"Quên sạch ân nghĩa với người vợ 12 năm đầu ấp tay gối, cùng đi qua những năm tháng khó khăn nhất tuổi trẻ, tôi hắt hủi vợ tôi không thương tiếc..."
LTS: Vì thứ tình yêu mù quáng, người đàn ông đó đã bỏ mặc người vợ tảo tần, cùng đi qua những ngày gian khó để đến với một người đàn bà khác. Những tưởng, thứ tình cảm ông ta từng coi là "lạ lùng, kì diệu" ấy có thể đi theo trọn vẹn tới cuối đời, nhưng ông ta bị cắm sừng một cách ê chề. 23 nhát dao điên cuồng đã chấm dứt cho mối tình mù quáng, chấm dứt số phận người đàn bà lăng nhăng. Vũ Văn Trọng - kẻ phản bội trong tình yêu cuối cũng phải ôm mối hận là kẻ bị phản bội trắng trợn. Không còn gì đau đớn hơn! Không còn gì chua chát hơn. Án chung thân dành cho kẻ sát nhân, nhưng nỗi đau đớn, chua chát ấy sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí Vũ Văn Trọng. Trong từng câu kể của ông ta, tôi vẫn cảm nhận được sự hận thù, nhục nhã run rẩy, căng cứng trong từng tế bào. Thụ án được 7 năm, dường như, chừng ấy thời gian chưa đủ để ông ta có cái nhìn bình tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn về lỗi lầm, quá khứ và mối hận thù.
Hắt bỏ chén rượu phu thê, nghĩa "tào khang" vùi chôn dĩ vãng
Cuộc đời này dường như rất công bằng. Những chi tiết, tình tiết nhỏ bé, vụn vặt trong cuộc sống nối tiếp với nhau như nguyên lý Domino, logic một cách hợp lý và kỳ lạ. Một sự kiện dù nhỏ nhất diễn ra, nó kéo theo một chuỗi sự kiện khác và có thể khiến cuộc đời của người ta thay đổi hoàn toàn. Điều ấy, cho tới sau này, khi thân thể đã ở trong bốn bức tường giam lạnh lẽo nơi phía sau song sắt để trả giá cho những sai lầm trước kia, tôi mới bừng ngộ và thấm thía. Luật nhân - quả vận đúng con người tôi - một gã đàn ông già nua, cũ kĩ, thiếu đi lòng trắc ẩn, trách nhiệm, buông tuồng với bản thân, không biết quý trọng những giá trị đích thực trong đời đã phải trả giá. Cái giá ấy quá đắng đót, tới tận cùng.
Lâu lắm rồi, tôi lại mới có cơ hội nhắc nhớ về kí ức. Đó dường như một vùng trời tôi muốn chối bỏ và vùi quên vĩnh viễn. Bởi bầu trời ấy quá đỗi đen tối, sai lầm nối tiếp sai lầm và hậu quả là tôi đang ở đây - Trại giam Xuân Nguyên với mức án chung thân dành cho tội danh giết người.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Ngọc Lặc, Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, 20 tuổi, tôi lập gia đình. Vợ tôi là một người đàn bà dịu dàng, chịu thương chịu khó, tảo tần, lam lũ đúng chất của người phụ nữ Việt Nam. Lập gia đình, tôi về sống cùng gia đình nhà vợ ở Uông Bí, Quảng Ninh. Suốt 12 năm chung sống với nhau, có với nhau hai mặt con, cuộc sống gia đình tạm gọi đủ, sống túc tắc qua ngày. Tôi biết, trong cuộc sống thường nhật, vợ chồng có lúc nọ, lúc kia, khi hục hoặc, nặng nhẹ, chỉ có điều, mỗi lần tôi nổi cáu vô cớ, vợ tôi luôn là người nín nhịn, im lặng nhún nhường ru vỗ cơn giận của tôi qua đi. 12 năm chung sống với tôi, cô ấy trọn đạo làm vợ, làm mẹ. Và giá như, tôi chung thủy sau trước, không phản bội lại tình yêu của cô ấy, quay lưng với gia đình, có lẽ cuộc sống của tôi không ra nông nỗi hôm nay.
Trong một lần về quê ở Hải Dương, không hiểu run rủi thế nào tôi gặp Vũ Thị Linh – một người phụ nữ muộn mằn đường chồng con, kém tôi 12 tuổi, nhưng chưa lập gia đình. Ở tuổi ấy, ở quê đã bị xếp vào hàng "ế". Quả thực Linh không xinh xắn, nhan sắc chỉ thuộc hạng trung bình khá, ấy vậy mà tôi chết mê chết mệt người đàn bà ấy. Trò chuyện dăm ba câu, tôi thấy Linh khéo ăn, khéo nói, trò chuyện duyên dáng, buông những lời ngọt như mía lùi - những lời đường mật mà một người phụ nữ quê mùa, chất phác như vợ tôi chưa bao giờ thốt ra nơi chót lưỡi. Sự khác lạ, nét mới ở người đàn bà ấy như một thứ bùa mê chết người làm tôi điêu đứng.
Chao ôi, 12 năm chung sống cùng vợ, tôi chưa từng có cảm giác lạ lùng, thú vị như thế. Lúc ấy, sự say mê người đàn bà kia khiến tôi lú lẫn hoàn toàn. Tôi như một kẻ say mất hết kiểm soát. Trở về nhà, tôi gây sự với vợ con. Tôi chửi mắng cô ấy vô cớ từ những chuyện tủn mủn, nhỏ nhặt. Cơm nấu hơi quá nước, tôi đánh vợ. Nước nấu chưa kịp nguội, tôi đánh vợ. Quên sạch ân nghĩa với người vợ 12 năm đầu ấp tay gối, cùng đi qua những năm tháng khó khăn nhất tuổi trẻ, tôi hắt hủi vợ tôi không thương tiếc, đến mức hai người con của vợ tôi rất giận bố mỗi lần tôi giáng những trận đòn vô cớ xuống người cô ấy. Các cụ có câu "tham bát bỏ mâm", và tôi đúng là người như thế, dĩ nhiên, khi điên cuồng, u mê trong mớ tình ái ấy, tôi không hề nhận ra phải trái, chỉ tới sau này, khi phạm phải những sai lầm kế tiếp, tôi mới ngộ ra thì đã quá muộn.
Hạnh phúc gia đình tan vỡ bởi chính sự đoạn tuyệt phũ phàng, đốn mạt của tôi. Tôi mải miết chạy theo người đàn bà khác. Mặc kệ những giọt nước mắt níu kéo của vợ và chính tôi là người đệ đơn ly hôn, chấm dứt cuộc hôn nhân 12 năm trời.
Không lâu sau đó, tôi kết hôn với Vũ Thị Linh và chuyển về nhà Linh chung sống. Không muốn mang tiếng ở rể, tôi và Linh chung tay mua mảnh đất của nhà ngoại, lòng tôi dấy lên những ao ước, khát khao về cuộc sống gia đình - thứ tình cảm ảo ảnh mơ hồ tội lỗi.
Ê chề chuốc lấy sự phản bội cay đắng
Tôi và Linh có với nhau một đứa con, cuộc sống tạm ổn ngày qua ngày. Tôi rất yêu chiều vợ, phần bởi cô ấy trẻ hơn tôi 12 tuổi, đôi khi vẫn nũng nịu, thậm chí đành hanh như con trẻ, phần bởi tôi thực sự muốn được mang lại hạnh phúc cho mẹ con cô ấy.
Trong số những người bạn tới thăm nhà tôi, có một người bạn tên là Hoà. Anh ta bằng tuổi tôi. Đôi khi đi làm về, tôi thấy họ ríu rít trò chuyện, có vẻ rất thân thiết, nhưng chưa bao giờ tôi lấy đó làm điều khó chịu. Bởi tôi tin tưởng tuyệt đối vào vợ và bạn mình. Cho tới khi hàng xóm xì xào vào tai tôi về chuyện vợ tôi đang lừa dối tôi, thậm thụt qua lại với người đàn ông tên Hoà đó, lần đầu tiên, tôi còn bực tức chửi bới người hàng xóm dám tung tin đồn ác ý, chia rẽ tình cảm vợ chồng. Có người láng giềng còn bảo tôi mang phận dã tràng xe cát biển Đông, công cốc đi nuôi con người khác khi Linh mang bầu đứa con thứ hai, song tôi vẫn kiên quyết không tin, cho rằng thiên hạ "mồm năm miệng mười" cũng bởi ghen ăn tức ở với cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng tôi mà dựng chuyện, bịa đặt.
Cho tới khi đứa bé chào đời, sự có mặt thường xuyên, liên tục của Hoà cùng với sự quan tâm, lo lắng quá mà anh ta dành cho mẹ con cô ấy khiến buộc lòng tôi phải suy nghĩ. Những lời xì xào của hàng xóm xưa kia, biểu hiện khác thường của vợ và người bạn thân trở lại, móc nối với nhau trong suy nghĩ của tôi. Nỗi hoài nghi xen lẫn ấm ức song tôi chỉ giữ trong lòng. Nhưng, thời gian đã có câu trả lời đầy đủ nhất cho những năm tháng im lặng, câm nín của tôi.
Càng lớn, đứa trẻ càng giống Hoà như lột. Từ khuôn miệng, đôi mắt, sống mũi, cho tới cả dáng đi. Nhưng, dù sao tôi vẫn không dám chắc đó có phải con gái của Hoà không. Trong tôi luôn nảy sinh những mâu thuẫn giằng xé. Một nửa, tôi tin đứa trẻ giống Hoà như lột kia là giọt máu của anh ta. Một phần khác, tôi mong manh hi vọng nỗi ngờ vực đeo bám khiến tôi lú lẫn mà đâm ra tưởng tượng như vậy, đứa trẻ chính xác là con tôi. Chính vì đó, tôi quay sang cật vấn vợ tôi.
Khi con gái được 2 tuổi, Linh đòi mang con lên thành phố Hải Dương làm thuê kiếm tiền. Tôi tỏ ý không hài lòng, bởi con gái còn nhỏ, tôi không muốn hai mẹ con phải nai lưng kiếm tiền ở chốn thị thành xô bồ ấy. Nhưng, Linh vẫn kiên quyết đòi đi bằng được. Không cản được vợ, tôi đành để Linh đìu ríu con lên thành phố. Thậm chí, có lần cô ấy còn ôm con đi liền tù tì 26 ngày không một lời giải thích, nhắn nhủ.
Khi Linh và đứa con trở về nhà, cơn giận dữ trong tôi bùng cháy như ngọn lửa. Bao nỗi ghen tuông, hờn giận trong lòng tôi dồn nén bấy lâu có cơ hội tuôn trào, tôi lớn tiếng mắng cô ấy. Thay bằng nỗi sợ hãi hay tỏ ra hối lỗi, Linh chỉ vào đứa con nhỏ và cất cao giọng thách thức, trêu ngươi tôi: "Nó là con tôi. Tôi muốn đưa nó đi đâu là việc của tôi. Anh đừng cậy làm chồng mà phách lối, áp đặt cuộc sống của tôi". Nói đoạn, cô ấy bỏ sang nhà anh chị ruột ở ngay sát đó, dửng dưng như chưa từng có chuyện gì xảy ra, mặc kệ tên chồng đang đau đớn, u uất - là tôi đang sục sôi cơn giận.
Có lần, tôi hỏi Linh về đứa con gái là giọt máu của ai. Hoà là cái tên tôi nhắc tới trong câu chuyện, nhưng Linh gạt phắt đi, cho rằng tôi là kẻ ưa gây sự, dựng chuyện để tăng xích mích vợ chồng. Cô ấy đùng đùng đòi ly hôn, đòi chia tài sản, chia nhà cửa, mặc kệ tôi nỉ non, xuống nước khuyên vợ bình tĩnh, đừng vì cả giận mà đánh mất hạnh phúc gia đình. Nhưng Linh không nghe, bùa mê thuốc lú khiến cô ấy mụ mẫm, một mực đòi ly hôn với tôi. Tôi cậy nhờ tới gia đình nhà vợ khuyên can cô ấy, nhưng anh em họ hàng nhà cô ấy vào hùa với nhau, cho tôi là một kẻ ghen tuông mù quáng, dựng chuyện đổ vấy tội lỗi lên đầu cô ấy. Họ đòi tôi phải đưa ra bằng chứng ngoại tình của Linh, nhưng đó là chuyện không tưởng, làm sao tôi có thể có bằng chứng ngoại tình được, ngoại trừ đứa con gái là sản phẩm vụng trộm của hai kẻ ngoại tình ấy.
Nhưng xét cho cùng, đứa trẻ nào có tội tình gì mà kéo nó vào vòng đay nghiến, thù hằn của bố mẹ. Tôi nghi ngờ mười mươi đứa trẻ không phải giọt máu của mình, nhưng nhìn sự ngây thơ, non dại của nó, tôi không nỡ lòng đối xử tệ bạc với nó. Bản thân tôi còn rất yêu Linh nên tôi đã cố công nhiều lần muốn hàn gắn vết nứt gia đình mình, nhưng sự cố gắng rệu rã từ phía tôi trở thành công cốc trước sự lạnh lẽo của Linh và sự thờ ơ, chối bỏ của gia đình nhà vợ.
Không chỉ dừng lại ở đó, anh em nhà họ còn vào hùa với nhau để gây căng thẳng cho tôi. Bởi tôi là phận gửi rể, sống trên mảnh đất nhà vợ, một mình thân cô thế cô giữa bốn bề là anh em họ hàng nhà cô ấy. Nhiều đêm, anh em ruột nhà vợ kéo tới chòi cá của tôi giữa đêm khuya, gây sự, đe dọa tôi. Người trẻ nhất là 35 tuổi, người già nhất 50 tuổi lao vào đánh tôi. Họ đánh tôi không quá đau, và nhất định không để lại thương tích để tôi có thể lấy đó làm bằng chứng báo cáo chính quyền địa phương.
Giữa bốn bề mênh mông là nước, chiếc chòi bé nhỏ chơ vơ giữa đồng không mông quạnh, kiếm đâu ra nhân chứng chứng kiến cảnh tôi bị hành hung. Cho nên, tôi có đi báo cáo chính quyền, họ cũng cho tôi là một lão già lẩm cẩm, mắc chứng hoang tưởng mà thôi. Có ai hiểu nỗi nhục nhã khi bị chính những người anh em tôi coi là ruột thịt đánh đập, chửi bới, xua đuổi? Đỉnh điểm của mâu thuẫn là đêm hôm ấy, họ kéo nhau tới chòi cá của tôi, sau khi đánh đập tôi, họ ném xuống dưới ao cá. Trước khi bỏ đi, họ còn không quên buông những lời đe nẹt, dọa dẫm sẽ "xử" tôi nếu như tôi vẫn ngoan cố, không biết thân biết phận.
Sáng sớm hôm sau, tôi tới gặp Linh để trò chuyện cho ra ngô, ra khoai. Như có ma quỷ đưa lối, tôi không quên giắt theo con dao nhỏ gọt hoa quả vào người.
Câu chuyện về đứa con chung thứ hai giữa tôi và cô ấy được nhắc tới và như thường lệ, Linh gạt phắt đi, không quên quát tháo, đuổi mắng tôi. Tôi không hiểu tại sao cô ấy vẫn một mực giấu giếm sự thật ấy, bởi tôi là một gã đàn ông, tôi là một người chồng, cuộc sống sinh hoạt của vợ chồng tôi thế nào tôi và cô ấy hiểu rõ hơn ai hết. Tại sao cô ấy không chịu thừa nhận? Tôi đã nói với Linh rằng tôi sẵn sàng chấp nhận nuôi đứa con ấy cho dù nó không phải giọt máu của tôi, chỉ cần cô ấy thẳng thắn, thật thà thừa nhận sự thật che giấu bấy lâu, nhưng Linh không thừa nhận.
Tôi đã nghĩ tới việc xét nghiệm AND, nhưng việc ấy quá sức lực của một gã nghèo như tôi. Tôi chỉ dám ôm nỗi hồ nghi, ngờ vực suốt những năm tháng bước vào cuộc hôn nhân thứ hai ấy. Đứng trước Linh, bao nhiêu nỗi uất nghẹn trào dâng trong cổ họng, tiếng thách thức của những người anh trai Linh trong đêm trước vọng lại trong đầu tôi: "Chúng tao thách mày dám giết nó (tức Vũ Thị Linh - PV) đấy!". Thêm bộ mặt câng câng, vênh váo của vợ: "Nếu lần này các anh tôi tới tìm anh, chắc chắn cắt lưỡi, cắt gân chứ không vứt xuống ao như lần trước đâu đấy".
Giọng cô ấy vừa dứt, tôi cay cú rút con dao giắt trong người, đâm tới tấp cô ấy. Những nhát dao oan nghiệt, ghen tuông, thù hận giáng xuống thân thể người đàn bà đó. 23 nhát dao đã chấm dứt cuộc đời người đàn bà lăng loàn, chấm dứt cuộc hôn nhân địa ngục của chúng tôi, và cũng là dấu chấm hết cho cuộc đời tự do của tôi.
Có một điều ít ai biết rằng, trước khi tìm gặp vợ lần cuối để nói chuyện phải, trái, tôi đã viết một bức thư dài và đầy đủ về cuộc sống hôn nhân của vợ chồng tôi từ khi bén gót cho tới lúc rã đám. Tất cả những sai lầm của vợ, tội lớn, tội nhỏ đều được tôi kể chi tiết, tỉ mỉ không bỏ sót bất cứ điều gì. Tôi biết, tôi sẽ gây nên họa lớn, nên cuối thư, tôi xin các cấp chính quyền xét xử tội trạng của tôi tại địa phương để tôi được nói lên tất cả những suy nghĩ của mình trước đông đảo bà con làng xóm. Có thể coi đó là lời biện minh cũng được, giải thích cũng chẳng sao, nhưng tôi muốn mọi người có cái nhìn công bằng hơn về một gã đàn ông nơi đất khách quê người tới gửi rể ở đây.
Cuối thư, lời khẩn cầu của tôi là xin các cấp chính quyền tiến hành xét nghiệm xem đứa trẻ kia có phải giọt máu của ai? Ai là cha đứa bé? Đúng như tôi mong muốn, phiên tòa xét xử tội danh của tôi được mở tại địa phương, chật cứng người chứng kiến, người lắc đầu ngao ngán cho kẻ sát nhân ngu muội, người tiếc rẻ cho kẻ bạc đầu cuồng điên thiếu tỉnh táo. Ai làm nên tội, người ấy phải chịu tội trước pháp luật, tôi bị tuyên phạt mức án chung thân với tội danh giết người. Duy chỉ có mối hồ nghi lớn nhất của tôi về đứa trẻ vẫn vẹn nguyên là một ẩn số bí mật.
Sự thứ tha kì diệu của người vợ
Điều khiến tôi cảm kích, bất ngờ nhất, từ khi tôi vào thụ án ở Trại giam Xuân Nguyên, con trai của tôi và Linh được người vợ cũ của tôi đón về nuôi. Tôi không thể tin rằng, sau tất cả những đau khổ tôi gây ra cho mẹ con cô ấy, vợ tôi vẫn thứ tha cho những sai lầm của tôi, dang tay đón nhận giọt máu rơi vãi của tôi ở cõi nhân gian. Bao nhiêu năm qua, tôi mải mê với cuộc hôn nhân mới, không chút đoái hoài, thương xót tới người vợ tảo tần, cùng chia ngọt sẻ bùi năm xưa và hai đứa con máu mủ, ruột thịt của mình.
Vậy mà, dịp Tết năm đầu tiên tôi thụ án, vợ và hai con lên Trại Xuân Nguyên thăm tôi. Sau những phút e dè ban đầu, chúng ngập ngừng cất tiếng gọi "bố" sau tấm kính trắng. Lòng tôi nghẹn đắng nỗi hối hận và xấu hổ. Nhờ sự chăm sóc, dạy bảo của vợ tôi, chúng vẫn quý trọng, thương xót và coi tôi là bố. Sự thứ tha của vợ, của con càng khoét sâu nỗi nhục nhã, hối hận của kẻ bội bạc, cạn tàu ráo máng như tôi.
Vợ tôi có nhắc với tôi về chuyện đón đứa con riêng của tôi về chăm sóc. Tôi ngỡ rằng đó chỉ là lời động viên, an ủi cho một kẻ cùng đường, tuyệt lộ, nhưng lần thăm gặp tiếp theo, cô ấy dẫn theo đứa trẻ lên thăm bố. Tôi bật khóc như đứa trẻ trước tấm ân tình và đức bao dung lớn lao của vợ. Giờ đây, chính người vợ năm xưa bị tôi phụ bạc lại dang tay đón nhận, đùm bọc đứa con riêng của tôi, không ngừng khuyên tôi cố gắng cải tạo để có cơ hội trở về đoàn tụ với gia đình.
Trước đây, nhận mức án chung thân, tôi không hi vọng ngày trở về, tóc tôi giờ đã bạc, da đã nhăn, sức khỏe giảm sút bởi tuổi già, còn mức án không số, không hẹn ngày về ấy quá đỗi mênh mông. Nỗi hi vọng tưởng chừng tắt ngấm ấy được người vợ dịu hiền, tảo tần, vị tha thổi bùng trở lại khi tuổi đã xế chiều. Và, đi quá nửa quãng đường đời, tôi mới nhận ra mình đã để tuột mất một mái ấm hạnh phúc, mải miết chạy theo những thứ phù phiếm, nông nổi, thoáng chốc. Và cái giá của kẻ phản bội là những năm tháng chuộc lỗi phía sau song sắt này. Không thể phủ nhận một điều, tôi vẫn hận người đàn bà đã bị chính tôi ra tay sát hại, hận những người anh em ruột thịt của cô ấy, hận chính bản thân mình lạc lối, mù đường ngay từ khi rời bỏ tổ ấm thực sự của mình, và có lẽ, lúc này, liều thuốc quý giá nhất để tôi bình tâm lại chính là thời gian và nỗi tự vấn lương tâm.
Lời kết
Người đàn ông này không ngừng luyến tiếc về hạnh phúc thực sự bị chính tay mình vứt bỏ, nhưng cuộc đời vẫn dành cho ông ta sự ưu ái vô cùng, khi đem đến cho ông ta một người vợ có trái tim vĩ đại. Đó là may mắn không phải bất cứ kẻ lầm lỗi nào cũng nhận được. Vũ Văn Trọng có quá nhiều lý do để cố gắng phấn đấu cải tạo, hi vọng một ngày được bước ra khỏi cánh cửa trại giam, đón chào tự do rộng lớn ngoài kia - nơi có một người vợ và những đứa con chờ đợi, nơi có một "sự thật" đang chờ đợi ông ta khám phá - cũng là lời thề mà Trọng quyết phải thực hiện trước khi từ giã cuộc đời.Theo PV báo (Đang yêu)