Hậu vụ án Lê Văn Luyện: Phải chăng có gene giết người?

camnhung |

Trong vụ án Lê Văn Luyện, ngoài việc nghi ngờ Luyện có đồng phạm, nhiều người còn đặt ra câu hỏi liệu có việc tồn tại gene tội phạm

PGS- TS Nguyễn Minh Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng, đối với vụ Lê Văn Luyện, việc mọi người nghi vấn có đồng phạm là quyền của mỗi người, nhưng không được phép suy diễn bởi thực tế cơ quan điều tra đã làm rõ chỉ có một mình Luyện.

Theo PGS- TS Nguyễn Minh Đức, trên thực tế, trước vụ án Lê Văn Luyện thì năm 2007 đã có vụ giết 5 người (3 người chết, 2 bị thương) trong một gia đình ở Hà Nội do người giúp việc hơn 15 tuổi thực hiện. Ở thời điểm đó, cũng có rất nhiều dấu hỏi nghi vấn về việc liệu hung thủ 15 tuổi này có đồng phạm giúp sức hay không. Tuy nhiên, kết quả điều tra, thực nghiệm hiện trường cũng chỉ khẳng định vụ án cho một hung thủ và không có đồng phạm.

PGS- TS Nguyễn Minh Đức chia sẻ rằng, hiện nay các nhà tội phạm học đang đặt ra câu hỏi "có gene tội phạm không?". Hiện đang có hai quan điểm: có và không, nhưng quan điểm thứ 2 luôn đúng và lấn át quan điểm 1.

Liệu có gene tội phạm trong con người sát thủ Lê Văn Luyện?

Quan điểm 1, dựa vào học thuyết của 2 ông Tuân Tử và Sigmund Freud

Theo Tuân Tử: “Nhân chi tính ác, kỳ thiện giả ngụy dã” (Bản tính của người là ác, những điều thiện là do con người đặt ra), có nghĩa là tuy con người có bản chất xấu, nhưng bản chất đó có thể cải tạo được nhờ cái thiện do con người tạo ra – cái thiện ấy là sản phẩm của giáo dục, lễ nghĩa, hình pháp, mà Tuân Tử đặc biệt coi trọng.

Theo Freud, thì đối với con người phạm tội, ông nhận ra hai xu hướng bản năng đối lập mà ông gọi là Eros và Thanatos:

- Eros là một từ gốc Hy-Lạp, Ἔros, được Freud sử dụng để biểu thị cái “libido” hoặc bản năng sống hướng tới thỏa mãn các ham muốn dục vọng và sự sống còn. Ham ăn, ham uống, ham sắc dục, ham của cải vật chất, ham tiền bạc, ham danh lợi, … là những thứ ham muốn nằm trong cái Eros nói chung. Những ham muốn này là tự nhiên, xuất phát từ bản năng sinh tồn. Đối lập với bản năng sinh tồn là bản năng Thanatos.

- Thanatos cũng là một từ gốc Hy-Lạp, thanatos, dịch ra tiếng Anh là “death wish”. Freud sử dụng thuật ngữ này để chỉ trạng thái “muốn hủy hoại” – một trạng thái tâm lý tiêu cực như muốn đập phá, hủy hoại mọi thứ bất chấp cái chết để giải quyết những bế tắc, căng thẳng trong cuộc sống. Biểu lộ thấp nhất của cái Thanatos là thói tự ái, nóng giận, nổi khùng mà ai cũng có thể có. Rất nhiều đổ vỡ trong hôn nhân hay trong quan hệ giữa người với người nói chung xuất phát từ những cơn tự ái bất chấp. Đó là lúc bản năng Thanatos trỗi dậy, không thể kiểm soát. Sự ghen tức, đố kị dẫn tới hãm hại lẫn nhau là biểu hiện cao hơn của Thanatos. Thù oán, giận dữ đến mức giết hại đồng loại là biểu hiện tột cùng của Thanatos.

Thực tế cho thấy tùy theo từng trường hợp, từng hoàn cảnh cụ thể, từng cá nhân mỗi con người hoặc từng xã hội, khả năng và mức độ kiểm soát của lý trí đối với bản năng Eros và Thanatos là khác nhau. Những cá nhân như Nguyễn Đức Nghĩa và Lê Văn Luyện có lẽ thuộc loại thuần túy bản năng. Trước khi thực hiện hành vi man rợ, chúng tính toán kế hoạch rất tỉ mỉ. Những kế hoạch này càng quỷ quái ranh ma bao nhiêu càng chứng tỏ cái bản năng Eros và Thanatos lớn bấy nhiêu.

Khái niệm “gene tội phạm” là một nhầm lẫn lớn của khoa học!

Nhầm lẫn này xuất phát từ tinh thần sùng bái khoa học, coi khoa học như chúa tể của nhận thức và có thể giải thích được mọi hiện tượng. Tham vọng giải thích mọi hiện tượng bằng khoa học vật chất, xét cho cùng, chỉ là một biểu hiện của tư duy cơ giới máy móc, xuất phát từ những ấn tượng có sẵn, rồi cố khoác cho lý thuyết của mình chiếc áo khoa học.

Steve Jones, giáo sư di truyền học tại Đại học London, nói: “Hãy nhìn vào Australia. Nếu tồn tại gene tội phạm, thì máu của người Australia ngày nay sẽ chứa đầy gene này, vì chúng được truyền từ một số rất đông các tội phạm trong số các cha ông của họ (Australia nổi tiếng là nơi đày ải tội phạm của nước Anh trong các thế kỷ 17, 18, 19). Nhưng, mặc dù mới đây xẩy ra bi kịch ở Tasmania, Australia vẫn là một xã hội đặc biệt an bình và trật tự”.

Người Việt Nam từ xa xưa đã nói: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”. Có nghĩa là “tính” không thể giải thích bằng được di truyền.

Tội phạm là một vấn đề xã hội. Chỉ có thể phòng, chống tội phạm hữu hiệu bằng cách tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, đúng như Steve Jones nhấn mạnh:“Một từ ngữ bị hiểu sai nhiều nhất trong di truyền học là chữ ‘for’ (dành cho), như trong câu "gene dành cho một cái gì đó". Chẳng có một gene dành cho bất cứ cái gì cả. Một gene chỉ là một chất hóa học mà bạn có thể nhỏ vào một ống nghiệm.

Các gene chỉ biểu lộ tác động của chúng theo những tổ hợp riêng biệt, và quan trọng nhất là trong những môi trường riêng biệt. Đó là yếu tố cơ bản. Một khi được đặt vào trong một môi trường xã hội thích hợp thì gene mới làm công việc của nó. Nhưng trong khi bạn không thể dễ dàng thay đổi gene, bạn có thể thay đổi xã hội vào ngày mai”.

Theo Báo mới

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại