Đường dây biến sắt vụn thành siêu xe

lananh |

Công an TP Hà Nội đã bước đầu hoàn tất hồ sơ vụ án đường dây buôn lậu ô tô hạng sang với phương thức, thủ đoạn tinh vi và có sự tiếp tay của nhiều cán bộ nhà nước.

Sau 10 tháng điều tra, Văn phòng Cảnh sát điều tra (PC16) - Công an TP Hà Nội đã bước đầu hoàn tất hồ sơ vụ án về đường dây buôn lậu ô tô hạng sang với phương thức, thủ đoạn tinh vi và có sự tiếp tay của nhiều cán bộ nhà nước. Cơ quan công an cũng cảnh báo, tình trạng này không chỉ xảy ra ở một vài địa phương.

Đầu năm 2010, Công an TP Hà Nội nhận được nhiều đơn thư của người dân tố cáo Ngô Doãn Phúc (SN 1977, trú tại tổ 2, phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội), “trùm” buôn bán ô tô siêu sang đất Hà thành. Quá trình xác minh đơn thư, cơ quan công an bất ngờ phát hiện hàng loạt dấu hiệu bất thường trong việc mua đi bán lại những chiếc xe siêu sang của Phúc.

Hummer trị giá... 33 triệu đồngCụ thể, vào tháng 10.2009, Phúc bán cho anh Đinh Trọng Thành ở phố Đào Duy Từ, Hà Nội chiếc xe Hummer biển số 30U-2772 với giá 112.500 USD. Theo hồ sơ đăng ký, chiếc xe này lại là xe 4 chỗ được người nhà của Phúc mua với giá 33 triệu đồng do UBND huyện Việt Yên, Bắc Giang bán thanh lý ngày 13.8.2009 dưới dạng xe vô chủ, cũ nát không hoạt động được.

Siêu xe Hummer này từng được “thanh lý” chỉ 33 triệu đồng

Kiểm tra thực tế, chiếc xe Hummer trên là xe 7 chỗ, sản xuất năm 2007, chất lượng gần như mới được đưa vào VN qua cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh, theo diện tạm nhập, tái xuất và thời hạn tạm nhập được ấn định đến 20.6.2009, nhưng sau đó không tái xuất mà đã được đăng ký tại VN và bán cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, cơ quan công an còn phát hiện nhiều xe hạng sang khác như Lexus, Land Rover… có giá trên thị trường từ 80.000 - 130.000 USD/chiếc nhưng được đăng ký, hợp pháp hóa dưới dạng xe vô chủ, cũ nát do UBND huyện Việt Yên thanh lý với giá từ 31-33 triệu đồng/xe.

Tháng 7.2010, Công an TP Hà Nội đã tiến hành bắt khẩn cấp Ngô Doãn Phúc về hành vi buôn lậu. Từ tháng 9 đến nay, cơ quan công an đã bắt thêm 4 đồng phạm của Phúc, gồm: Vũ Cao Cường (nguyên trung úy Cảnh sát kinh tế thuộc Công an tỉnh Bắc Giang); Nguyễn Xuân Thủy (Đội phó Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 10, Chi cục QLTT tỉnh Bắc Giang; Đỗ Mạnh Dũng (SN 1979, trú xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) và Phùng Văn Lực (SN 1975, trú phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Thủ đoạnTheo cơ quan điều tra, các bị can nói trên đã móc nối tạo thành đường dây buôn lậu ô tô với thủ đoạn hết sức tinh vi. Theo đó, sau khi đưa những chiếc xe siêu sang vào VN theo đường tạm nhập tái xuất, họ đồng thời tìm những chiếc xe cũ nát không thể sử dụng được rồi đục lại số khung, số máy, gắn nhãn hiệu trùng với xe nhập lậu, sau đó đưa đến nơi công cộng “báo” cho Công an và QLTT đến thu giữ dưới dạng xe vô chủ.

Cơ quan công an đọc lệnh bắt Ngô Doãn Phúc

Khi các cơ quan này làm thủ tục bán thanh lý thì họ tổ chức mua lại nhằm có được bộ hồ sơ thanh lý trùng với nhãn hiệu, số khung, số máy của xe nhập lậu. Sau đó họ ung dung mang xe nhập lậu đi đăng ký rồi bán lại thu lời.

Một điều tra viên trực tiếp tham gia giải quyết vụ án này cho biết, sở dĩ đường dây hoạt động được trơn tru là có sự tiếp tay của nhiều cán bộ nhà nước thoái hóa, biến chất. Cụ thể, một số cán bộ QLTT và cảnh sát kinh tế nói trên đã móc nối với Phúc tạo dựng lên việc thu giữ xe vô chủ, bán thanh lý và hợp thức hóa hồ sơ.

“Trong vụ án này, những người là cán bộ nhà nước biết rõ các hành vi trên là trái luật nhưng vẫn tiếp tay vì họ được Phúc trả khá nhiều tiền” vị này nói.

Theo trung tá Nguyễn Xuân Hùng, Đội trưởng Đội Điều tra thi hành pháp luật (thuộc PC16 - Công an TP Hà Nội), thủ đoạn lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để nhập lậu xe ô tô nói trên lần đầu tiên được phát hiện tại Hà Nội nhưng đã manh nha tại một số địa phương.

“Trong quá trình điều tra vụ án này, chúng tôi đã trao đổi thông tin với Tổng cục Hải quan và nhận thấy, mỗi năm có hàng ngàn chiếc xe ô tô vào VN theo diện tạm nhập nhưng có số lượng lớn không thấy tái xuất và cũng không tìm ra tung tích. Điều này cho thấy thủ đoạn buôn lậu này không chỉ xảy ra ở Hà Nội”, ông Hùng cho hay.

Ngoài việc phanh phui các hành vi tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với buôn lậu, cơ quan điều tra còn chỉ rõ những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước tại các cửa khẩu; việc thu giữ, thanh lý xe cũ nát, đăng ký phương tiện…Ông Nguyễn Phi Hùng, Phó cục trưởng Cục Điều tra phòng chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), cũng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để buôn lậu ô tô. Theo ông, thủ đoạn hợp thức hóa xe lậu đang diễn biến phức tạp, trước đây đã từng xảy ra tại các tỉnh phía Nam và nay đã xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc.Tuy không cung cấp cụ thể số xe tạm nhập (nhưng chưa tái xuất), ông Hùng khẳng định tình trạng này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới chủ trương, chính sách kinh tế của Nhà nước, gây thất thu lớn cho ngân sách, thiệt hại cho người tiêu dùng.“Trên thực tế, xe ô tô tại các nước lân cận như Lào, Campuchia rẻ hơn rất nhiều so với trong nước nên các đối tượng tìm nhiều cách để nhập lậu. Chúng tôi đã báo cáo Bộ Công thương và cơ quan hữu quan để tìm kiếm các biện pháp ngăn chặn thích hợp hơn”, ông Hùng cho hay.

Theo Thanh Niên

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại