Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách (Đoàn luật sư Hà Nội), tự thú là khi phạm tội, nghi phạm chưa bị phát hiện nhưng tự đến cơ quan có thẩm quyền như công an, viện kiểm sát, thanh tra... khai báo hành vi phạm tội của mình và đồng phạm nếu có.
Đầu thú là trường hợp đã có người biết mình phạm tội, sau khi thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn nhưng đã đến cơ quan có thẩm quyền trình diện khai rõ hành vi phạm tội của mình và đồng phạm (nếu có).
Trong khi đó, Điều 46 Bộ luật hình sự quy định các tình tiết được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự gồm: người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, phạm tội lần đầu hoặc trường hợp ít nghiêm trọng, người phạm tội tự thú...
Dưỡng được đưa từ Thái Bình và Hà Nội. Ảnh: Bá Đô.
Công văn 81 ngày 10/6/2002 của Chánh án TAND Tối cao cũng quy định, người phạm tội ra đầu thú không được áp dụng điểm O khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự (người phạm tội tự thú) mà chỉ được áp dụng khoản 2 Điều 46.
"Trong vụ án trên Nguyễn Hữu Dưỡng trình báo công an sau khi sự việc đã được phát hiện, cảnh sát truy tìm tung tích. Vì vậy anh ta được xếp vào diện đầu thú và không được hưởng tình tiết giảm nhẹ", luật sư Bách cho biết.
Với hai tội giết người và cướp tài sản, luật sư Bách nhận định, Dưỡng có thể phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.
Theo Vnexpress.net