Cơ quan CSĐT - CAQ Thanh Xuân vừa bắt khẩn cấp Lê Thị Dung, SN 1990, trú quán tại Quảng Xương - Thanh Hóa, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và du lịch Hạ Long (Công ty Hạ Long), trụ sở tại 12 phố Cự Lộc, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hoạt động lừa đảo của Dung cùng đồng phạm hé lộ vào ngày 1-9-2011, sau khi CAP Thượng Đình (Thanh Xuân) liên tiếp nhận được nhiều đơn tố giác Công ty Hạ Long lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu tìm việc làm do công ty này hứa hẹn môi giới. Trong quá trình điều tra, xác minh những lá đơn tố cáo của nhiều người lao động ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc gửi đến, CAP Thượng Đình nắm được Công ty Hạ Long do Lê Thị Dung sáng lập và làm Giám đốc điều hành.
Ngoài ra, tại đây còn một nhân viên tên là Phạm Thị C, quê ở Yên Mỹ - Hưng Yên, được Dung thuê làm nhân viên văn phòng. Dung đã tự soạn thảo nội dung Công ty Hạ Long có nhu cầu tuyển dụng lao động như thu ngân, bán vé máy bay trên mạng internet… rồi đưa những thông tin này lên các trang web quảng cáo, rao vặt trên “mạng” để người lao động nắm được, liên hệ với Công ty Hạ Long xin việc. Tuy nhiên, Dung không lấy tên thật của mình để giao dịch với khách, mà lấy tên giả là Trần Thị Quỳnh?! Sau khi xác minh, điều tra và xác nhận những thông tin nêu trên là đúng sự thật, ngày 6-9-2011, CAP Thượng Đình đã triệu tập Lê Thị Dung đến trụ sở cơ quan công an để làm rõ.
Tại cơ quan công an, Dung khai nhận sau khi tốt nghiệp THPT ở quê, tháng 6-2011, đối tượng ra Hà Nội và lập công ty môi giới việc làm để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Dung đã dùng tên giả là Trần Thị Quỳnh, đẩy những thông tin việc làm lên mạng internet, để giao dịch với những người có nhu cầu tìm kiếm việc làm tại Công ty Hạ Long, rồi lừa đảo chiếm đoạt tiền của họ. Nhiều sinh viên ngoại tỉnh đang theo học tại Hà Nội và người lao động tự do đã đến Công ty Hạ Long xin việc. Họ được gặp người đại diện công ty là Quỳnh (thực chất là Dung) và nhân viên công ty là Phạm Thị C tiếp đón, tư vấn, hướng dẫn làm các thủ tục xin việc làm như: nộp một khoản phí ban đầu là 200 nghìn đồng để làm biển hiệu và thẻ ra vào công ty; khoản thu này được gọi là nộp lệ phí “nhân sự”.
Sau đó, Dung và C phát hồ sơ xin việc cho người lao động tự khai, rồi hẹn họ vài hôm sau đến để nộp hồ sơ tiếp tục giải quyết. Đến lần hẹn thứ 2, Dung và nhân viên công ty tiếp tục yêu cầu người lao động nộp thêm 500 nghìn đồng. Khoản lệ phí này được giải thích để tránh tình trạng bỏ việc giữa chừng và nếu như người lao động tự ý bỏ việc, sẽ bị mất khoản lệ phí này. Cứ như vậy, Dung với danh nghĩa Giám đốc Công ty Hạ Long đã thu tiền của nhiều người lao động, rồi hứa hẹn khi nào tổ chức xong công việc sẽ thông báo qua điện thoại, để mời họ đến làm việc. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8-2011 đến nay, Dung đã nhận nhiều hồ sơ và tiền của người lao động, nhưng chưa có trường hợp nào được sắp xếp công việc.
Theo Hà Trang
An ninh thủ đô