Theo nội dung vụ án, tháng 9/2008, cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Bộ công an nhận được đơn tố cáo của chị em bà Trần Thị Xuân Hoa và Trần Thị Xuân Lan về việc bị Trang Nhã Hiền (lúc này ngụ quận 3) chiếm đoạt tổng cộng gần 50 tỷ đồng và 350 lượng vàng.
Theo đó, Hiền và chị em bà Lan có quan hệ họ hàng. Khoảng tháng 3/2007, Hiền nói cha mình đang cần tiền để kinh doanh xăng dầu nên đã hỏi vay của bà Lan 50 triệu đồng và hứa sẽ trả lãi sòng phẳng. Biết gia đình Hiền là chủ của hai cây xăng nên bà Lan đồng ý. Một tháng sau, Hiền trả nợ đúng theo cam kết.
Sau lần “làm ăn” này, Hiền lấy lý do cần vốn mở rộng kinh doanh vì xăng đang tăng giá, đầu tư mua xà lan chở hàng hóa, góp vốn đầu tư xây dựng bệnh viện với trung tâm kỹ thuật cao… để vay tổng cộng hơn 41 tỷ đồng và 350 lượng vàng của bà Lan. Tương tự, Hiền cũng mượn của bà Hoa 7 lần với số tiền hơn 8 tỷ đồng. Đến tháng 7/2008, Hiền tuyên bố hết khả năng chi trả.
Tại cơ quan điều tra, Hiền xác nhận đã vay tiền của chị em bà Lan để kinh doanh như đơn tố cáo nêu nhưng đã trả được gần 36 tỷ đồng. Do làm ăn thua lỗ và phải trả lãi hàng tháng quá cao (từ 12 đến 30%), Hiền hết khả năng thanh toán cho họ. Tuy nhiên, để tỏ rõ thiện chí, Hiền đã bán nhà, xe và tất cả những gì có giá trị để trả bớt số nợ trên. Đồng thời người này cam kết sẽ tìm mọi cách để trả tiền cho chị em bà Lan.
Tiến hành xác minh, cơ quan điều tra phát hiện trong thời gian huy động vốn của chị em bà Lan, Hiền không kinh doanh mà chỉ vay tiền người này để trả nợ cho người khác.
Ngày 29/4, cho rằng vụ việc có dấu hiệu của tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trang Nhã Hiền.Đến ngày 9/5, VKSND Tối cao đã phê chuẩn lệnh bắt tạm giam đối với Hiền để phục vụ điều tra.
Trong đơn gửi đếnVnExpress.net, gia đình của Trang Nhã Hiền (ngụ quận 10, TP HCM) cho hay bà này đã bị bắt khi đang có bầu 6 tháng. "Hiền có nơi cư trú rõ ràng, không né tránh hay cản trở quá trình điều tra trong 2 năm qua. Cô ấy có tội hay không sẽ được điều tra làm rõ nhưng việc bắt giam Hiền khi đang mang thai gây hậu quả nguy cấp cho thai nhi. Cô ấy đang bị suy nhược nặng, thai nhi bị động, phải cấp cứu... nhưng không được hưởng chính sách nhân đạo theo quy định của nhà nước", đơn nêu.
Trao đổi vớiVnExpress.net, một cán bộ của cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an cho biết, một tuần sau khi VKSND Tối cao phê chuẩn lệnh bắt tạm giam, Bộ công an đã tổ chức thi hành lệnh đối với Hiền nhưng bà này không có mặt tại địa phương. Đến ngày 23/5, cơ quan điều tra tiếp tục thực thi lệnh bắt đối với Hiền nhưng bà này vắng nhà nên họ phải yêu cầu người thân gọi về.
“Khi bị can về đến nhà thì chúng tôi mới biết bà này đang có thai. Theo nguyên tắc thì chúng tôi vẫn phải thi hành lệnh bắt vì VKSND Tối cao đã phê chuẩn. Tuy nhiên, theo tinh thần nhân đạo của pháp luật, chúng tôi đã làm thủ tục, văn bản gửi VKSND Tối cao đề nghị xem xét tình trạng của bà này để tiến hành thay đổi biện pháp tạm giam bằng một biện pháp ngăn chặn khác”, vị cán bộ cho hay.
Theo Vnexpress.vn