“Bị cáo cũng muốn chết lắm. Nhưng có lẽ ông trời không cho bị cáo được chết, để bị cáo phải đối mặt với tội ác do mình gây ra. Bị cáo đau đớn lắm…” - N.V.L (SN 1982, ngụ Đồng Tháp) run rẩy trước HĐXX cấp phúc thẩm.
Hành động dại dột
Hai mươi mốt tuổi, sau một thời gian yêu nhau, N.V.L và L.A.P về chung sống như vợ chồng và năm 2004, cháu L.H.A ra đời. Những thi vị thuở yêu nhau dần mất đi khi hằng ngày, vợ chồng trẻ phải đối diện với nỗi lo cơm, áo. Mâu thuẫn vợ chồng ngày càng trầm trọng, sau 4 năm chung sống, cả hai chia tay nhau. Do sức khỏe yếu, công việc thất thường, bé A. lại còn nhỏ nên L. đành chấp nhận giao con cho vợ nuôi dưỡng.
Nhưng trong những lần đến thăm con, thấy vết tích đòn roi trên thân thể ốm yếu của con, người cha ấy không chịu nổi nên khoảng tháng 2/2011, L. rước con về chăm sóc.
Ở cùng con được 2 tháng, không đủ sức khỏe và thời gian cáng đáng công việc, L. lại thất nghiệp. Ngày 28/4/2011, L. đến nhà mẹ ruột hỏi xin 2 triệu đồng để mua xe đi làm nhưng bà cũng không có tiền. Chán chường, L. quay trở về, gặp bạn bè kéo vào nhậu nên cũng làm vài chén để giải sầu.
Rượu thấm, hình ảnh về cái nghèo, cái đói lởn vởn tâm trí L. Trong cơn say chếnh choáng, cảm thấy cuộc sống bế tắc, L. nảy sinh ý định tự tử cùng con để mong được giải thoát.
Sau khi sai con đi mua xăng về, L. đổ lên người hai cha con, dùng quẹt gas bật lửa đốt. Đến khi nhìn ngọn lửa bốc cháy, L. sực tỉnh, bồng con chạy ra ngoài. Do nóng quá lại sợ lửa từ mình lan sang, L. bỏ con xuống sàn nhà rồi chạy ra ruộng lúa nằm bất tỉnh.
Mặc dù được mọi người phát hiện và đưa đi cấp cứu nhưng cháu A. đã tử vong sau đó. Bản thân L. sau quá trình điều trị cũng mang thương tật tỉ lệ 60,67% vĩnh viễn.
Nặng trĩu bản án lương tâm
Đứng trước vành móng ngựa khi chỉ cách vài ngày nữa là đến giỗ đầu của con, khuôn mặt biến dạng của L. thêm dúm dó, đau đớn. Nỗi đau ấy dường như càng bị khoét sâu hơn khi L. nghe vị chủ tọa công bố bản án sơ thẩm mô tả lại hành vi phạm tội của mình. Dù cúi đầu thật thấp, L. vẫn không thể che giấu đôi mắt đỏ hoe vì ăn năn, hối hận.
Phải mất khá lâu để dằn cơn xúc động, L. mới bần thần trả lời từng câu hỏi của HĐXX. Vị chủ tọa nghiêm giọng: “Muốn chết, bị cáo chết một mình thôi, tại sao phải kéo cả con theo?”. Nước mắt lăn dài, L. nghẹn ngào: “Bị cáo sợ mình chết đi rồi, con bơ vơ, lại bị đánh đập, tội nghiệp. Bị cáo chỉ mong con không phải chịu cảnh nghèo khổ, thua thiệt…”. Nghe L. nói, vị chủ tọa thở dài: “Bị cáo còn trẻ, còn có rất nhiều cách, nhiều cơ hội để làm lại cuộc đời, sao lại hành động dại dột như vậy? Con trẻ có tội gì đâu…?”. L. chỉ biết lắc đầu: “Túng quẫn quá, bị cáo dại dột…”, rồi im bặt. Có lẽ nỗi đau đang len sâu vào tận tâm can của người làm cha… Nói lời sau cùng, L. tha thiết mong HĐXX giảm án để được trở về lo nhang khói cho con.Người làm cha mẹ không được phép tước đoạt sinh mạng của con trẻ.
Giờ nghị án, L. ngồi co ro trước vành móng ngựa, len lén nhìn về phía sau, nơi mẹ của L. đang sụt sịt khóc. Trò chuyện với chúng tôi, bà cho biết trong những ngày nằm viện, L. khóc suốt. Khóc vì đã suy nghĩ và hành động dại dột. Khóc vì làm cha, ở cạnh bên mà lại không thể chăm lo cho con trong lúc con thập tử nhất sinh... Ngày cháu A. mất, L. cũng không thể tiễn đưa con về nơi yên nghỉ vì gia đình không dám cho biết, sợ L. không chịu nổi trong khi vết thương quá nặng. Sau này, khi biết tin, L. ngất lên ngất xuống, lúc tỉnh, lại ngồi lặng yên như người mất hồn.
HĐXX nhận định hành vi của L. quá dã man, tàn nhẫn, rất đáng bị trừng phạt nghiêm khắc, cần giữ nguyên mức án tù chung thân.
Lặng lẽ đứng dậy, nặng nhọc di chuyển ra xe về trại giam, đôi mắt L. khắc khoải bi thương khiến những người dự khán không nén được tiếng thở dài. Bản án pháp lý nặng một, bản án lương tâm nặng hơn nhiều lần, đang giày vò tâm can người cha thiếu bản lĩnh để vượt qua cái nghèo…