Đăk Nông: Báo động nạn trồng cần sa trái phép

havan |

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng tỉnh Đăk Nông liên tiếp phát hiện nhiều cây cần sa được trồng xen lẫn trong rẫy cà phê của người dân.

 Mặc dù biết đây một loại ma túy bị cấm tàng trữ, sản xuất và sử dụng nhưng một số “đầu nậu” lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân đã lôi kéo, dụ dỗ họ trồng trái phép cây cần sa khiến cho việc kiểm soát loại cây “độc dược” này gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng Công an tỉnh đang tiêu hủy số cần sa được người dân trồng trong rẫy tại huyện Đăk R’lấp

TƯỞNG LÀ CÂY “THUỐC”

Theo Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đăk Nông thì từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 10 vụ trồng, sản xuất và tiêu thụ cây cần sa với diện tích lên tới hàng chục ha, thu giữ hơn 10 tấn cây cần sa tươi và khô. Trong đó, có nhiều vụ được tổ chức theo đường dây chuyên nghiệp với quy mô sản xuất và tiêu thụ lớn.

Điển hình ngày 11-10-2008, Công an huyện Đăk Mil đã tiến hành triệt phá đường dây sản xuất và tiêu thụ cần sa được coi là lớn nhất Tây Nguyên từ trước đến nay, hơn 10 đối tượng đã bị bắt giữ và đem ra truy tố trước pháp luật, mức án cao nhất cho kẻ cầm đầu là 20 năm tù giam. Nguyễn Văn Chương (31 tuổi, trú tại Tiên Chiêu, Mê Linh, Vĩnh Phúc) đối tượng cầm đầu khai nhận: Trong một thời gian dài y đã dụ dỗ, lôi kéo hàng chục hộ dân tại thôn 2, xã Đăk Rla dùng hơn 3ha rẫy của mình ở những nơi xa xôi hẻo lánh, để trồng cần sa và được y thu mua lại với giá cao. Đường dây này đã đem ra thị trường tiêu thụ được hơn một tấn cây cần sa khô.

Số cần sa được cơ quan chức năng thu giữ tại rẫy ông Vũ Văn Hải ngày 30-11 vừa qua

Tương tự ngày 27-8-2010, Công an huyện Đăk R’lấp qua công tác kiểm soát đã phát hiện và thu giữ tại vườn cà phê của hai cặp vợ chồng ông Trần Văn Thành (62 tuổi) và bà Bùi Thị Sen (53 tuổi); ông Nguyễn Đức Bình (56 tuổi) và Trần Thị Huế (50 tuổi) ở thôn 17, xã Nhân Cơ trồng hơn 1.000 cây cần sa đang trong giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch.

Gần đây nhất, vào ngày 30-11, tại rẫy nhà Vũ Văn Hải (30 tuổi) và vợ Dương Thị Lý (30 tuổi); Phùng Thị Thoi (57 tuổi) và con Phạm Văn Trường (34 tuổi) ở thôn Quảng Bình, xã Nghĩa Thắng, huyện Đăk R’lấp trồng hơn 600 cây cần sa đang cho thu hoạch và hơn 6.000 cây giống được ươm trong bầu chuẩn bị mang đi trồng...

Có một đặc điểm chung trong các vụ trồng cần sa ở Đăk Nông được phát hiện là do người dân từ các tỉnh khác đến mua rẫy ở những nơi hẻo lánh, ít người qua lại sau đó tiến hành gieo trồng. Tuy nhiên, khi bị bắt hầu như các đối tượng lại cho rằng không biết đó là cây cần sa. Theo bà Bùi Thị Sen: “Trong một lần đi khám bệnh tại TPHCM có gặp một người đàn ông cho một bịch hạt giống và nói đó là cây “cao ích mẫu”, một loại cây thuốc rất quý và hướng dẫn cho cách trồng và chăm sóc, đến kỳ thu hoạch sẽ đến mua với giá 150.000 đồng/cây”.

Còn bà Phùng Thị Thoi lý giải rằng có một đối tượng không rõ danh tính đến gặp bà nói đây là cây thuốc có thể chữa được các loại bệnh như “cúm gia cầm”, “trị bệnh ung thư”... và cho giống để trồng và đến vụ thu hoạch sẽ thu mua lại với giá cao.

VÌ SAO KHÓ PHÁT HIỆN?

Theo thượng tá Phạm Sơn - Phó trưởng Công an huyện Đăk R’lấp cho biết: Cây cần sa được trồng hàng năm trời trong rẫy nhưng vẫn không bị phát hiện là do người dân và các chủ rẫy tưởng rằng đó là cây thuốc quý, vì bề ngoài của cây cần sa giống như cây thanh hao (một loại cây thuốc trong y học). Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở ở nhiều thôn, buôn chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này, khiến cho các đối tượng là “đầu nậu” lợi dụng, dụ dỗ những người dân kém hiểu biết làm đầu mối sản xuất cho chúng.

Thượng tá Vũ Văn Khanh - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh cho rằng: Việc bắt giữ người dân chỉ phạt hành chính là không đủ sức răn đe, trong khi đó các “đầu nậu” chủ mưu lại đứng trong “bóng tối”, nên ngăn chặn triệt để người dân trồng loại cây này rất khó khăn. Ngoài ra, vì lợi nhuận mang lại quá cao, một số hộ dân đã bất chấp pháp luật để mong làm giàu bất chính.

Vì vậy, để phát hiện và ngăn chặn loại hình tội phạm này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đông đảo người dân, giúp họ nhận biết được cây cần sa hoặc các loại cây gây nghiện khác. Chính nhân dân sẽ là mạng lưới thông tin quan trọng để phát hiện bọn tội phạm.

Các cán bộ chính quyền, công an cơ sở cũng phải đề cao cảnh giác với các vườn cây lạ, các vườn cây thuốc, thậm chí là các căn nhà bỏ hoang. Người dân khi có người lạ dụ dỗ trồng các loại cây lạ, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có hướng xử lý, ngăn chặn ngay từ đầu.

Theo CA TPHCM

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại