Cán bộ bưu điện “ăn” tiền tiết kiệm của dân lĩnh án chung thân

lananh |

Nữ giao dịch viên chỉ đưa 93 triệu đồng trong số hơn 6,7 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của 58 người dân vào sổ sách.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ tháng 3/2008 đến tháng 7/2009 lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý kinh tế của Bưu điện thị xã Phú Thọ, giao dịch viên của tổ khai thác tiết kiệm dịch vụ bưu điện Hà Thị Thanh Tâm (SN 1978, ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) đã nhận tiền gửi tiết kiệm của 58 khách hành với tổng số tiền trên 6,7 tỷ đồng, sau đó làm sai lệch chứng từ, chỉ đưa vào sổ sách 93 triệu đồng. Bằng những hình thức tinh vi, Tâm đã “ăn” trên 6,6 tỷ đồng tiền tiết kiệm của dân.

“Nướng” tiền chiếm đoạt vào số đề

Năm 2005, ngoài những dịch vụ gia tăng khác của ngành, bưu điện thị xã Phú Thọ triển khai thêm dịch vụ gửi tiết kiệm bưu điện nhằm để huy động vốn. Theo qui định của Hội đồng quản trị Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam, khi nhận tiền gửi của khách hàng, giao dịch viên phải đếm tiền gửi trước mặt khách. Từ đó, giao địch viên lập phiếu gửi tiền (Tk1) rồi lập thẻ gốc (Tk2) và lập sổ thẻ tiết kiệm (Tk3).

Vũ Thị Tranh và Hà Thị Thanh Tâm (phải) trước vành móng ngựa.

Trong ba phiếu này phải ghi đây đủ và trùng khớp nhau các thông tin như: Số tiền, số CMND, họ tên, địa chỉ... theo đúng qui định của Tổng công ty. Trước khi chuyển cho Trưởng bưu cục hoặc kiểm soát viên ký xác nhận vào các chứng từ nói trên thì giao dịch viên phải kiểm tra, đối soát nội dung, số liệu ghi trong ba thẻ trên một lần nữa, nếu đảm bảo chính xác thì kiểm soát viên mới được ký tên xác nhận và đóng dấu tiết kiệm bưu điện vào nơi qui định trong các thẻ.

Thế nhưng, để chiếm đoạt tài sản của Bưu điện thị xã Phú Thọ, Hà Thị Thanh Tâm đã dùng thủ đoạn khi nhận tiền gửi tiết kiệm của 58 khách hàng. Trước tiên, Tâm ghi đầy đủ số tiền gửi của khách hàng trên Tk3, sau đó ký giả tên của kiểm soát viên và lấy trộm dấu tiết kiệm bưu điện đóng vào mục kiểm soát viên rồi trả thẻ Tk3 cho khách hàng, còn thẻ Tk1 và Tk2, Tâm ghi số tiền nhận của khách hàng ít hơn rất nhiều so với thẻ Tk3 phát cho khách hàng. Số tiền chiếm đoạt được Tâm đã “nướng” vào số đề và ăn tiêu hết.

Để Tâm có thể thực hiện được việc làm sai trái này, một phần do kiểm soát viên Vũ Thị Tranh (SN 1960, ở thị xã Phú Thọ) và kiểm soát viên Lê Thị Thanh Thủy không chấp hành đúng qui định về việc kiểm tra kiểm soát chứng từ, phần khác do tin tưởng Tâm nên đã mất cảnh giác, bỏ qua các nguyên tắc qui định trong việc kiểm soát chứng từ.

Sau khi sự việc bại lộ, ngày 24/11/2009 Hà Thị Thanh Tâm bị bắt và truy tố vì tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản”, Vũ Thị Tranh bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Liên quan đến vụ án còn có bà Hà Thị Thu Hà - Giám đốc bưu điện thị xã Phú Thọ. Là người trực tiếp quản lý bưu điện, đáng ra bà Hà phải liên đới trách nhiệm về những việc làm của Hà Thị Thanh Tâm, nhưng do quá trình Tâm phạm tội, bà Hà đang đi học nên được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy vậy, cái giá mà bà Hà phải trả cho những sai lầm của em gái mình không hề “rẻ”: Bà Hà bị cách chức, cho thôi việc.

“Chết” vì nể em “sếp”

Theo như Hà Thị Thanh Tâm khai tại TAND tỉnh Phú Thọ trong phiên xử sơ thẩm diễn ra vào ngày 30/11 vừa qua, bị cáo nảy sinh ý đồ xấu trong một lần tiếp khách đến gửi tiền tiết kiệm và đã ghi sai các thông tin, số tiền trong ba thẻ Tk. Tuy nhiên, khi Tâm mang cho kiểm soát viên Vũ Thị Tranh ký, đóng dấu xác nhận thì Tranh lại ký đại mà không kiểm tra lại theo như đúng qui định. Thấy kiểm soát viên lơ là không để ý, Tâm cứ thế bình thản làm sai lệch số liệu trong các thẻ để rút tiền.

Tại Tòa, Tâm cũng khai báo thêm, nhiều khi Vũ Thị Tranh đi chợ hay đi ăn cưới, Tranh liền nhờ Tâm ký thay rồi giao con dấu cho người khác tự đóng vào các thẻ, chính vì vậy, đây cũng là một thuận lợi rất lớn để Tâm phạm tội.

Trước Tòa, Tranh cũng cho biết một yếu tố khác góp phần tác động không nhỏ để cho Tâm thực hiện trót lọt những việc làm sai của mình trong suốt một thời gian dài đó là do sự cả nể và tin tưởng của bị cáo đối với Tâm. Theo như bị cáo khai, do gia đình Tâm có bố nguyên làm lãnh đạo bưu điện tỉnh, chị gái Tâm là Giám đốc bưu điện thị xã, là người đang trực tiếp quản lý bị cáo, trong cơ quan Tâm là là một cán bộ nòng cốt, chính vì vậy không thể không tin tưởng được.

Bê bối thẻ tiết kiệm chưa kết thúc

Những hành vi thiếu trách nhiệm của Tranh nêu trên đã dẫn đến Bưu điện thị xã Phú Thọ thiệt hại hơn 7,1 tỉ đồng. Trong đó, Tâm chiếm đoạt trên 6,6 tỉ đồng tiền gốc và lãi phát sinh gần 500 triệu đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra còn phát hiện có 44 thẻ tiết kiệm của 37 khách hàng gửi tiết kiệm tại Bưu điện thị xã Phú Thọ bị Hà Thị Thanh Tâm ghi gian dối không đúng họ tên, địa chỉ. Do quá trình điều tra chưa đủ căn cứ kết luận, do vậy đã tách ra để xử lý sau.

Là một người có thâm niên công tác trong ngành bưu điện, Vũ Thị Tranh đã có nhiều thành tích đóng góp cho Bưu điện thị xã Phú Thọ, luôn hoàn thành kế hoạch được giao, nhận được nhiều bằng khen, giấy khen. Nhưng chỉ vì cả nể, bất cẩn trong công việc, toàn bộ công lao mà Tranh gây dựng được đã bị đổ vỡ.

Phiên tòa kết thúc trong sự hối hận muộn màng của bị cáo Tâm và Tranh, cùng với đó là lòng cảm thương của mọi người đối với hai phận nữ. Vì tham tiền, Tâm đã đẩy chồng và đứa con nhỏ của mình vào cảnh vô gia cư, biến chị gái của mình thành người thất nghiệp, khiến đồng nghiệp Vũ Thị Tranh phải khăn gói vào trại chấp hành bản án 7 năm tù, còn bản thân bị cáo thì bị tuyên phạt án tù chung thân./.

Theo PLVN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại