Cuối cùng, TAND TPHCM chấp nhận việc thuận tình ly hôn của họ nhưng bác đơn kháng cáo yêu cầu được nuôi con của người vợ. Anh móc vội điện thoại thông báo cho mẹ biết; còn chị rưng rưng nước mắt, lặng lẽ rời phòng xử.
Giành con trai, giành cả cháu nội !
Theo lời chị tại phiên tòa, sau 2 năm tìm hiểu, họ kết hôn vào năm 2003. Gia đình chồng chỉ có 2 mẹ con, anh là con một nên mẹ chồng không muốn chia sẻ tình cảm cho ai - dù đó là con dâu. Bà luôn có cái nhìn xét nét, hay kiếm chuyện chê bai con dâu và luôn giành phần chăm sóc con trai. Con gái chị 1 tuổi, mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu trở nên trầm trọng khi ngoài việc “giành” con trai, mẹ chồng lại giành cả cháu nội. Chị đi làm, mẹ chồng ở nhà chăm cháu nên từ việc ăn uống, tắm rửa, cho bé ngủ… đều một tay bà lo. Những khi chị nghỉ ở nhà, bà cũng không cho chị lại gần và chăm sóc con.
Con gái càng lớn, mẹ chồng càng cố tách rời tình cảm mẹ con của chị. Chị mua quần áo, đồ chơi, bà không cho con bé đụng vào; chị trò chuyện với con, bà tìm cách xua đuổi, ẵm cháu đi và nói: “Con đừng thèm chơi với mẹ”. Càng ngày, chị càng thấy mình thua cả người ngoài dù sống cùng một mái nhà và là người sinh ra con bé. “Tôi biết bà nội muốn giành nhiều tình cảm của cháu. Nhưng mẹ chồng tôi rất quá quắt, độc ác và thiếu tình người. Con tôi sinh ra mà bà coi tôi không ra gì hết, không cho tôi gần con, làm sao tôi chịu nổi?” - chị vừa khóc vừa nói.
Đem sự việc kể cho chồng nghe, ban đầu anh ậm ờ nói “tại bà thương cháu mới vậy” nhưng càng về sau, anh càng bực mình khi cứ nghe mãi những lời cằn nhằn, trách móc của mẹ và vợ. Chị đòi ra riêng, anh cương quyết không chịu vì phải phụng dưỡng mẹ, anh cũng không tìm được cách nào để dung hòa mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu. Vậy là cãi nhau. Cuộc sống ở nhà chồng đối với chị càng trở nên bí cách, khó thở. Đến một lần cãi nhau với mẹ chồng, chị đem con về quê ở Long Khánh. Sau lần đó, hôn nhân của họ đứng bên bờ vực thẳm rồi đổ vỡ hoàn toàn khi ngày ngày, mẹ chồng đem chuyện này ra để chì chiết chị và nói ra nói vào với con trai. Chị quyết định ly hôn, xem đó như là giải pháp để thoát khỏi cuộc sống tù ngục.
Người chồng - sợi dây liên kết
Tại phiên tòa sơ thẩm, anh giành quyền nuôi con. Yêu cầu này được TAND quận Thủ Đức chấp thuận vì anh có điều kiện kinh tế, có nhà cửa ổn định trong khi chị làm công nhân ở khu chế xuất, tăng ca liên tục và phải thuê nhà trọ để ở. Chị đành nuốt nước mắt, tay trắng trở về. Nhưng nghĩ đến cảnh mẹ chồng cấm cản không cho gặp con; con gái còn nhỏ (năm nay 8 tuổi), sợ bà nội nên cũng không dám gặp mẹ, chị không cam lòng. Cảm giác bị tước mất quyền làm mẹ khiến chị quyết định kháng cáo.
Chồng chị thừa nhận những lời chị trình bày tại tòa là đúng nhưng anh lớn tiếng cho rằng chính vì chị không nhường nhịn, thích cãi lời mẹ chồng nên mâu thuẫn mới ngày càng gay gắt. “Tính khí mẹ anh như vậy, vợ nào chịu nổi? Anh không muốn bị chia cắt tình cảm giữa anh và mẹ thì vợ con anh cũng vậy. Tình thương của vợ anh đối với con cũng như tình thương của mẹ anh đối với anh. Lẽ ra trong việc này, anh cũng cần phải phân tích, giải thích cho mẹ hiểu, đừng đổ tất cả lỗi cho vợ. Trong mối quan hệ nhạy cảm mẹ chồng - nàng dâu, vai trò của người ở giữa rất quan trọng. Anh chính là chiếc dây nối giữa 2 người phụ nữ, vì vậy phải có bản lĩnh vững vàng, tình cảm không được nghiêng về bất cứ bên nào... Còn về phía chị, quyết định đến với anh, chị cũng đã biết hoàn cảnh gia đình. Mẹ chồng chị có cách cư xử không đúng nhưng là phận con, chị cũng không nên vì bất bình mà cãi nhau với người đã sinh thành ra chồng mình, gây áp lực với chồng. Cuộc sống chung đòi hỏi các bên phải có sự điều chỉnh, khéo léo, tế nhị. Đôi khi phải chịu thua thiệt, hy sinh một chút nhưng suy cho cùng đó cũng là vì người thân trong gia đình và vì hạnh phúc của mình...” - vị chủ tọa từ tốn phân tích.
Anh miễn cưỡng lắng nghe, còn chị sụt sùi khóc. Trong cách nói của anh, người nghe dễ dàng nhận ra quan niệm: “Vợ chồng như áo cởi ra”, người ta có thể thay vợ như thay áo, chứ mẹ thì chỉ có một”. Cũng vì suy nghĩ một chiều như thế mà anh đã không cố gắng thêm để có thể hiểu cho vợ, cũng là để cho con trẻ không bị thiệt thòi khi buộc phải sống trong một mái nhà thiếu mẹ hoặc cha.
Buộc làm cam kết
Không dưới một lần nhắc nhở anh về Luật Hôn nhân Gia đình (sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở quyền này - PV), cẩn thận hơn, trước khi kết thúc phiên tòa, vị chủ tọa buộc anh làm bản cam kết với nội dung hằng tuần, chị được tự do đón con vào mỗi buổi chiều thứ bảy và trả lại con vào chiều chủ nhật.
Hy vọng với cách giải quyết thấu đáo, đặt quyền lợi của trẻ lên trên hết của HĐXX, cả anh và chị sẽ biết phải làm gì để con gái họ vẫn luôn nhận được đầy đủ tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ và gia đình hai bên nội - ngoại dù không có một gia đình trọn vẹn.Theo Tố Trâm (Người lao động)