Mấy ngày nay dư luận xôn xao về việc bà T.K.P. (66 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM) chuyên nghề làm bún bị đột tử để lại tài sản trên “1.000 tỉ” đồng. Số tài sản trên hiện đang bị tranh chấp giữa những người anh em ruột của bà và người con nuôi. Vấn đề là số tài sản quá lớn làm ngay chính những người thân cũng ngỡ ngàng.
Một trong hai chị em của bà P. ở Việt Nam là ông T.V.Ph. đã cho biết bà P. là chị thứ năm trong gia đình 10 anh chị em. Bà P. sống cùng hai người chị em, bảy người khác định cư ở Đức từ những năm 1980. Cha mẹ họ là người Hoa, chuyên làm bún gạo. Anh chị em đa số theo nghề cha mẹ. Bà P. sống rất kín tiếng, giản dị, ăn chay trường, hay giúp đỡ hàng xóm, người nghèo.
Giàu nhờ bán bún và bất động sản?
Nghề bún cần nhiều sân phơi. Nhiều lần các anh em ở Đức chuyển tiền về để bà P. mua đất làm sân phơi bún. Ngoài việc tận dụng làm ăn, xem như là của để dành khi về già cho anh em đoàn tụ. Theo ông Ph., từ nguồn vốn tự tạo lập và nguồn tiền chị em đóng góp, bà P. đã kinh doanh bất động sản. Do tích tiểu thành đại, khối bất động sản bà tậu được khá nhiều. “Sống gần mộ phần cha mẹ, về quê hương xứ sở khi già là mong ước của mấy anh chị em tôi. Đi đi về về mang tiền về cho chị đầu tư, không gửi qua ngân hàng. Mấy chục năm sống hòa thuận, chị em yêu thương nhau, giờ nảy sinh tranh chấp, tụi tôi rất buồn” - ông Ph. nói. Ông Ph. cũng đưa ra một số giấy tờ được cho là những chứng từ việc chuyển tiền cho bà P. trước đây.
“Năm 1987 mẹ tôi mất, chị tôi 41 tuổi vẫn chưa có chồng con và có ý định xin con nuôi. Lúc này gia đình cũng đã có nhiều cháu nhưng chị tôi nói nuôi cháu, mốt lớn nó cũng về với mẹ nó. Thôi thì con lạc loài mới là con mình. Từ đó, chị xin một em bé cha mẹ bỏ rơi trong BV Hùng Vương” - ông Ph. kể tiếp.
Ông T.V.Ph. đang giới thiệu những chứng từ thể hiện các chị em đã gửi tiền từ Đức về cho bà P.
Bà P. làm bún đến năm 2007 thì nghỉ. Những mảnh đất trước đây làm sân phơi, bà cho thuê làm nhà xưởng, kho bãi. Hiện giờ tại đây, một người chị vẫn theo nghề với thương hiệu Bún Long Phụng.
Chết không di chúc
Tháng 3/2011, bà P. đột ngột qua đời, không rõ bệnh, không di chúc. Con nuôi là L. (sinh năm 1987) là người thừa kế duy nhất của bà đang du học tại Đức. Hai người giúp việc tại nhà đã báo tin cho ông Ph.
Khi bà P. chết, căn phòng của bà bị khóa. Trước sự chứng kiến của Thừa phát lại quận Bình Thạnh, được sự đồng ý của các bên, anh trai bà P. đã mở khóa cửa ngoài, mở niêm phong cửa trong để vào phòng chứa két sắt. Trong căn phòng này, ngoài két sắt, còn có một số giấy tờ, hồ sơ để trên giường. Tài sản kiểm kê thu được 100 lượng vàng, tiền mặt VNĐ và 1 triệu USD, nhiều kim cương, 17 cuốn sổ tiết kiệm (trong đó có nhiều sổ ghi số tiền hàng chục tỉ đồng). Khối tài sản này phải đếm trong nhiều ngày mới xong. Hồ sơ thể hiện bà P. còn đứng tên chủ quyền nhiều nhà xưởng, đất đai ở quận Tân Phú (TP.HCM), tỉnh Bình Dương, Tây Ninh... “Không ai trong gia đình biết chị có khối tài sản lớn vậy” - ông Ph. kể. Toàn bộ tài sản này được để vào két sắt, niêm phong và chìa khóa phòng chứa két được giao cho thừa phát lại tạm giữ.
Bên muốn gia hạn, bên muốn nhận về
Vì khối tài sản quá lớn nên ông Ph. và chị L. thống nhất cùng đứng tên đồng sở hữu ký hợp đồng thuê hai ngăn tủ sắt của Sacombank giữ tài sản trong thời hạn một năm hạn cuối là ngày 20/3/2012. Khi hết hạn hợp đồng, chị L. muốn rút số tài sản này. Ông Ph. không đồng ý vì cho rằng vụ việc đang còn tranh chấp, ông muốn gia hạn ký gửi để đợi hai người anh em ở Đức về giải quyết.
Ông Ph. cho biết trong buổi làm việc giữa ông, chị L. chiều 30/5 tại ngân hàng có sự chứng kiến của đại diện ngân hàng, thừa phát lại. Phía chị L. vẫn muốn nhận lại khối di sản từ phía ngân hàng. Ông Ph. chỉ có ý kiến duy nhất, đề nghị ngân hàng gia hạn hợp đồng thuê đến ngày 25/10 vì ngày 10/10 là ngày mãn tang. Ông không muốn tranh chấp trước ngày mãn tang. Trong thời hạn này ông không đồng ý giao tài sản cho ai. Phía ngân hàng đề nghị lập hợp đồng mới, với nội dung sau 30 ngày nếu ông Ph. không giao được di chúc hợp pháp thì phải ủy quyền cho chị L. đứng tên. Ông Ph. đã từ chối.
Cuối giờ chiều 30/5, hai bên thống nhất tạm ngưng cuộc họp để chờ chị L. có đồng ý gia hạn hợp đồng thuê nữa hay không.
Sáng 31/5, ông Ph. đến ngân hàng để hỏi về quyết định của chị L. và ý kiến của ngân hàng về việc có tiếp tục cho thuê ngăn tủ sắt nữa hay không. Đại diện Sacombank nói rằng không thể trả lời việc này và hẹn ông 2 giờ chiều đến lấy vi bằng lập chiều 30/5, rồi hẹn lại 4 giờ và cuối cùng là hẹn sẽ báo sau. Ông Ph. cũng cho biết hiện chị L. đã được Sacombank giao cho một phần tài sản (gồm một số sổ tài khoản ngân hàng) và đã đến các ngân hàng rút tiền nhưng ông Ph. đã kịp thời yêu cầu ngăn chặn.
Theo vi bằng mà văn phòng thừa phát lại lập ngày 24/3/2011 thì các bên thống nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày lập vi bằng, hai bên phải có mặt để mở két tại ngân hàng và giao toàn bộ các giấy tờ có giá, giấy tờ đất đứng tên bà P. cho người con gái nuôi của bà để làm thủ tục mở thừa kế nếu những người anh em của bà không xuất trình được di chúc hợp pháp hay tài liệu nào chứng minh quyền sở hữu. Nếu một trong hai bên vắng mặt thì bên kia đương nhiên được mở niêm phong két mà không cần sự đồng ý của bên còn lại.
Trường hợp một trong các bên đưa ra được di chúc hợp pháp trước thời hạn 30 ngày thì có quyền yêu cầu bên kia có mặt để mở két và làm thủ tục khai di sản thừa kế ngay sau đó. Nếu một bên vắng mặt thì tương tự trường hợp trên.
“Chúng tôi không tranh chấp thừa kế, chỉ đòi lại phần chúng tôi đã đóng góp trong khối di sản mà chị tôi để lại. Theo thông tin trên báo chí thì văn phòng thừa phát lại nhắc lại lời cháu tôi là nếu được thừa hưởng khối tài sản của mẹ, cháu sẽ để lại toàn bộ cho Tổ chức UNICEF Việt Nam. Nếu thực sự vậy, toàn bộ gia tộc và tôi cam đoan không tranh chấp và sẽ hết lòng ủng hộ nghĩa cử của cháu” - khẳng định của ông Ph., người đang tranh chấp khối di sản khổng lồ mà bà P. để lại.Theo Phương Loan (Pháp luật TPHCM)