Mỗi nhân vật trong truyện kiếm hiệp đều có một biệt hiệu khi hành tẩu giang hồ, thế giới ngầm của những trùm giang hồ cũng vậy. Mỗi tay anh chị khét tiếng thường gắn liền tên tuổi với biệt danh - đôi lúc không liên quan tới "sự nghiệp đao búa" - nhưng cũng thừa sức trấn áp người đối diện bởi mùi máu tanh mà nó mang theo.
Tay anh chị tàn bạo và ngông nghênh bậc nhất đất Hải Phòng sở hữu một biệt danh khá trẻ con: Cu Nên. Biệt danh này đã theo Phạm Đình Nên từ khi còn nhỏ và tới khi tiếng tăm của Nên trở thành nỗi sợ hãi của người dân đất Cảng, hai chữ "Cu Nên" chỉ còn duy nhất một người dám gọi thẳng trước mặt Nên - chị ruột của y.
Cu Nên và đồng bọn
Trong con mắt của người đàn bà từng lặn lội nuôi em suốt các trường trại miền Bắc, em trai của bà vẫn luôn chỉ là đứa bé, bất chấp ra ngoài đường cái tên Cu Nên có thể dọa trẻ con nín khóc. Tay anh chị sở hữu nhiều tiền án tiền sự bậc nhất Việt Nam dành cho chị của mình một thứ tình cảm vô cùng đặc biệt và suốt thời gian Cu Nên tung hoành ngang dọc đất Hải Phòng, người có khả năng khiến y nghe lời và cư xử nhũn nhặn chỉ có người chị ruột.
Nhiều người lỡ đụng chạm với Cu Nên đều chọn giải pháp tới cầu cứu chị của y và nếu như nhận được lời nói: "Để lát tôi nói chuyện với thằng Cu", có thể yên tâm rằng "tai qua nạn khỏi".
Mang một biệt danh còn "dễ thương" hơn cả Cu Nên, nhưng Cu Sún - tức Lê Kim Quyền - cũng là nỗi sợ hãi của không ít người dân lương thiện. Tay giang hồ kiêm buôn ma túy này nổi tiếng với sự lì lợm và tinh quái, từng một thời làm mưa làm gió khu quận 1 Sài Gòn. Sánh ngang với Cu Sún về cả độ nổi tiếng cũng như "dễ thương" của biệt danh là Vịt "Đẹt" - tay anh chị thường xuyên xuất hiện tại bàn Vip của vũ trường Metropolis một thời. Chẳng mấy người biết tới tên thật của y, chỉ biết rằng mỗi khi thấy bóng y nghênh ngang bước tới bàn rượu đã được đặt trước, tất cả những tay giang hồ tép riu đều khúm núm hô to: Anh Vịt.
Nếu nhìn Đặng Thanh Long - tay anh chị số má khu quận 6 - hẳn ít người dám nghĩ biệt danh của y lại "xinh xinh yêu yêu" như vậy. Cái tên Long "Bí Bo" có lẽ bắt đầu từ thời Long còn là đứa trẻ và sau này, dù thân hình đầy những vết sẹo và phủ kín bởi đôi rồng quấn từ lưng tới ngực, nó vẫn theo y "bôn tẩu" giang hồ chứ không hề được thay thế bởi cái tên nào nghe dữ dằn hơn.
Trong Trại tạm giam Công an tỉnh Tiền Giang, Hải “Bánh” vẫn chăm chỉ tập thể thao.
Không có nhiều những biệt danh quái lạ như đất miền Nam, đa số các tay giang hồ miền Bắc thường sở hữu biệt danh ghép cùng với tên cha mẹ. Hai chị em Dung Hà, Oanh Hà gắn liền tên tuổi của mình cùng mẹ, còn tay sát thủ một thời đất Hà Nội Hải "Bánh" có biệt danh xuất phát từ tên của người cha.
Có điều, khi tên tuổi của đám giang hồ này lên cao, những biệt danh đó cũng dần được thay thế bằng "chị Dung", "anh Hải" chứ không còn mấy ai dám gọi. Ngô Chí Thành - tay giang hồ ghê gớm hô mưa gọi gió đất Sài Gòn từng đập bàn hô đàn em "xử đẹp" một gã tép riu chỉ vì gã này lơ ngơ bước tới chào cả... hai bố con y: "Em chào anh Thành "Chân".
Trùm giang hồ Trà Bắc - Thành "Chân"
Ngoài việc sở hữu biệt danh bằng cách ghép tên với phụ huynh, các tay giang hồ Trà Bắc còn có những biệt danh gắn liền với đặc điểm ngoại hình hoặc tính cách. Ngọc "Đói" - tay anh chị khét tiếng khu quận 3 có thân hình ốm nhom và không còn biệt danh gì có thể hợp với y hơn như vậy. Khánh "Trắng", Sơn "Bạch Tạng" - những ôm trùm một thời của đất Hà Nội sở hữu nước da đến con gái cũng phải ước ao. Còn nghe tới cái tên Phúc "Bồ", hẳn nhiều người đã hình dung được về vẻ ngoài "phì nhiêu" của bà trùm lừng danh một thủa.
Tuy nhiên, không phải biệt danh nào của giang hồ cũng dễ dàng đoán được xuất xứ và gốc tích. Nguyễn Chí Dũng - gã tướng cướp máu lạnh từng khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về biệt danh Dũng "Chim Xanh" của hắn. Thậm chí có nhà báo đã kỳ công đặt ra hẳn một câu chuyện li kỳ nhằm giải thích nguồn gốc của cái biệt danh đầy hòa bình ấy. Theo đó, trong một lần ở trong tù, Dũng nhìn thấy một con chim màu xanh bị thương rơi xuống phòng giam và nảy lòng thương xót, chữa trị cho con chim rồi thả đi, bởi vậy biệt danh Dũng "Chim Xanh" đã ra đời.
Nghe câu chuyện đầy màu sắc cổ tích này, một tay giang hồ cùng thời với Dũng đã cười ngất và lí giải: "Gọi nó là Dũng 'Chim Xanh' vì người nó có cái hình xăm con chim màu xanh giống logo của hãng Bluebird, có vậy thôi!".
Lâm "Chín Ngón" thời trai trẻ
Còn li kỳ hơn câu chuyện biệt danh của Dũng "Chim Xanh" là một tên tuổi của giang hồ Sài Gòn trước giải phóng: Phạm Bá Y. Biệt danh Y "Cà Lết" của hắn bắt đầu nổi như cồn sau vụ sát hại trùm giang hồ Bake Sơn "Đảo" và khi nghe cái biệt danh này, người ta không khỏi liên tưởng ngay tới một gã anh chị ... què chân.
Thực chất, Y không những đẹp trai, có học thức mà còn sở hữu một đôi chân hoàn toàn khỏe mạnh. Biệt danh đúng của hắn là "Y Ca Rét" - phiên âm tiếng Pháp của chữ Y - chứ không phải Y "Cà Lết" như người ta thường nhầm lẫn. Có lẽ cũng bởi cái biệt danh mĩ miều đầy chất Tây học ấy lại hơi khó đọc và khó hiểu, vậy nên gã anh chị công tử một thời của đất Sài Gòn đành ngậm ngùi sống chung với cái biệt hiệu "gợi hình" kia suốt quãng đời còn lại.
(Còn nữa)