Cả khu trọ có tầm 30 phòng trở lên, thì có đến cả trăm người ra vào. Việc quản lí nhân sự vô cùng lỏng lẻo. Lợi dụng điều đó, nhiều cô nàng mắt xanh mỏ đỏ đội lốt sinh viên để qua mắt chủ trọ xin vào ở.
Ăn mặc tử tế, nhìn có vẻ hiền lành, ngoan ngoãn lại xưng mình là sinh viên trường nọ, trường kia… chủ trọ nào mà không đồng ý cho ở. Nhưng ở được mấy hôm những người quanh đấy thấy các cô nàng chỉ hoạt động về đêm.
Tối tối lại son phấn lòe loẹt, quần áo ngắn cũn cỡn, lao theo tiếng còi xe ở ngoài cổng rồi vụt đi đến nửa đêm, có hôm đến sáng mới về. Liếc qua trong phòng chẳng thấy sách vở gì, chỉ thấy mấy đôi guốc cao gót, hàng loạt chiếc váy mỏng tang, áo hai dây, son phấn lộn xộn trong phòng.
Có đêm khuya, còn đưa cả bạn trai về phòng ngủ. Mọi người trong khu trọ ai cũng biết họ là những “gái gọi” đích thực! Ấy vậy mà, chủ trọ vẫn không hề hay biết, chỉ cần đầu tháng tiền phòng suôn sẻ là được, cho trọ hết tháng này lại đến tháng khác. Mấy cô, cậu sinh viên không chịu được trước cảnh ồn ã, xô bồ của khu trọ, lần lượt xách ba lô, đồ đạc chuyển đi nơi khác…
Nhà trọ hay là… nhà “chứa”?
Nam - sinh viên Trường Cao đẳng Du Lịch, kể về xóm “cave” mà chính Nam đã ở, đã chứng kiến khi chọn nhầm chỗ trong những đầu trọ học ở đất Hà Nội. Qua lời mồi chài của anh xe ôm ở ngã tư Cổ Nhuế - Từ Liêm, Nam được dẫn đến một khu trọ gồm hai dãy phòng dài dằng dặc.
Ban ngày, phòng nào cũng đóng cửa kín mít, có vẻ khá yên tĩnh. Thấy giá phòng “dễ chịu” chỉ 500 ngàn, phòng rộng 10m2 lại gần trường, Nam đồng ý nộp tiền phòng 1 tháng và tiền đặt cọc, rồi háo hức nghĩ đến cảnh vui vẻ, hồn nhiên của xóm trọ sinh viên.
Nhưng quá sốc, những người hàng xóm của cậu là những cô tóc vàng, “mắt xanh mỏ đỏ”, móng chân móng tay sơn lòe loẹt… nói chuyện với nhau bằng những câu nói suồng sã, tục tĩu về ca làm đêm hôm qua…
Đối diện với căn phòng của Nam, bên dãy kia, có chị đang trong vòng tay “thân mật” của anh kia, thản nhiên hôn hít, mặc cho cánh cửa mở toang…“Mới đầu, em rất hoang mang và cảm thấy sờ sợ về sự không bình yên của cuộc sống ở đây, của những con người ở đây”- Nam chia sẻ.
Tối đến, những chiếc xe máy rú ga ầm ầm, kẹp ba, kẹp bốn, các chị hàng xóm mất dạng trong đêm. Đến 1-2 giờ sáng, lại rũ rượi trở về kéo theo những con ma cờ bạc. Lẫn trong làn khói thuốc lờ mờ có lảo đảo những khuôn mặt đỏ gay đang tìm cuộc vui đen đỏ trong đêm, bên cạnh những người đẹp lả lướt phục vụ.
Đó không phải là nơi trọ nữa, mà là ổ của “gái gọi”, của rượu chè, cờ bạc… luôn chìm đắm trong cuộc vui thâu đêm, suốt sáng. Đi kèm với nó là không biết bao nhiêu những tệ nạn xã hội nguy hiểm: nghiện hút, bệnh tật… đủ đường hoạn nạn.
Nam không dám nói chuyện với họ, sợ họ, muốn trốn khỏi nơi này, nhưng tiền phòng đã trả rồi, giờ dọn đi thì lấy đâu tiền mà thuê. Nam đành ở đến hết tháng, rồi chuyển đi, chấp nhận mất trắng 400 ngàn tiền đặt cọc.
Giữa sinh viên và cave có thời gian sinh hoạt hoàn toàn khác nhau. Nếu cave hoạt động chủ yếu về đêm thì đây lại là khoảng thời gian để sinh viên ôn bài và nghỉ ngơi. Vì vậy việc bất hòa giữa hai đối tượng này thường xuyên xảy ra.
Một trong những cái khó chịu mà nhiều bạn sinh viên nhắc đến chính là bị quấy rầy giữa đêm.“Nhiều đêm ôn thi phải thức trắng để học nhưng tiếng xe máy ầm ầm đưa đón khách, những tiếng “động lạ” và những tiếng “kêu” giữa đêm vắng khiến bọn mình không thể tập trung học được”. Nam nói.
Nam sinh bị gái bán dâm gạ gẫm
Không chỉ bị quấy rầy khi về đêm mà tại một số khu trọ các nam sinh còn dễ bị các cô cave gạ gẫm.“Thực ra nhiều cô cave có hoàn cảnh rất đáng thương. Họ vì cha mẹ mất sớm phải gánh trên vai gánh nặng gia đình hay vì bị xã hội đưa đấy nên mới phải làm cái nghề này.
Nhưng lối sống trác táng, buông thả của họ thì không thể chấp nhận được. Khi có tiền họ mua cả đống quần áo, ăn uống nhậu nhẹt. Thậm chí họ còn trơ đến mức đi “gạ gẫm” mấy chú sinh viên nghèo”- Minh, sinh viên Đại học Xây dựng tâm sự.
Những đêm mưa gió vắng khách, các cô cave thường trở về nhà với cái túi lép và cái bụng đói meo. Vậy là họ bắt đầu đi “gạ gẫm” các nam sinh trong dãy. Minh kể:
“Có nhiều đêm đang ngồi học tự nhiên có tiếng gõ cửa. Khi hỏi thì bên ngoài vẳng lại tiếng nói thẽn thọt của cô “hàng xóm”: Anh ơi, giải trí tí không?”, Cũng không ít nam sinh lại dính vào đám “hoa dại” chỉ vì hám của lạ”.
Còn có những khu trọ toán loạn lên vì những vụ đánh ghen. Ở làng Triều Khúc không ai không biết dãy trọ nhà bà Hào. Dãy trọ có 5 phòng thì đến 3 phòng là cave. Ở đây liên tục xảy ra những vụ đánh ghen ầm ĩ.
Mấy hôm trước có một bà đến đánh ghen vì trong dãy có cô cave tên là Hằng tằng tịu với ông Tân chồng của bà. Theo dõi biết Hằng thuê trọ ở đây bà đã thuê đầu gấu đến dằn mặt. Chúng xông thẳng vào dãy và tuyên bố:“Cấm con cave Hằng tằng tịu với ông Tân. Nếu để chúng tao bắt được một lần nữa thì lọ axit này sẽ là “món quà” dành cho nó”.
Đám sinh viên trong dãy được một trận hú vía. Mấy cô sinh viên đóng chặt không dám ra ngoài. Hôm sau không ai bảo ai tất cả đồng loạt chuyển chỗ ở bởi họ sợ “không phải đầu cũng phải tai”.
Cùng với những đôi sống thử đã và đang là trào lưu thì ở các làng sinh viên, khu xóm trọ bây giờ cũng có rất đông các cặp "vợ chồng" theo kiểu: "chồng sinh viên, vợ cave".
Từ mọi miền quê, sinh viên lên thành phố học tập và họ thuê trọ tại các khu dân cư, nơi mà sự phức tạp về mọi mặt là có thật. Những chủ nhà trọ có phòng cho thuê, họ không cần biết người thuê là ai, miễn đóng tiền đầy đủ và đúng hạn là ... OK! Chính vì thế mà, tại các xóm trọ, sinh viên ở lẫn với cave, người đi buôn bán, đi làm là thường tình.
Với những nam sinh viên, phần lớn họ ở quê lên nên điều kiện kinh tế rất eo hẹp, bởi bố mẹ quá vất vả mới có tiền cho con ăn học nơi thành phố với mức sống đắt đỏ. Cuộc sống trọ học có biết bao nhiêu thiếu thốn vất vả đã khiến không ít các chàng nam sinh viên ở tỉnh lên bị “đặt vào tầm ngắm” của cave.
Nguyễn Văn Tuấn, SV năm thứ 2 của một trường đại học tại Hà Nội, quê ở Hà Tĩnh, đã bị “bắn rụng” như vậy bằng “viên đạn” là một ả cave trẻ đẹp, sống ngay sát cạnh phòng trọ. Hai người sống tại một khu xóm trọ thuộc phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Mới đầu Tuấn cũng không để ý tới sự quan tâm, thiện cảm của Hoa – tên cô gái, dần dần sự gần gũi càng được củng cố khi Hoa liên tục giúp đỡ Tuấn về vật chất, tiền bạc. Những khi chủ nhà đòi tiền phòng, Hoa đều đóng hộ cậu.
Nhiều lúc tiền ăn không còn, Hoa cũng đưa cho Tuấn mà không cần có cam kết vay mượn nào cả. Những buổi ăn uống tập trung, rồi những hôm đi chơi tối cùng về… đã dẫn họ tới tình yêu lúc nào không hay, mà ngay đến Tuấn cũng thấy quá bất ngờ. Thế là họ dọn sang sống cùng phòng với nhau để bắt đầu cuộc sống “vợ chồng”.
Hùng sinh viên Đại học Giao thông kể một câu chuyện thật như đùa ở xóm trọ cũ của cậu ở ngõ 68 Cầu Giấy. Chuyện cũng là cảnh sinh viên phải sống chung xóm trọ với cave. Ban đầu cũng phức tạp, sau tưởng chừng cũng quen dần. Cho đến khi một anh bạn đã không cưỡng nổi cám dỗ, rơi vào vòng tay của một đàn chị chuyên nghề dịch vụ xxx.
Coi như là chỗ dựa tinh thần cho bóng hồng, còn anh này thì được chu cấp về tài chính. Sau hai người chuyển ở chung một phòng như vợ chồng luôn cho tiện, anh vừa làm xe ôm đưa chị đi tiếp khách, vừa là chỗ an ủi tinh thần cũng như bù đắp về tinh thần lẫn thể xác mỗi khi ế ẩm.
Chuyện chỉ có thế thì cũng chẳng có gì đặc sắc, cho tới một ngày… Đợt đó, 3 - 4 hôm liền không hiểu sao mà chị ế ẩm quá (có thể do thời tiết cũng nên), nên chỉ toàn ở nhà. Có bức xúc thì 2 anh chị “tự giải quyết”.
Dính lấy nhau 4 ngày liền, anh bạn này đã ngã trên lưng ngựa, chị ta phải cấp tốc đưa vào việc cấp cứu (có lẽ do quá sức, lại cố vì sĩ diện đây mà!). Vì vấn đề xảy ra khá tế nhị, trong khi còn đang là sinh viên, cần lý do để xin nghỉ học, hoãn thi nên anh đã rỉ tai bà bác sĩ viết vào bệnh án làm sao cho khéo léo, tế nhị.
Và để thực hiện mong muốn của bệnh nhân, trong khi vẫn đảm bảo tính chân thực của tình trạng bệnh lý – bà bác sĩ giàu kinh nghiệm đã ghi vào bệnh án như sau: “chẩn đoán: Ngộ độc do dùng sữa quá date”.
Đại đa số các nam sinh viên khi bắt đầu cuộc sống“chồng – vợ” với cave họ chẳng bao giờ nhìn về tương lai, sự nghiệp ở phía trước. Trước mắt họ chỉ là cuộc sống an nhàn, hưởng thụ tiền bạc, tình ái theo kiểu Tây hóa.
Người ta thường bảo rằng “Cái gì cũng có cái giá của nó”. Ngay như Tuấn, sau hơn một năm chung sống cùng “ vợ” là một ả cave trẻ hơn, đẹp hơn và cuộc sống của Tuấn vẫn buông thả phó mặc cho dòng đời đẩy đưa…
Không may mắn như Tuấn là còn được lưu ban học lại, Hoàng Anh sinh viên Đại học Giao thông còn bị đuổi học thẳng thừng khi suốt cả năm học Hoàng Anh chỉ đến lớp có…15 buổi. Thời gian đáng lẽ Hoàng Anh phải tới trường để trau dồi kiến thức cậu ta dành hết cho các trò chơi game, đánh lô đề, chơi cá độ bóng đá, các cuộc du hý rượu chè thâu đêm suốt sáng…
Nhiệm vụ chính của Hoàng Anh là phải đưa đón “vợ” hơn mình 4 tuổi đi làm ở các nhà hàng, khách sạn và những nơi nào cần … “hàng gấp”. Nghe đâu, người tình của Hoàng Anh là một chân dài, từng học múa, nên cái giá mà mỗi lần ả đi khách không bao giờ dưới…một “quả”.
Bị “đứt gánh” sự nghiệp học hành giữa chừng như vậy, nhưng Hoàng Anh không mảy may buồn phiền hối hận. Anh bảo:“Nay mai về xin ông bà bô vài trăm quả để mở công ty, hay nhà hàng kinh doanh gì đó là xong, chứ học Đại học ra trường thất nghiệp đầy rẫy chứ có hơn đâu …”.
Theo Thu Giang
Phụ nữ Today