Chẩn đoán nhầm, bác sĩ mổ phanh bệnh nhân

havan |

Trước khi mổ, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán là viêm ruột thừa cấp và tiến hành mổ nội soi...

Tuy nhiên, khi tỉnh dậy, bệnh nhân mới tá hoả khi thấy bụng mình có vết mổ dài với 11 mũi khâu. Cả người nhà bệnh nhân cũng ngỡ ngàng khi biết các bác sĩ đã tiến hành mổ phanh (mổ mở) mà không hề thông báo trước cho gia đình và người bệnh.

Viêm ruột thừa thành viêm tụy

Theo tìm hiểu của PV, sáng ngày 28.6, anh Đào Văn Nam (34 tuổi, trú tại xóm 12, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, Hưng Yên) thấy đau bụng dữ dội. Anh được gia đình đưa vào cấp cứu tại BV Đa khoa Phố Nối. Khi chụp siêu âm, các bác sĩ không phát hiện có dấu hiệu khác thường, nhưng do cơn đau vẫn tiếp tục nên BS yêu cầu anh nhập viện.

Đến khoảng 23h cùng ngày, sau khi làm các xét nghiệm, anh Nam và gia đình được TS Nguyễn Hữu Hoằng thông báo anh phải tiến hành mổ nội soi ngay trong đêm vì chẩn đoán là viêm ruột thừa cấp, nếu không mổ sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Chị Đặng Thị Hiên - vợ anh Nam - được TS Hoằng gọi vào để ký vào giấy cam đoan chấp nhận phẫu thuật, thủ thuật và gây mê hồi sức theo đúng thủ tục của BV.

Chị Hiên cũng được TS Hoằng giải thích, ca mổ khá đơn giản, chỉ diễn ra khoảng 1 giờ là xong. Thế nhưng, sau đó gần 3 giờ đồng hồ, ca mổ mới kết thúc. Cả chị Hiên lẫn người thân trong gia đình đều đứng ngồi không yên, không biết có chuyện gì xảy ra trong phòng mổ. TS Hoằng - sau khi kết thúc ca mổ - đã ra thông báo lại với gia đình một điều khiến tất cả ngỡ ngàng: Anh Nam không bị viêm ruột thừa cấp như chẩn đoán ban đầu, mà bị viêm tụy cấp.

Vì lý do cấp bách, các BS đã tiến hành hội ý ngay tại phòng mổ và quyết định mổ phanh bệnh nhân Nam để xác định chính xác bệnh của anh Nam mà không báo cho gia đình. “TS Hoằng nói rằng, sau khi mổ phanh, thấy chồng tôi bị viêm tụy cấp, các BS không cắt bỏ gì cả, chỉ để ống dẫn lưu để dẫn dịch từ ổ bụng ra rồi khâu vết mổ lại” - chị Hiên kể lại.

Sau khi mổ xong, sức khỏe của anh Nam có chiều hướng xấu đi. Đêm 29.6, anh lên cơn sốt, máy trợ tim mạch báo động liên tục. Thấy vậy, chị Hiên liền đi gọi BS và y tá trực, nhưng tất cả BS và y tế đều đi ngủ, buồng trực tắt điện và chốt từ phía trong. Chị Hiên bấm chuông báo thì chuông không kêu do các BS ngắt điện. Hoảng quá, chị Hiên và mẹ chồng chạy đi các tầng để tìm BS và may mắn gặp được một BS ở tầng 1 (sau này mới biết là ông Đỗ Văn Tá - Phó Giám đốc BV). Ông Tá lên và gọi điện vào máy bàn của phòng trực thì các BS và y tá trực mới dậy để tiêm thuốc cho anh Nam.

Vì bất bình trước cách làm việc tùy tiện và thiếu trách nhiệm của các BS Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, cộng với việc tình hình sức khỏe của anh Nam có chiều hướng xấu đi, nên sau khi mổ 2 ngày, gia đình yêu cầu được chuyển anh Nam lên BV Bạch Mai. Anh Nam được nằm chữa trị tại đây gần 1 tháng thì tình hình sức khỏe tốt lên và được cho xuất viện.

Chủ quan trong chẩn đoán

Nhằm làm rõ phản ánh của bạn đọc, PV đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo BV Đa khoa Phố Nối, gồm có thạc sĩ Vũ Văn Đông – Giám đốc BV, BS Đỗ Văn Tá – Phó Giám đốc BV, TS Nguyễn Hữu Hoằng – Trưởng khoa Kế hoạch Tổng hợp - người trực tiếp mổ cho bệnh nhân Nam. Thạc sĩ Vũ Văn Đông khẳng định, trường hợp này lúc đầu các BS hội chẩn, kết luận là viêm phúc mạc nghi do viêm ruột thừa bị hoại tử và đề xuất hướng xử lý là mổ nội soi để cắt bỏ ruột thừa.

Thế nhưng, khi nội soi lại thấy trong dạ dày có nhiều dịch, còn ruột thừa lại bình thường, không thấy tổn thương nên đã quyết định chuyển mổ mở. Khi được hỏi tại sao khi quyết định mổ mở, các BS không thông báo cho người nhà bệnh nhân được biết, bởi giữa mổ nội soi và mổ mở, mức độ khác nhau rất nhiều, TS Hoằng giải thích: Trong phẫu thuật, ranh giới giữa mổ nội soi và mổ mở là rất nhỏ. Lúc chẩn đoán, chúng tôi cũng không hề nghĩ lại có thể là viêm tụy.

Khi nội soi xong, tất cả đang trong phòng mổ, thời gian lại cấp bách nên chúng tôi tự hội ý với nhau và quyết định mổ mở. Thạc sĩ Đông cũng cho biết, việc mổ mở này có xin ý kiến từ Phó Giám đốc BV – người trực lãnh đạo hôm đó. Vậy tại sao các BS có thời gian chờ ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo BV, lại không thể ra ngoài thông báo ngắn gọn cho người nhà bệnh nhân Nam về tình hình bệnh và hướng điều trị tiếp theo để mọi người yên tâm?

Về cung cách làm việc của nhóm BS, y tá trực đêm 29.6, BS Đỗ Văn Tá thừa nhận có việc người nhà anh Nam không thể gọi được nhóm BS, y tá này nên đã phải xuống dưới tầng 1 tìm ông và sau đó, khi ông điện thoại, nhóm BS, y tá này mới mở cửa buồng trực ra để cấp cứu cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, ông Tá cũng cho rằng, do gia đình quá lo lắng cho sức khỏe của người thân nên có lúc không giữ được thái độ bình tĩnh. Còn về phần bệnh viện, Giám đốc Đông cũng thừa nhận rằng các BS đã có phần hơi chủ quan trong chẩn đoán nên mới xảy ra chuyện đáng tiếc này.

Theo Laodong.vn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại