Mất tiền tỷ từ kiểu cho vay đa cấp

havan |

Hà bịa ra việc “chuyển hướng kinh doanh” sang làm đáo hạn ngân hàng...

CÁCH ĐÁO HẠN NGÂN HÀNG CỦA MỘT CHỊ “HAI LÚA”

Trong hai ngày 21 và 22-3, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên xét xử bị cáo Lê Thị Thu Hà (SN 1972) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, Hà xuất thân là nông dân làm rẫy ở xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh. Do cần vốn sản xuất, Hà đã nhiều lần vay lãi suất cao của bà Huỳnh Thị Kim Trung, ở số 10 chung cư Ngô Gia Tự, TP. Nha Trang.

Vay dễ, Hà bịa ra việc “chuyển hướng kinh doanh” sang làm đáo hạn ngân hàng. Ngày 17-7-2009, Hà đến gặp bà Trung hỏi vay 280 triệu đồng để làm đáo hạn ngân hàng tại Diên Khánh, lãi suất 840 nghìn đồng/ngày và hẹn 10 ngày sau sẽ hoàn trả lại số tiền trên. Ngày 18-7-2010, Hà nói với bà Trung do hồ sơ bị kẹt nên cần vay thêm 1,150 tỷ đồng để lấy ra.

Tin tưởng vào Hà, bà Trung tiếp tục cho vay. Với phương thức và thủ đoạn trên, từ tháng 7-2009 đến tháng 7-2010, Hà đã vay của bà Trung 5,260 tỷ đồng. Tất cả những lần vay, Hà đều viết giấy hẹn 10 ngày sau sẽ trả theo từng cột tiền và lãi suất như trên. Tiền vay được Hà không làm đáo hạn ngân hàng như đã nói với bà Trung mà dùng tiêu xài cá nhân.

VÀ NHỮNG HỆ LỤY BUỒN

Trong phiên tòa, ngoài những nhân chứng khác, còn có bốn người được triệu tập tới tòa với vai trò là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan, là các chị: Nguyễn Thị Hương X., Trần Thị H., Tơ Kim H. và Bùi Thị Kim H. Cả bốn người đều không hề biết bị cáo Lê Thị Thu Hà lẫn người bị hại là ai. Anh Trần Đình V., chồng chị Nguyễn Thị Hương X., chua chát: “Thời gian qua mọi người trong gia đình đều nghi ngờ vợ tôi lừa đảo. Tiền mất, tình cảm của những người thân trong gia đình đã bị sứt mẻ nghiêm trọng”.

Ngọn nguồn câu chuyện xuất phát từ năm 2008. Khi ấy, Đặng Thị Thanh Nhàn (SN 1972, trú phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) có mở một văn phòng kế toán quyết toán thuế ở đường Trịnh Phong, TP. Nha Trang. Lần lượt các chị Nguyễn Thị Hương X., Trần Thị H., Tơ Kim H. và Bùi Thị Kim H. được Nhàn tuyển dụng vào làm việc ngoài giờ cho văn phòng này. Sau một thời gian, lợi dụng sự quen biết, Nhàn đã gặng hỏi và vay của các nhân viên này lên đến hàng tỷ đồng để... đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao.

Để tạo uy tín, những tháng đầu năm 2009, Nhàn thanh toán tiền lãi đầy đủ. Thấy vậy, bốn người trên không những “đầu tư” tiền của mình cho bà chủ vay mà còn huy động thêm vốn từ những người thân trong gia đình như cha mẹ, anh chị em và cả chồng của mình để cho vay. Người ít cũng vài trăm triệu, người nhiều như chị Nguyễn Thị Hương X. thì số tiền cho vay lên đến gần 2,4 tỷ đồng. Nhưng đến đầu tháng 8-2009, Nhàn thông báo: tiền đã bị nhân viên tín dụng của ngân hàng giật rồi bỏ trốn. Những người cho Nhàn vay không thể đòi lại số tiền, đã viết đơn tố cáo.

Theo điều tra, hơn 5 tỷ đồng có được từ việc vay của bốn nhân viên trong văn phòng và một số người khác đã được Đặng Thị Thanh Nhàn cho bà Huỳnh Thị Kim Trung vay để hưởng lãi suất. Một phần không nhỏ trong số tiền này lại được bà Trung cho bị cáo Hà vay để hưởng lãi suất chênh lệch. Tại tòa, bà Trung chỉ yêu cầu bị cáo bồi thường 3,8 tỷ đồng. Chính điều này đã khiến những người dự phiên tòa nghi ngờ những uẩn khúc của “dòng tiền đáo hạn ngân hàng” mà quá trình điều tra chưa được sáng tỏ?

Kết thúc phiên tòa, bị cáo Lê Thị Thu Hà phải nhận bản án 15 năm tù giam về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và phải bồi thường 3,8 tỷ đồng. Kẻ có tội đã phải nhận bản án thích đáng, còn lại những bị hại thật sự như chị Nguyễn Thị Hương X., Trần Thị H., Tơ Kim H. và Bùi Thị Kim H. còn tiếp tục phải đợi những phán quyết của pháp luật tại những phiên tòa khác. Vụ án cho thấy, những người hám lợi, cả tin sẽ dễ dàng trở thành đối tượng khai thác của những kẻ lừa đảo.

Theo Congan.com.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại