Đứng đường
Còn sớm, chúng tôi tìm chỗ ngồi thích hợp để quan sát tình hình hoạt động của các trai bao ra sao. Quán cà phê cóc đối diện cổng Bệnh viện Hùng Vương phía bên kia đường khá thuận lợi. Chưa đến 23 giờ nên dòng người còn qua lại tấp nập, vậy mà đám mại dâm nam đã tụ tập bên hông bệnh viện, buôn chuyện chờ vận may.
Bỗng tiếng la í ới của ai đó khiến cả đám bỏ chạy tứ tán vào các ngõ hẻm gần đó, vào cả bệnh viện. Thì ra công an, dân phòng xuất hiện. Lát sau, hai gã trai õng ẹo đi tới gần chỗ chúng tôi ngồi, gọi chai C2 và bắt đầu văng tục khi đồng bọn lần lượt tụ lại: “Mấy má, mấy má chạy đi đâu thế? Còn má, má có làm đâu mà cũng chạy? Mẹ chúng nó, kiểu này sao mà làm ăn cho được!”.
Gần 0 giờ, người thưa thớt dần, tôi lấy hết can đảm tiến đến một gã đang ngồi một mình tựa lưng vào tường sắt của bệnh viện. Gã mặc chiếc quần jeans ngắn, bó sát đùi, cả áo và phụ kiện mang theo đều một màu xanh từ trên xuống dưới. Tôi than vãn: “Anh ơi, em khiếp quá, bị công an đuổi nên chạy tán loạn. Hồi nãy anh chạy đi đâu?”. Gã nhìn tôi dò xét từ đầu tới chân rồi hất hàm: “Mới hả?”. Tôi gãi đầu: “Dạ cũng lâu rồi anh. Trước em làm ở Gia Định, nhưng ế quá nên tìm qua đây”.
Im lặng một lát, gã mới chậm rãi trả lời câu hỏi của tôi: “Anh mới ra đây nên không bị đuổi. Tại tụi nó làm mà không chịu nghĩ cho người khác. Mình làm việc của mình là được rồi, vậy mà cứ hay giỡn đùa, la hét rồi bị họ đuổi ngay. Mà nếu thế thì chỉ biết chạy”. Trong ánh điện đường chiếu hắt qua những tán lá cây, hai chúng tôi ngồi đợi khách và giết thời gian bằng những câu chuyện kể về mình. Gã giới thiệu mình tên là K, 24 tuổi, người dân tộc Cơ Ho ở Lâm Đồng. K nói mình bị gay từ nhỏ, nhưng sống rất kín đáo nên bạn bè rất ít đứa biết, thậm chí gia đình cũng không, bởi “biết chi rồi ông bà phải lo nghĩ”.
“Chút... chút” - K điệu đà phát tín hiệu khi những chiếc xe máy giảm tốc độ và liếc mắt nhìn chúng tôi. Đêm nay, đã gần 1 giờ sáng nhưng K vẫn chưa có khách. Phía đằng xa, vài người ngồi ở trạm xe buýt chờ khách nhưng những chiếc xe máy cũng chỉ lướt qua rồi lại đi. Có ánh đèn xe máy là có thêm hy vọng, chốc chốc họ lại cưỡi chiếc xe đạp rảo quanh khu vực này để mời chào: “Đi không anh?”. Thoáng thấy chiếc xe tay ga trờ tới, hẳn là người quen, K lả lơi: “Từ tối đến giờ “lốc tua” (không có khách đi) hết rồi nha má”, rồi quay sang tôi: “Mình đợi thêm chút nữa, khoảng 3-4 giờ tụi nó xem EURO về thử”.
Chúng tôi đứng rồi lại ngồi dưới tán cây đổ, cột đèn hay trạm chờ xe buýt. Bỗng ngay con đường tôi và K đứng, một người đàn ông cầm mũ bảo hiểm chạy từ xa tới và hét: “Cướp, cướp!”. Chiếc xe gắn máy chở ba thanh niên chạy ào lên phía trước. Tôi dớm chân định lao theo thì K kéo lại: “Đừng dính vào làm gì. Tụi nó cũng làm như mình đó, nhưng hay cướp khách đi, có khi tiền trong ví, hoặc cả xe máy và điện thoại. Dù biết cũng không dám nói, tụi nó biết đánh chết. Nhưng có điều, cứ hay xảy ra những việc như thế thì tụi mình khó làm ăn vì công an sẽ tuần tra nhiều hơn”.
Đối tượng giả gái dùng “mỹ nhân kế” gây án
Phận đời
Sau cái vẫy tay của một người đàn ông từ cổng Bệnh viện Hùng Vương, chúng tôi nhanh chóng lê chân tới trước cổng để tránh chạm mặt với công an sau sự cố vừa rồi. Một người đàn ông thân hình như hộ pháp bước lại gần: “Tụi mày ngu quá, bị công an gí thì chạy tản ra chứ. Cứ lao vô bệnh viện làm gì, ở chỗ đó có một cổng à, tụi bay có thoát được không. Tản ra hai bên, tụi nó có chặn thì còn có đường mà chạy”. Chúng tôi ậm ừ cho qua chuyện.
Tại đây, nhẩm đếm có khoảng trên mười trai bao có cùng thân phận đồng tính như K tụ lại, họ văng tục và bắt đầu uống nước, đánh bài giải khuây với mấy người bán nước trước cổng. Thấy tôi mới, Bằng - người có nước da trắng và hơi đô con - cầm điện thoại gọi ai đó, nhưng vẫn tranh thủ hỏi: “Trước làm ở đâu mà giờ mới ra đây vậy cưng?”.
Tôi lại nói lúc trước làm ở công viên Gia Định nhưng ế quá nên tìm sang đây. Những người này tỏ vẻ không đề phòng người lạ như tôi, họ vẫn vô tư đốt thuốc, văng tục và hỏi han nhau về số tua mỗi người có được. Lúc này tôi tranh thủ làm quen thêm nhiều người. Trong số đó, tôi ấn tượng nhất với “cô Long” - tên thân mật dành cho người đàn ông “yểu điệu” nhất trong đám. Cả buổi, “cô Long” hết làm trò rồi lại ghẹo người khác. Mọi người cười đùa một lát rồi lại tản ra, tranh thủ đứng chờ khách...
Kéo tôi về vị trí cũ, K tựa lưng vào cột điện, im lặng một lúc rồi lại kể tiếp chuyện đời mình. Nhà K đông anh em, lương hưu của bố và đồng lương của chị gái là nguồn vốn chính nuôi sống gia đình K. Tốt nghiệp trường cao đẳng, K bắt đầu vào làm nhân viên mátxa ở “động” H.D, quận Tân Bình, TPHCM. Quán đóng cửa vì bị công an đánh sập, mọi người tản ra khắp nơi, riêng K thì về làm tại khu này. Sống cùng dì bên quận 8, sau những đêm đi với khách được khoảng 300-500 nghìn đồng tùy thời điểm.
Một ngày của K bắt đầu bằng việc ngủ đến 15-16 giờ chiều, sau đó dậy ăn uống, tập thể hình và chuẩn bị cho công việc khi đêm đến. K bảo “mọi thứ cứ nhàn nhạt, đơn điệu và lặp lại ngày này qua ngày khác”. Dĩ nhiên cũng có những lúc ăn chơi bù khú với bạn bè, nhưng với K thì rất ít. K kể: “Anh không có nhiều bạn bè, nhưng những ai hiểu thì họ đều bình thường với K cả. Lúc K học cao đẳng, cả lớp chả ai biết K bị như thế hết. Khi ra trường, lúc đăng lên Facebook thì mấy đứa nhảy vô bàn tán nhiều, nhưng không ai quay lưng với K”. Bất ngờ K hỏi: “Tụi bạn biết mình bị như thế cũng không sao, nhưng nếu lỡ chúng đi đâu về bắt gặp mình đứng đây, làm nghề này thì chắc tụi nó khinh mình lắm nhỉ?”.
Tôi im lặng vì không biết phải trả lời sao với câu hỏi này. Hình như K cũng không quan tâm lắm. “K chưa bao giờ nghĩ đời mình lại tệ tới mức này. Nhiều lúc thấy ân hận vì nhục nhã quá. Cũng đã nhiều lần K muốn rứt bỏ, nhưng nghề này như có ma ám, không thể nào rứt ra được”. K bảo lúc trước làm mátxa ở “động”, dù ít tiền nhưng cũng tốt hơn đây. Làm nghề này bị người ta chửi như mấy thằng điên vậy. “Sao anh không tìm một nghề khác để kiếm sống?”, tôi dò hỏi: “Xã hội này đâu thiếu công việc, miễn là mình cố gắng và cố gắng thì không sợ thiếu ăn”. K cười, trả lời khá đơn giản: “Muốn làm nghề khác phải có số vốn nhất định nào đó”.
K kể 3 năm học cao đẳng, K vay vốn ưu đãi cho sinh viên tổng cộng 24 triệu đồng mà tới giờ vẫn chưa trả hết. “Nhiều khi muốn quay lại nghề uốn tóc, trang điểm khi còn làm thêm thời sinh viên, nhưng thấy khó quá bởi mỗi tuần chỉ có vài suất, giá khoảng 200 nghìn đồng một suất, nếu so với bên này thì sao bằng?” - K nói. Tôi không đồng ý, định tranh luận thì K “bịt” ngay mồm tôi bằng kết luận: “Đã mang lấy nghiệp vào thân thì chịu thôi”. Đến mức này, tôi không còn gì để nói.
Cuộc trò chuyện của tôi đến 3 giờ sáng thì kết thúc vì có khách tìm tới. Khách lần này là một gã đàn ông chừng 50 tuổi, dáng đi õng ẹo và thơm lừng nước hoa. Là một trong những khách quen của K, nhưng K hào phóng vì tôi là “hàng mới và cũng để trả công cho một đêm chuyện vãn”. Tôi tạm biệt K, chạy lòng vòng với gã khách để hỏi han, ngã giá rồi... đánh bài chuồn. Ông khách chưng hửng, bực bội ra mặt, nhưng sau đó không hiểu sao lại vẫn ới theo: “Tối mai lại đi với anh nghe cưng...”.
Cơ quan CSĐT - Công an TPHCM đang truy bắt đối tượng Đỗ Duy Phong (SN 1994, ngụ Q.12) và đồng bọn. Theo điều tra, Phong được ông N.M.H (SN 1962) gọi về nhà ở P.Hiệp Thành, Q.12 để quan hệ đồng tính. Lợi dụng lúc đang “mây mưa”, ông H đang nằm sấp thì Phong ra hiệu cho 2 đồng bọn bên ngoài ập vào dùng dao khống chế và đâm nạn nhân 3 nhát, sau đó trói ông H, cướp 1 xe gắn máy, 1 máy tính xách tay, 2 điện thoại di động và 50 triệu đồng.
Tương tự, một vụ án do quan hệ đồng tính vừa xảy ra tại khách sạn Quỳnh Nhi, số 297 Nguyễn Chí Thanh, P.15, Q.5, tên Nguyễn Năng Lượng (SN 1984, ngụ Hà Tĩnh, là trai bao) và anh C.T.H (SN 1980, ngụ Q.11) cùng đến thuê phòng để quan hệ đồng tính. Sau khi “xong chuyện”, do mâu thuẫn thanh toán tiền phòng, tên Lượng cướp 1 điện thoại, 1 máy tính xách tay và chiếc bóp bên trong có 3USD và 500 ngàn đồng, rồi yêu cầu nạn nhân ra quán càphê phía trước để chuộc lại. Công an đã bắt giữ Lượng để xử lý.