyện thứ hai
Đứng trước vành móng ngựa, người đàn ông với khuôn mặt khắc khổ cứ loay hoay tìm người thân như muốn nói thật nhiều sau những ngày tháng xa cách. Ngồi bên dưới, 2 người anh trai của bị cáo lặn lội từ Vĩnh Long lên TPHCM dự phiên tòa cũng khắc khoải không yên. “Tội nghiệp nó, vợ ly dị, một mình nuôi con. Vì một phút không kiềm chế được cơn giận dữ trước sự hung hăng của đứa em họ, nó đã làm bậy...” - anh trai của bị cáo nói.
Sau một ngày lao động mệt nhọc, bị cáo N.T.H (37 tuổi, quê Vĩnh Long) vào bếp chuẩn bị bữa cơm cho con gái. Bỗng dưng người em họ L.V.B xiêu vẹo bước vào rủ H. nhậu. B. tự ý dọn thức ăn ra bàn rồi kêu H. lên cùng uống rượu. Đang mệt, H. nhấm nhẳng: “Mai mốt nhậu ở đâu thì nhậu, đừng có nhậu ở đây nữa, nhậu xong rồi bỏ về không chịu dọn dẹp gì hết”.
Không nói gì, B. lẳng lặng dắt xe ra cổng chạy thẳng đến nhà một người bạn mua rượu nhậu. Tàn cuộc, B. không về nhà mình mà đi thẳng đến nhà H. đập cửa ầm ầm. Nửa đêm bị phá giấc ngủ, H. tức giận lấy thanh sắt đánh 2 phát vào đầu B. và bồi thêm một phát nữa khi B. giằng co. Sau khi ngủ dậy, phát hiện nạn nhân đã chết, hoảng sợ, H. kéo xác B. đẩy xuống sông. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt H. 19 năm tù về tội “Giết người”.
Trước tòa phúc thẩm, H. khúm núm trả lời, thỉnh thoảng kéo vạt áo lau nước mắt khi nhắc đến con gái 9 tuổi đang gửi nhờ bà nội chăm sóc. “Bị cáo biết lỗi của mình rất lớn, chỉ mong tòa xem xét cho bị cáo được sớm trở về với con”, H. tỏ ra hối lỗi. Nhưng đã không còn kịp khi một mạng người đã mất và H. phải trải qua những tháng ngày ngồi tù dằng dặc.
Được giảm án
Cho rằng hành vi dùng dao lam rạch mặt người khác của bị cáo N.T.B.P là không thể chấp nhận, song HĐXX cũng xem xét một số tình tiết giảm nhẹ, tuyên phạt P. 18 tháng tù giam (thay vì 24 tháng tù giam).
Đối với bị cáo N.T.H, HĐXX nhận định cách xử sự thiếu tế nhị của người bị hại cũng phần nào đã tác động đến tâm lý của bị cáo, HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo, tuyên phạt bị cáo 18 năm tù (giảm 1 năm so với án sơ thẩm).Theo Phạm Dũng (Người lao động)