LTS: Đó là phạm nhân Trần Quang An, sinh năm 1987, trú tại Nam Cường - Lào Cai, can tội tàng trữ trái phép chất ma tuý, bị bắt ngày 04/01/2011, án phạt 27 tháng tù giam, hiện nay đang thi hành án tại Phân trại giam thuộc trại giam Công an Tỉnh Phú Thọ.
Tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố Lào Cai, "Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt" ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, vỗ về tuổi thơ tôi. Trong tình yêu thương vô bờ của cha mẹ - những con người lao động cần cù mà nhân hậu, tôi bước chân xa nhà sau 12 năm học phổ thông với tràn đầy ước mơ và hi vọng.
Nhưng cuộc đời không như những gì tôi tưởng, bởi hiện tại, tôi lại đang ngồi đây - trong buồng giam hẹp với 4 bức tường vây kín, và ngoài kia là những hàng rào thép gai lạnh lùng. Nhiều đêm, nhìn ánh trăng hiu hắt qua song sắt, đối diện với bóng mình, tôi tự hỏi: Tại sao tôi - một thanh niên tuổi 20 căng tràn sức sống, đáng lẽ ra phải là một người con thành đạt để có thể báo hiếu và trả ơn công lao cha mẹ đã nuôi dưỡng từng ấy năm trời, đáng lẽ ra tôi đã phải trở thành một người công dân có ích cho xã hội; đáng lẽ ra, giờ này, tôi có thể tiếp tục sải bước tự tin trên giảng đường; đáng lẽ ra tôi có thể vô tư nô đùa cùng chúng bạn, có thể tiếp tục nuôi dưỡng những khát vọng, tình yêu của tuổi trẻ…Tại sao?...
Tôi đang đếm ngược thời gian. Và tôi hiểu thời gian không đo lường bằng năm tháng mà bằng những gì chúng ta làm được. Không ai đi qua thời gian mà không để lại dấu vết. Với tôi, khoảng thời gian 27 tháng thi hành án tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ sẽ là khoảng thời gian đáng quên nhưng vô cùng ý nghĩa bởi nó giúp tôi nhìn lại mình, nhìn lại quãng đời nông nổi tôi đã trượt dài trong sự ích kỷ, trong những thú vui thấp hèn mà quên đi giá trị của tình thương yêu, giá trị của lòng can đảm và nghị lực vươn lên khẳng định bản thân... Những dấu vết thật buồn mà chính tôi đóng dấu vào cuộc đời mình, để giờ đây tôi đang phải giam mình trong những bức tường câm lặng.
Và bài học từ vết trượt ngã trong cuộc đời, dẫu rằng không muốn viết ra nhưng nó là bài học xương máu của tôi và hy vọng nó sẽ góp tiếng nói chân tình với những bạn trẻ đang hăm hở bước vào đời...
Tôi là con trai thứ trong gia đình có hai anh em nên cũng là con út. Gia đình tôi không thuộc loại khá giả nhưng cha mẹ luôn luôn quan tâm, lo lắng và chiều chuộng chúng tôi hết mực. 20 tuổi, tôi có ước mơ thật đẹp và cao quý, đó là trở thành một người thầy thuốc để có thể góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho xã hội và cũng là để đền đáp lại công lao trời biển của cha mẹ. Ước mơ của tôi trở thành sự thật, tôi cũng đã thi đỗ vào Trường Cao đẳng Dược Việt Trì.
20 tuổi, hành trang tôi mang theo bên mình là vốn kiến thức phổ thông, lòng tin mà thầy cô, bạn bè và tình yêu của gia đình đã dành cho tôi. Tôi rất tự tin vào bản thân và thầm quyết tâm vững bước trước cuộc sống tự lập phía trước. Gia đình tôi đã cố gắng lo liệu cho tôi một cuộc sống mới thật thuận lợi. Tôi cảm nhận nỗi lo lắng của mẹ khi phải rời xa đứa con ngày ngày cười nói trong gia đình để nó đến một nơi không có người thân thích chăm sóc, đối mặt với biết bao những cám dỗ đời thường.
Trước ngày tôi về Việt Trì để bắt đầu cuộc sống tự lập, mẹ đã dặn dò tôi rất nhiều và đặt mọi niềm tin và hi vọng nơi tôi. Là người con trai ở độ tuổi trưởng thành, tôi đã tự tin nói với mẹ: "Mẹ yên tâm, dù không ở nhà, không có sự quan tâm, chăm sóc của gia đình hàng ngày nhưng con sẽ tự chăm sóc cho sức khỏe của mình và cố gắng học tập để không phải phụ công nuôi dưỡng và hi vong của bố mẹ đối với con. Con sẽ cố gắng hết sức. Con lớn rồi"... Nói là vậy để mẹ yên tâm nhưng thực sự khi rời xa gia đình, dù có cứng cỏi tới mấy, tôi biết từ nay sẽ thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, tôi rất lo.
Nhưng thật may sao, khi lần đầu tiên xa nhà, một lần nữa mẹ lại là người dìu dắt tôi bước những bước chập chững. Mẹ đã thuê cho tôi một ngôi nhà nhỏ. Nói là sang trọng thì cũng không phải nhưng trong ngôi nhà nhỏ ấm áp đó có đủ những tiện nghi sinh hoạt mà tôi cần. Và mẹ đã sống cùng tôi những ngày tháng đầu tiên trong ngôi nhà mới đó và chỉ cho tôi biết phải làm thế nào để tự lo cho bản thân. Sau vài tháng mẹ ở cùng chăm sóc và bảo ban, tôi đã dần quen với cuộc sống mới. Rồi tôi phải rời xa mẹ vì mẹ phải về với công việc ở nhà do lâu nay đã vì tôi mà thiếu vắng bàn tay của mẹ.
Ban đầu, cuộc sống đầy đủ là điều kiện để tôi học hành thật tốt. Tôi mường tượng ra con đường trước mắt dường như không có trở ngại và vật cản nào cả. Sau những buổi học bổ ích thì những ngày nghỉ, tôi vẫn thường về thăm nhà, thăm bố mẹ. Những lần bố mẹ được nghỉ công tác, bố mẹ cũng thường lên thăm tôi cũng là kiểm tra sức khỏe và việc học hành của tôi. Nhờ điều kiện bố mẹ tạo cho đầy đủ nên tôi cũng có được một cuộc sống tự lập tốt đẹp và kết quả học tập cao. Vì vậy bố mẹ tôi càng thêm tin tưởng tôi hơn. Suốt một năm học căng thẳng tôi được nghỉ hè, kỳ nghỉ dài mà bất cứ học sinh, sinh viên nào cũng mong đợi.
Về thăm gia đình với sự hân hoan và sự tự hào với bạn bè, hàng xóm nơi tôi ở, bố mẹ tôi cũng cảm thấy mát mặt với mọi người. Nhất là bố tôi với khuôn mặt đen sạm vì nắng gió và bụi than đã tươi cười nói với tôi trong bữa cơm đầm ấm đầy đủ mọi người trong gia đình: "Bố rất tự hào về con, bố có thể làm việc vất vả đến mấy nhưng miễn sao con học hành thành đạt, bố cũng không thấy mệt mỏi gì hết". Bố tôi là một người công nhân mỏ nên tôi hiểu công việc của bố nặng nhọc thế nào. Nhìn mái tóc đã điểm bạc của ông, tôi đã tự nhủ mình phải làm thế nào để đền đáp công lao trời biển ấy. Mẹ tôi giờ cũng đã nghỉ hưu, đáng ra mẹ phải được nghỉ ngơi vì cả cuộc đời mẹ đã chịu nhiều vất vả, vậy mà giờ mẹ lại phải buôn bán, nhận thêm việc về nhà làm để có thể chu cấp cho tôi cuộc sống đầy đủ nhất. Tôi thương mẹ thật nhiều.
Một năm học mới bắt đầu thật thoải mái và tương lai trước mắt tôi thật đẹp. Cứ ngỡ rằng mọi sự sẽ như ý muốn và êm xuôi. Nhưng có ngờ đâu, sự ham thích hưởng thụ của tuổi trẻ với những cám dỗ cuộc đời, những cuộc chơi vô bổ sau những buổi học đã làm tôi gục ngã. Một lần, hai lần rồi nhiều lần, tôi đã theo chân những người xấu cùng xóm trọ bắt đầu đua đòi, tụ tập với những cuộc chơi thâu đêm... Với bản lĩnh non nớt của một thằng thanh niên còn trẻ tuổi, muốn chứng tỏ bản thân, thể hiện đẳng cấp nhưng không đúng cách, tôi đã bập vào ma túy. Và cứ thế, tôi lao vào cuộc chơi, tôi được nhóm bạn cùng xóm trọ ca ngợi nào là sống đẹp, sành điệu, biết chơi... Càng ngày, tôi càng ngập sâu vào ma túy và nghiện lúc nào không hay.
Đã có lúc, bên tai tôi đã nghe được những lời khuyên bảo: "Đó là những người không tốt", nhưng tôi đã bỏ ngoài tai và đôi khi còn nổi cáu để bênh vực những người mà tôi đang coi là "bạn tốt". Nhưng chuyện gì đến cũng phải đến. Sau các cuộc chơi thâu đêm, tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, bỏ bê việc học hành. Càng ngày, việc học của tôi ngày càng sa sút, các buổi lên lớp cũng thưa dần. Thầy cô là những người đầu tiên gọi tôi lên nhắc nhở và bạn học cũng gần gũi, động viên tôi. Nhưng lúc đó, tôi đã ngập sâu vào ma túy, tôi không thể chịu đựng được những cơn vật vã, mệt mỏi vì thiếu thuốc.
Những lời khuyên răn khi ấy đối với tôi là thừa. Rồi tất cả tiền bạc, đồ đạc bố mẹ tôi chu cấp, sắm sửa cho tôi, tôi đều đem cầm cố hoặc bán đi để mua ma túy cho bản thân. Dần dần, biết tôi không còn gì để lợi dụng, những người mà tôi vẫn luôn coi là bạn đã rời xa tôi. Lúc đó tôi mới thấm thìa lời khuyên can của thầy cô và bạn bè. Nhưng tất cả đã muộn, bạn học cũng không ai còn muốn gần gũi tôi nữa, thầy cô khi đã hết lời khuyên can cũng phải ra quyết định đình chỉ việc học của tôi. Tôi cảm thấy tủi thân vô cùng và quyết định tự cai nghiện.
Lý trí mách bảo vậy nhưng bản lĩnh non nớt thêm một lần khiến tôi không thể vượt qua. "Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra" - tin tôi là một con nghiện ma túy nặng cũng tới tai bố mẹ tôi. Ban đầu, bố mẹ tôi đã không thể tin vào điều đó, bố mẹ tôi thật sự suy sụp. Một lần nữa, mẹ đã xuống trường đón tôi về nhà cai nghiện với hi vọng cứu vớt tôi. Vậy mà tôi lại ruồng rẫy, phụ bạc lại bố mẹ, bỏ nhà xuống Việt Trì lang thang. Mẹ vẫn thương tôi, vẫn gửi tiền chu cấp cho tôi và khuyên bảo tôi với hi vọng tôi sẽ suy nghĩ và làm lại cuộc đời.
Khi có điều gì bất hạnh xảy ra, con người ta vẫn thường đổ lỗi cho hoàn cảnh. Trong những hoàn cảnh bi đát nhất, người cứng cỏi sẽ dũng cảm vượt qua, người đớn hèn sẽ gục ngã. Tôi đã không chiến thắng được bản thân mình, chiến thắng nhu cầu hưởng thụ thấp hèn, chiến thắng những lệch lạc trong suy nghĩ và hành động của mình. Như các cụ vẫn thường nói "Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma", tôi bị các điều tra viên công an tỉnh Phú Thọ bắt quả tang khi đang mua ma túy để sử dụng. Tôi bị đưa về tạm giam tại Trại Tạm giam công an tỉnh Phú Thọ. Bị bắt vào trại tạm giam, tôi vẫn ngỡ đây không phải là sự thật.
Những ngày đầu tôi vật vã vì ma tuý. Rồi cán bộ quản giáo và các phạm nhân cùng buồng tạm giam động viên tôi, khuyên nhủ tôi không ngừng. Tôi thức tỉnh và nhận ra tội lỗi của mình. Hơn 3 tháng tạm giam tôi cảm thấy ăn năn và hối hận vô cùng. Tôi đã hủy hoại tuổi trẻ của mình, và cay đắng hơn, tôi đã hủy hoại luôn niềm tin mà những người thân yêu gửi gắm và trông đợi nơi tôi. Tôi nhớ gia đình và bố mẹ thật nhiều. Tôi không biết bố mẹ sẽ thế nào đây khi nghe tin sét đánh này, tin về đứa con mà bố mẹ tôi đặt nhiều hi vọng đã không thể dứt bỏ ma túy giờ đang phải trả giá cho tội lỗi của mình sau cánh cửa trại giam.
Sau hơn 3 tháng, tôi bị đưa ra xét xử với tội danh: tàng trữ trái phép chất ma túy với mức án 27 tháng. Từ trong sâu thẳm lòng mình, tôi thầm mong được gặp mẹ, được nhìn thấy mẹ và nói lời xin lỗi.
Xét xử được nửa tháng tôi xin ra cải tạo và được các cán bộ trại tạm giam đồng ý. Những ngày đầu ra cải tạo tôi còn bỡ ngỡ với mọi công việc. Cũng đúng thôi, vì tôi vốn là một đứa con được bố mẹ yêu quý nhận hết phần việc về mình để tôi yên tâm học tập. Nhà không có chị em gái nhưng dù ăn cơm xong, tôi vẫn không phải rửa bát, là thanh niên rồi mà mẹ vẫn giặt quần áo cho tôi. Có lẽ chẳng cần tôi phải nói ra điều này mà cán bộ quản giáo đã nắm chắc hồ sơ và hoàn cảnh của tôi. Tôi được cán bộ quản giáo khuyên nhủ về mọi điều trong đó có tình yêu lao động.
Ban Đức - Phó Giám thị thường xuyên gần gũi và dẫn ngay tấm gương bố mẹ tôi làm chứng. Ban Đức bảo: "Nếu bố mẹ An không lao động thì liệu anh em An có được ăn học đến nơi đến chốn không? Chỉ khi anh lao động, thì anh mới hiểu được giá trị của lao động, mới biết nâng niu, tôn trọng những giá trị của lao động, mới thấm thía và tự hào "Lao động là vinh quang". Và, khi đó, anh mới biết sử dụng kết quả lao động chân chính một cách có ý nghĩa...". Lời bảo ban của Ban Giám thị và các cán bộ quản giáo thực sự là những luồng ánh sáng soi vào cái đầu ích kỷ đến u tối của tôi, làm tôi thấy tủi hổ và thương bố mẹ tôi da diết.
Đối với phạm nhân, được ra lao động là niềm mong đợi khi anh đã có án. Riêng tôi, được ra lao động, thì đây cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi được lao động, sinh hoạt tập thể mà lại là tập thể phạm nhân. Thời gian đầu tôi vô cùng bỡ ngỡ. Rồi từ bỡ ngỡ đến ngạc nhiên. Tôi được học tập nội quy, được sinh hoạt tổ, nhóm định kỳ, được chấm điểm bình xét thi đua, được nhận thưởng đối với năng suất lao động của đôi, của mình. Chưa hết, điều ngỡ ngàng nhất, cảm động nhất với tôi lại là những buổi giao lưu văn nghệ giữa cán bộ và phạm nhân. Đêm trăng, sân trại giam không khác gì một công viên. Những tiếng hát, lời thơ như chắt ra từ tội lỗi hòa ánh trăng mà bay lên trời cao xanh, mà len lỏi tới từng ngõ tối. Những tiếng hát, lời ca ấy như đấng quyền năng nhân từ, độ lượng dắt tay những kẻ lầm đường, lạc lối bước từ bóng tối ra nơi ánh sáng...
Trong một thế giới đặc biệt, một xã hội thu nhỏ, tôi đã dần hồi sinh. Sau những tuần cải tạo đầu tiên tôi đã hòa nhập và thật cảm động khi được tin mẹ đến thăm. Tuổi thơ tôi đã qua cái thời thiếu thốn nên đồng quà, tấm bánh không phải cái mà trẻ con thèm thuồng trông chờ. Nhưng đến lúc này cái câu "Mừng như mẹ về chợ” sao mà đúng với tôi đến thế. Thú thực, khi biết tin được gặp mẹ, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì sau bao tháng ngày trông đợi, hôm nay tôi cũng đã được gặp mẹ. Lo vì tôi sợ đối diện với mẹ, sợ đối diện với tôi lỗi, với quá khứ đáng buồn mà tôi đang muốn quên. Và tôi biết nói gì với mẹ đây?.
Vừa nhìn thấy tôi, mẹ đã khóc, tôi không thể nén nổi xúc động và nỗi ân hận trào dâng. Hai mẹ con tôi chẳng nói với nhau được nhiều. Nhưng sau cuộc nói chuyện ngắn ngủi ấy, tình thương yêu của mẹ thức tỉnh tôi, tiếp thêm cho tôi nguồn sức mạnh. Trong thâm tâm, tôi thầm nghĩ sẽ cố gắng, sẽ không để mẹ phải buồn, phải lo nghĩ. Nhìn mẹ đi xa dần về phía cổng trại giam tôi cảm thấy nuối tiếc từng phút giây được bên mẹ. Có những giây phút của ngày hôm qua tôi thấy chán sự che chở của cha mẹ, tôi muốn tự lập, muốn trở thành một người lớn theo đúng nghĩa. Nhưng có những giây phút của ngày hôm nay, khi tôi thất bại, vấp ngã, bị tổn thương, lúc ấy tôi chợt nhận ra rằng nơi tôi muốn đến nhất đó chính là nhà của mình - nơi có tình ấm áp, nơi xoá đi tất cả những vết thương lòng và là nơi tôi mãi mãi có thể tin tưởng để gửi gắm những sẻ chia. Bây giờ tôi càng thấy thật quý giá những gì nó không còn trong tay mình nữa, hay nói cho đúng là tạm thời không còn trong tay mình nữa.
Trường Đời. Vâng, hôm nay tôi đã một phần ngộ ra Trường Đời. Trong cái Trường Đời mà tôi đã trải qua, đã vấp ngã, thì nơi đây - Trại Tạm giam Phú Thọ quả là một "ngôi trường" đặc biệt. Những người cán bộ quản giáo mà chúng tôi quen gọi không đúng quy định là Thầy ấy đã để lại trong tôi biết bao suy ngẫm. Đại tá Giám thị nhiều lần nhắc anh chị em trại viên: "Chúng tôi được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật. Vậy, nếu chỉ dựa vào pháp luật, dùng pháp luật là công cụ thì quá dễ. Đó là, các anh chị sai thì chúng tôi trị. Nhưng cái khó hơn, chúng tôi muốn hơn cả là sử dụng pháp luật như thế nào để không cần hoặc rất ít cần đến nó. Đó chính là lương tâm, là trách nhiệm mà những cán bộ, chiến sỹ làm công tác quản lý, giáo dục phạm nhân phải phấn đấu"...
Bằng những việc làm cụ thể như những con thuyền vật vã vượt qua thác ghềnh tìm đến biển trời nhân ái, cán bộ quản giáo đã thực sự là những người chiến thắng, đúng như lời dạy của Nguyễn Trãi: "Mang đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo".
Sau một thời gian cải tạo, công việc cũng đã thuần thục, tôi cảm thấy sức khoẻ cũng tốt lên rất nhiều. Các anh trong đội luôn đùm bọc, che chở và không ngừng bảo ban tôi. Tôi nhận ra rằng tôi chỉ có một con đường để sớm trở về với gia đình và xã hội, làm lại cuộc đời, đó là phải thật sự ăn năn và hối hận về những tội lỗi của mình để sửa chữa, tu dưỡng đạo đức, cải tạo thật tốt và tích cực. Không có gì là muộn màng cả... Thất bại chỉ trở nên hoàn toàn khi và chỉ khi tôi ngừng mọi cố gắng. Đó chính là suy nghĩ là phương châm của sự hướng thiện trong tôi.
Và lúc này đây, văng vẳng bên tai tôi là lời nhắc nhở của Ban Giám thị: Tất cả đang ở phía trước. Khi đang ở trong bốn bức tường, các anh, các chị dễ hoàn lương, nhưng mới là hoàn lương trong suy nghĩ, hoàn lương trong phạm vi hẹp. Chỉ khi nào ra ngoài kia, trở về tự do, các anh chị là người lương thiện, thì chúng tôi mới thực sự hạnh phúc vì mình đã hoàn thành trách nhiệm".
Mẹ ơi! đêm nay con muốn được ở trong vòng tay ấm áp của mẹ biết bao. Con sẽ cố gắng để sớm được trở về bên mẹ, xin mẹ hãy tha thứ cho con…