Phán là chính, xử chỉ phụ

havan |

Ở nước Áo mới rồi có một vụ xét xử trước toà khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi về bản chất của toà án.

Chuyện như thế này: Một phụ nữ đã nghỉ hưu đột nhiên bị cáo buộc là đã sao trộm phim từ mạng Internet. Bộ phim này thuộc diện bạo lực nên bị kiểm soát và bộ máy kiểm soát chỉ ra chính xác bộ phim ấy đã bị ai sao chép trộm vào lúc nào, tại đâu và có gửi tiếp bản sao đó đi hay không. Kết quả mà các thiết bị kỹ thuật cùng với công nghệ tin học đưa lại là người phụ nữ kia là thủ phạm.

Người phụ nữ ấy kiên quyết bác bỏ mọi sự cáo buộc, viện dẫn bản thân mình không sử dụng máy tính, không có thiết bị truy cập Internet và còn đang ngủ say vào thời điểm bị cho là đã sao chép trộm bộ phim trên. Tuy nhiên, toà án vẫn giữ ý kiến cho rằng một khi các thiết bị kỹ thuật và chương trình kiểm sát truy cập Internet đưa ra kết quả chỉ đích danh thì chỉ có thể đúng chứ không thể sai. Bản án của toà là phạt tiền 651,80 Euro.

Ảnh minh họa.

Một khi nhà nước đã quy định sao chép trộm những phim ảnh và tài liệu nằm trong danh sách cấm bị phạt thì việc người phụ nữ về hưu nói trên bị đưa ra xét xử và phạt tiền sẽ không phải là chuyện lạ lùng nếu như người phụ nữ này phạm tội đó thật.

Thông thường, toà án phải chứng minh được rằng người đó đã phạm tội. Đằng này, toà xét xử hoàn toàn dựa trên kết quả truy cứu thông tin của một công ty tư nhân. Không hiểu bằng cách nào và sử dụng chương trình gì mà công ty này lại phát hiện ra người không có máy tính riêng, không có nguồn truy cập Internet riêng, tức là không hề đăng ký sử dụng Internet, sao chép trộm bộ phim. Vậy mà toà án cũng tin và thậm chí còn sử dụng đó làm cơ sở để phán xử.

Ở đây, bên cạnh việc toà xử theo kiểu chỉ cần nghi ngờ là đủ còn có chuyện bên bị xử là đã phạm tội phải chứng minh được trước toà là mình vô tội, hay nói cách khác, cứ phải chấp nhận có tội cho tới khi tự chứng minh được điều ngược lại. Nhiệm vụ của toà là đem lại công lý, vậy mà ở đây người phụ nữ kia lại phải tự đi tìm công lý để bảo vệ mình trước toà. Cho nên mới có chuyện dư luận phân biệt giữa phán và xử ở toà án.

Đấy là hai việc rất khác nhau đấy nhé. Phán thường là ý kiến chủ quan của bên có quyền, xử mới dựa trên luật lệ và lý lẽ.

Theo Phapluatvn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại