Ngợi ca... sát thủ?!
Youtube có lẽ công cụ giải trí trực tuyến “cập nhật” đầy đủ nhất các clip, thơ, nhạc, hình ảnh “chế biến” về sát thủ Lê Văn Luyện, trong đó hầu hết được “chế” lại từ tội ác của Lê Văn Luyện tại tiệm vàng ở Bắc Giang. Đáng ngại hơn, trên hàng loạt diễn đàn, trang web phục vụ tuổi teen, web chuyên về âm nhạc, facebook và blog cá nhân... cũng tràn ngập các “phản văn hóa phẩm” biến Lê Văn Luyện thành nhân vật chính, từ... đại ca trong giới giang hồ cho đến... thần tượng trong mắt teen Việt (!), thành nhân vật tội phạm bị Bao Công xử án...
Không chỉ thế, các “chuyên gia” chế nhạc còn đặt lại nhiều tựa bài hát cho có liên quan đến Lê Văn Luyện như “Xuân này anh không về” thành... “Xuân này Luyện không về”, “Tau thích mi” thành... “Tau thích Luyện”...! Một đoạn phim Bao Công còn được lồng tiếng lại và đổi tên thành... “Bao Công xử chém Lê Văn Luyện”. Thậm chí, một bài hát có tên gọi “Vãi Luyện” cũng đang lan truyền rất nhanh trên mạng, nhiều cư dân mạng còn tung hô đó là... bài hát hot nhất trong tháng!
Lê Văn Luyện được biến thành nhân vật trong game đào vàng để câu khách
Đáng nói là, các clip, nhạc, hình ảnh trên đều thu hút số người truy cập rất cao. Hầu hết các clip trên youtube đều có con số trên 100.000 người xem chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng. Ngoài ra, rất nhiều bình luận liên quan đến sự việc này được biến thành một trào lưu, thay vì lên án hành vi của Lê Văn Luyện thì lại thi nhau tung hô, ca tụng, biến Luyện thành một nhân vật “nổi tiếng”, “dám làm”.
Lê Văn Luyện trong vai “đại ca giang hồ” do một cư dân mạng chế biến
Khó xác định hành vi vi phạm?
Tác hại của sự việc này thì đã rõ, tuy nhiên, nói đến chuyện quản lý hay xử phạt những hành vi này, thì đến nay, vẫn chưa có quy định cụ thể. Về vấn đề này, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp - Đoàn Luật sư TP.HCM đưa ra ý kiến: “Việc chế nhạc, làm thơ này trước đây cũng đã xuất hiện khá nhiều trên mạng, nhưng chưa từng được đặt ra vấn đề xử lý. Xét ở các khía cạnh như về sở hữu trí tuệ (chế lại nhạc, phim); xúc phạm nhân phẩm hay phát hành văn hóa phẩm vi phạm thuần phong mỹ tục đều không có quy định cụ thể trong luật, cũng rất khó xác định người bị thiệt hại. Vì vậy, rất khó để xử lý hành vi vi phạm trên”.
Cụ thể hơn, Luật sư Trần Công Ly Tao - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Hành vi tuyên truyền, phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy, phổ biến ấn bản phẩm phản động thì đã có quy định xử phạt cụ thể, nhưng những hành vi trên đây khi khó mà xác định vi phạm vì chưa có quy định cụ thể trong luật. Tuy nhiên, về mặt đạo đức xã hội, đây là hành vi phát tán, ca ngợi hành động khát máu, tàn bạo, vô nhân tính, đáng bị lên án.
Hiện tại chỉ có hai cách để hạn chế: Một là cơ quan quản lý thông tin cần lưu tâm, có biện pháp để ngăn chặn việc đưa lên mạng, phát tán các văn hóa phẩm này. Hai là có thể truy ra người sáng tác, đăng thông tin như cá nhân, trang web... và địa phương có biện pháp răn đe, xử phạt hành chính. Theo tôi nghĩ, hiện nay luật chưa quy định vì hành vi trên còn khá cá biệt, nhưng thời gian tới có thể tạo thành một trào lưu mang nhiều tác hại, các nhà làm luật cũng phải cập nhật, nghĩ đến chuyện điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế”.
Theo Ngọc Mai
Pháp luật Việt Nam