Người chưa thành niên phạm tội khi bị đưa ra xét xử sẽ không phải mặc quần áo tù nhân, không bị còng tay, không phải đứng trước vành móng ngựa, đó là một trong những nội dung của Đề án Tòa án Gia đình và người chưa thành niên…
Tội phạm đang trẻ hóa
Đề án này do Viện Khoa học xét xử (TANDTC) xây dựng nhằm tạo một mô hình toà án thân thiện dành cho tội phạm là trẻ em. Trung tướng Trần Văn Độ - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết, ý tưởng thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên (TAGĐ) đã có từ 10 năm trước. Ở nhiều nước đã có tòa án dành cho trẻ vị thành niên nhưng ở nước ta thì chưa (trong khi Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc từ nhiều năm trước). Việc thành lập tòa án này xuất phát từ thực tế: Người chưa thành niên phạm tội đang có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, tính chất tội phạm ngày càng phức tạp và nghiêm trọng hơn.
Theo TS Lê Hữu Thể - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hàng năm các cơ quan thi hành pháp luật bắt giữ, truy tố hơn 115.000 người, trong đó có 16.000-18.000 trẻ vị thành niên... Số phạm tội ở người chưa thành niên (NCTN) năm sau thường cao hơn năm trước. Năm 2007, toàn quốc có 10.361 vụ, gồm 15.589 em. Sáu tháng đầu năm 2008 đã xảy ra 5.746 vụ với 9000 em. Đáng lo ngại là độ tuổi của NCTN phạm tội cũng ngày “trẻ hóa”. Lứa tuổi thực hiện hành vi phạm tội cao nhất từ 16 – dưới 18 tuổi chiếm khoảng 60%; từ 14 đến 16 tuổi là 32%; dưới 14 tuổi là 8%.
Thống kê của Vụ Thống kê - Tổng hợp TANDTC, năm 2010 TAND các cấp đã thụ lý 2.759 vụ/3.704 bị cáo loại án NCTN phạm tội; năm 2011 thụ lý 2.516 vụ/3471 bị cáo. Riêng tại Hà Nội, theo thống kê của Công an thành phố, trong năm 2010, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 222 vụ án gồm 348 đối tượng phạm tội trong lứa tuổi vị thành niên.
Về nguyên nhân phạm tội của NCTN, Trung tướng Trần Văn Độ nhận xét có nhiều, chẳng hạn như: Thiếu sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục, phòng ngừa tội phạm do NCTN thực hiện; gia đình thiếu sự quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái; tình trạng bạo lực gia đình, ly hôn của cha mẹ làm cho các thành viên trong gia đình ly tán…; nhiều trẻ thành nạn nhân của bạo lực gia đình như có trẻ bị vứt xuống sông, xuống giếng, bị đánh đập thành thương tật, bị bỏ rơi…
“Một nghiên cứu mới đây của Bộ Công an chỉ ra, gia đình là yếu tố tác động lớn tới việc phạm tội của NCTN: 8% NCTN phạm tội có bố mẹ ly hôn; 28% phàn nàn bố mẹ không đáp ứng nhu cầu cơ bản của các em; 49% phàn nàn cách đối xử của bố mẹ. Thực trạng đó cho thấy, trẻ em cần phải được đặc biệt quan tâm để có giải pháp thích hợp vừa bảo vệ trẻ em vừa đảm bảo ổn định xã hội”- Trung tướng Trần Văn Độ cho biết thêm.
Trung tướng Trần Văn Độ - Phó Chánh án TANDTC.
Phòng xét xử thân thiện
Cũng theo Phó Chánh án - Trung tướng Trần Văn Độ, Tòa án gia đình và người chưa thành niên không phải là "Tòa án đặc biệt” hay Tòa án độc lập, song song với hệ thống TAND. Mục tiêu chủ yếu của việc thành lập Tòa án này để chuyên xét xử các vụ án và giải quyết các vụ việc có liên quan đến gia đình và trẻ vị thành niên.Dự kiến, Đề án Tòa án gia đình và người chưa thành niên sẽ được trình Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp, xây dựng bộ tài liệu tập huấn về nghiệp vụ, kỹ thuật xét xử cũng như các kiến thức khác về hôn nhân, gia đình, đặc điểm tâm sinh lý của NCTN, nguyên nhân, điều kiện phạm tội, kỹ năng xét xử NCTN phạm tội trong năm 2012 – 2013, để sau năm 2013 sẽ xây dựng, trình Quốc hội các dự án luật (sửa đổi, bổ sung) liên quan đến Tòa án chuyên trách này.
Hiện công tác điều tra, truy tố, xét xử, cải tạo NCTN gặp nhiều khó khăn vì đây là đối tượng không dễ nắm bắt tâm lý. Phần lớn trẻ khi phạm tội có tâm lý nặng nề, mặc cảm, tự ti, bi quan, chán nản, nhiều lúc tuyệt vọng hoặc có thái độ thờ ơ, bất cần, liều lĩnh trong khi thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên chưa được tham gia đào tạo để nắm bắt về tâm lý đối với NCTN. “Vì không nắm hết tâm sinh lý của trẻ nên khi xét xử nhiều vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên, Tòa đôi khi còn lúng túng. Khi Tòa án chuyên về gia đình và người chưa thành niên được thành lập thì cán bộ tố tụng làm việc có liên quan đến trẻ vị thành niên sẽ phải được đào tạo chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến trẻ em”- Phó Chánh án Trần Văn Độ cho biết.
Một thực tế khác là hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự tuy đã có một chương riêng quy định về thủ tục đặc biệt đối với bị can, bị cáo là NCTN, nhưng vẫn chưa quy định cụ thể, toàn diện về trình tự, thủ tục xét xử đối với NCTN. Do vậy, các phiên tòa xét xử NCTN hiện cũng giống với xét xử người thành niên, tại phòng xử án chung, không có sự khác biệt dù NCTN cần có môi trường xét xử thân thiện hơn. Hầu hết các phiên tòa xét xử công khai, có người dân ngồi xem, làm tăng cảm giác sợ hãi, căng thẳng và bị kỳ thị trong các em.
Việc xét xử lưu động liên quan đến người chưa thành niên theo Trung tướng Độ cũng đang được nhìn nhận lại, vì hành động này có thể khiến cả bị cáo lẫn bị hại là người chưa thành niên thêm mặc cảm, tự ti. Khi có tòa án chuyên trách về gia đình và người chưa thành niên thì hình thức phiên xử cũng phải xem lại, hướng tới môi trường tòa án thân thiện như: không sử dụng vành móng ngựa khi xét xử các em, khoảng cách giữa hội đồng xét xử và bị cáo không xa quá. “Dự thảo còn đề xuất bố trí khu chờ riêng biệt tại tòa án để người bị hại là trẻ em và gia đình các em có thể ngồi đợi, cách ly họ với bị cáo và những người ở phía bị cáo... Mặt khác, việc xét xử được tiến hành trong phòng xét xử thân thiện thay vì diễn ra tại phòng xử án thông thường. Tất cả các bên đều mặc quần áo bình thường; bị cáo chưa thành niên không bị còng tay trong phòng xử án. Trước khi bắt đầu thủ tục, thẩm phán tự giới thiệu mình với các em và cho phép các em được quan sát phòng xử án và ngồi vào ghế dành cho mình. Thẩm phán yêu cầu tất cả các bên, kể cả luật sư ngồi chứ không đứng khi đặt câu hỏi, để các em không cảm thấy sợ khi có một người lớn đứng trước mặt mình”- Trung tướng Độ nói.
1. Theo các cơ quan điều tra: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật là do ảnh hưởng của các loại hình văn hóa độc hại, các trò chơi nặng tính bạo lực, khiến các em bắt chước. Bên cạnh đó, các em chưa thành niên, chưa phát triển đầy đủ về nhận thức và suy nghĩ nên phần lớn bị lấn át bởi tính tình bồng bột, nóng nảy, luôn muốn thể hiện bản thân.
2. Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án IV “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên” Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm giai đoạn 2006-2010 diễn ra tại Cần Thơ vào tháng 5/2012, Thượng tá Lê Văn Lương - Trưởng phòng CSĐT về TTXH Công an TP Cần Thơ cho rằng, số người chưa thành niên phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trong những năm qua, tuy có giảm về số vụ nhưng diễn biến còn phức tạp, tính chất và hậu quả của vụ án ngày càng nguy hiểm. Để phòng ngừa người chưa thành niên phạm vào các loại tội nghiêm trọng, cần nâng cao việc tổ chức, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý, giáo dục các em. Kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên như quản lý giáo dục, kiểm điểm tại cộng đồng dân cư. Ngoài ra, các ngành chức năng cần tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em, coi đây là việc làm cần thiết và quan trọng trong việc góp phần kiềm chế và làm giảm đến mức thấp nhất việc trẻ em phạm tội...
N.T (Tổng hợp)