Hai lá đơn kêu cứu
Lá đơn đầu tiên gửi đến Công an TP. Đà Lạt là vào ngày 28-11-2005, của chị Nguyễn Thị Th. (SN 1985, trú tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Chị Th. cho biết, tháng 9-2005 chị lên TP. Đà Lạt chơi rồi tình cờ quen với một nhóm thanh niên. Nhóm này đã rỉ tai rủ chị ra Hà Nội bán hàng thuê với mức lương hấp dẫn 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Tin lời, chị Th. theo chúng ra Hà Nội. Đến Hà Nội chúng lại rủ chị sang Trung Quốc du lịch một chuyến cho biết đó biết đây. Vốn sống ở quê, dễ tin người và cũng không lường trước được mọi việc nên chị Th. đã... đưa chân. Sang đến đất Trung Quốc, nhóm bạn quen trốn hết, chỉ còn trơ trọi một mình Th. với một người Trung Quốc nhưng nói tiếng Việt rất thạo. Kể từ đó, Th. trải qua chuỗi ngày tủi nhục, dạt từ nhà chứa này sang nhà chứa khác, bị bắt phải tiếp khách liên tục đến kiệt sức. Đến tháng 11-2005, Th. may mắn trốn được về Bình Thuận rồi ngược lên Đà Lạt gửi đơn tố cáo.
Lá đơn thứ hai là của bà Nguyễn Thị T. (trú tại phường 5, TP. Đà Lạt) gửi đến Công an TP. Đà Lạt vào ngày 26-1-2006. Theo đơn của bà T., con gái bà là Nguyễn Thị Thu H. (SN 1987) đã bất ngờ mất tích từ tháng 7-2005. Gia đình bà đã trình báo công an và trực tiếp đi tìm kiếm nhưng không thấy. Đến ngày 25-1-2006, gia đình bất ngờ nhận được điện thoại của H. gọi về từ Trung Quốc. H. khóc lóc, nói vội vàng rằng đang gọi trộm điện thoại. H. bị bọn buôn người lừa bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm, hiện không biết đang ở đâu trên đất Trung Quốc.
Xác minh vụ án là có thật, ngày 10-2-2006, Công an tỉnh Lâm Đồng quyết định xác lập chuyên án và giao cho Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH làm chủ công, phối hợp cùng Công an TP Đà Lạt điều tra. Những trinh sát (TS) tham gia chuyên án được lệnh xuống địa bàn nắm lại tình hình và thu thập thông tin.
Chị Th. cho biết việc đi Hà Nội rồi sang Trung Quốc do hai đối tượng tên là Beo “xình” và Lan, nhà ở Đà Lạt rủ đi. Chị Th. không biết tên thật và cũng không biết chỗ ở của chúng. Những thông tin của chị Th. cung cấp rất mơ hồ và không có cơ sở để kết luận, nên yêu cầu đặt ra lúc này là bằng mọi cách phải giải thoát cho được nạn nhân H. để phục vụ điều tra.
Giải cứu nạn nhân
Trường hợp của chị H. thật nan giải, do mọi người không biết chị đang ở đâu trên đất nước Trung Quốc rộng lớn. Qua điều tra, các TS biết được số điện thoại chị H. gọi về là thuộc khu vực TP. Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, giáp với Móng Cái, Việt Nam). Trong một lần hiếm hoi chị H. gọi về cho biết bị giám sát nghiêm ngặt, dọa sẽ đánh chết nếu có ý định bỏ trốn. Lần gọi về gần nhất, chị H. cho biết bọn chúng đang chuẩn bị bán chị cho một nhà chứa khác. Trước tình thế cấp bách, ban chuyên án chỉ đạo phải giải cứu chị H. trước khi bị bán cho chủ khác. Một tổ TS được lệnh lên đường, kết hợp cùng Công an thị xã Móng Cái và Công an TP. Đông Hưng (Trung Quốc) tiến hành giải cứu chị H.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ và sự giúp đỡ của Công an TP. Đông Hưng, chị H. được giải cứu, trở về gia đình trong niềm vui của người thân.
Bộ mặt "những người bạn tốt"
Kể từ lúc chị H. được giải cứu, toàn bộ đường dây buôn bán phụ nữ từ Đà Lạt sang Trung Quốc được dựng lên. Ban chuyên án xác định, đường dây này gồm 5 đối tượng với nhiều biệt danh như Beo “xình”, Bé Sen... Sau khi xác định được Beo “xình” chính là Trần Trọng Tường (SN 1985, trú tại đường 3 Tháng 2, phường 4, TP. Đà Lạt) và Bé Sen là Trần Thị Lan (SN 1982, là chị của Tường), TS đã bí mật theo dõi. Sau một thời gian thu thập thông tin, TS xác định kẻ chủ mưu và cầm đầu đường dây này là Nguyễn Văn Thành (SN 1980, trú tại đường Vạn Kiếp) và một đối tượng khác là Lý Quốc Hòa (SN 1987, còn gọi là Tuấn “Sài Gòn”) cùng trú tại TP. Đà Lạt. Ngày 27-2-2006, lần lượt các đối tượng Thành, Lan, Tường, Hòa bị khởi tố, bắt giam. Riêng đối tượng A Khởi - là người Trung Quốc, kẻ trực tiếp đón “hàng” khi sang đến Trung Quốc, chưa bắt được.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đã ba lần lừa năm phụ nữ đưa sang Trung Quốc, nhưng chỉ bán được ba người. Tên Thành là kẻ cầm đầu, giữ mối liên hệ với tên A Khởi ở Trung Quốc. Các đối tượng còn lại tìm kiếm và tiếp cận “con mồi”, đưa ra nhiều chiêu bài dụ dỗ đi du lịch, xin việc làm rồi tìm cách đưa các nạn nhân sang Trung Quốc để bán. Thành khai quen A Khởi trên đất Trung Quốc và tại đây liên minh ma quỷ A Khởi và nhóm buôn người tại Việt Nam được thiết lập. Chúng thường xuyên trao đổi, thông tin cho nhau qua mạng với địa chỉ hộp thư điện tử của A Khởi có cái tên rất... liều: “vitien _ batchaptatca@...” (vì tiền bất chấp tất cả).