Một đời lận đận
Tìm đến xã Trí Lực, hỏi nhà ông Phạm Văn Oanh, cha của Phạm Minh Hiếu, Phạm Minh Phụng (SN 1990) chết kỳ lạ tại vuông tôm ông Liền ít ai biết. Ông Oanh ở bên vợ với các đứa con cơ nhỡ của những người vợ trước. Trên con đường đất từ Kinh Bảy dẫn ra hậu đất đầy nước, đang thả tôm nuôi, ông Oanh nói: “Tôi về đây kết duyên với người vợ thứ ba tên Huỳnh Thị Ngọ nên không ai biết tên tôi. Ông già vợ chia đất cho con trai, chỉ cho vợ tôi một công để đắp nền nhà ở sau hậu đất”. Trong căn nhà tình thương mới xây cất, lót nền bằng gạch tàu, lợp tôn, vách lá... tôi được nghe câu chuyện gia đình em Hiếu như cái nghèo, cái khó ở vùng sâu vùng xa tỉnh Cà Mau. Mấy ngày qua, nhiều người dân đến hỏi thăm chuyện hai con ruột của ông ở mướn bị chết. Tận trong nỗi cùng cực, ông nhận ra rằng, cái chết của Hiếu - Phụng cũng có một phần trách nhiệm của người sinh ra nó. Hiện nay, ông Phạm Văn Oanh về với bà Huỳnh Thị Ngọ cũng mang theo ba người con của người vợ trước.
Cuộc đời của ông Phạm Văn Oanh có nhiều chuyện buồn riêng. Ông Oanh thú thật, ông quê quán ở Hộ Phòng (Giá Rai, Bạc Liêu). Hỏi chuyện gia đình, ông cười xa xăm: “Cái nghèo, cái đói vây quanh, tình duyên cũng trắc trở theo”. Ban đầu ông cưới vợ ở địa phương. Khi có một mặt con, vợ ông dẫn con đi xứ khác. Tuy nghèo nhưng ông Oanh có mã đẹp trai, cao ráo nên ở quê nhà, có người đàn bà góa bụa đã có hai người con trai là Trương Thu Hoài để ý. Hai cuộc đời như hai chiếc xuồng nhỏ trong dòng nước chảy xiết nên họ gá nghĩa với nhau thành vợ thành chồng. Hàng ngày, bà Hoài chăm nhà, nuôi con; còn ông như thân cò lặn lội ven biển Bạc Liêu để tìm miếng ăn, manh áo. Ông Phạm Văn Oanh nhớ lại: “Khi góp gạo thổi cơm chung với bà Hoài, các con Phạm Minh Hải năm tuổi, Phạm Minh Dương ba tuổi là con riêng của vợ. Tôi với bà Hoài chung sống với nhau vài năm, có ba con là Phạm Minh Phụng, Phạm Minh Hiếu và Phạm Thị Thảo”.
Hiện trường phát hiện xác chết của Hiếu
“Nghèo khó, thiếu thốn, chật vật quanh năm nên tôi mải đi biển. Thỉnh thoảng, chủ trả công tôi mang tiền về thăm vợ con. Lúc đó vợ tôi bỏ nhà, bỏ con đi hơn một năm, rồi quay lại ly dị cha con tôi” - ông Oanh kể tiếp Phạm Minh Phụng, Phạm Minh Hiếu ở mướn từ lúc 13 - 14 tuổi và cả hai cùng chết tức tưởi tại vuông ông Cao Văn Liền. Hiện nay, Phạm Thị Thảo, 18 tuổi, ở với vợ chồng ông Oanh. Hàng ngày, ông Oanh vẫn đi làm thuê, bắt ba khía ven biển Bạc Liêu.
Cảnh gà trống nuôi con, ông Oanh dẫn ba đứa con là Phạm Minh Phụng chín tuổi, Phạm Minh Hiếu bảy tuổi và Phạm Thị Thảo năm tuổi đến xã Tân Phong (Giá Rai, Bạc Liêu) thuê đất làm ruộng kiếm sống. Có người mai mối nên ông kết duyên với bà Huỳnh Thị Ngọ. Ông bà hiện có được con trai chung vừa lên chín tuổi.
Chết vẫn chưa trả hết nợ
Gần chục năm trước, người em vợ trước của ông Oanh là chị Tám Hằng có quen với vợ chồng ông Cao Văn Liền. Thấy vợ chồng ông này chưa có con nên đưa các cháu đến ở mướn. Hai người con riêng của bà Hoài là Phạm Minh Hải, Phạm Minh Dương cùng Phạm Minh Phụng (con chung của ông Oanh - bà Hoài) đi giữ rừng và tôm cho ông Liền.
Phạm Minh Hải nhớ lại Không biết cha mẹ làm gì thôi nhau, nhưng em phải lang thang kiếm sống từ lúc 12 tuổi. Dì ruột đưa đến nhà ông Chín Liền lúc 18 tuổi. Làm được khoảng ba tháng, ông Chín Liền biểu làm tôm giống, làm không được, bị đánh tức bỏ về. Phạm Minh Dương, Phạm Minh Phụng còn ở lại. Rồi sau này Hiếu cũng đi ở mướn cho ông Chín Liền. Hiện Hải có vợ ở xã Biển Bạch Đông (Thới Bình, Cà Mau) nhưng không thường xuyên liên hệ với ông Oanh và các anh em. Mới đây, Hải rước em Phạm Thị Thảo sang nhà chơi mấy ngày vì lâu lắm anh em không gặp nhau.
Ông Oanh thất thểu đi về sau những ngày làm đám tang con
Trong thời gian Hải bỏ đi thì Dương, Phụng và Hiếu ở chung chòi vuông giữ tôm. Ông Chín Liền cùng vợ là bà Phượng quy định, ai còn nhỏ thì giữ em, quét nhà, làm việc vặt; lớn thì lội rừng, kéo bửng cống, xổ tôm cho ông bà chủ rừng - tôm rộng mấy trăm công. Dương nói: “Ăn uống tự nấu, ở chòi vuông chung với đàn chó dữ để canh chừng trộm. Làm việc không nặng nhọc lắm nhưng quần áo không khô nổi vì dọn rác, vá lưới, xổ tôm, nhất là vào con nước tôm phải thức canh chừng”.
Chúng tôi hỏi ông Oanh có thường xuyên ghé thăm con không. Ông nói: “Tuy có gia đình ở xa nhưng tôi thường xuyên đi về Gành Hào để bắt ba khía, có ghé vô thăm con. Khi có mặt tôi, vợ chồng ông Chín Liền đối xử cũng được. Các con ở chòi vuông có gạo để sẵn, lúc nào đói thì nấu. Con nhà nghèo không chữ nghĩa, không việc làm thì làm mướn có cơm ăn là mừng rồi!”. Các con của ông Oanh ở mướn cho ông Chín Liền được trả công 300 - 400 ngàn đồng/tháng từ lúc 13 - 14 tuổi. Khi lớn lên, làm được việc nặng thì tăng dần. Hàng năm, ông Oanh nhận tiền công ở mướn của các con để phụ gia đình nuôi bé Thảo. Ông Oanh cho biết: “Thằng Hiếu lúc chết vừa được tăng tiền công lên 800.000 đồng được ba tháng nhưng chưa tính toán với ông Chín Liền”.
Hôm chính quyền địa phương thông báo nhận xác con, ông Oanh được hàng xóm thương tình cho tiền đi xe để lên nhìn con lần cuối. Nào ngờ đến nơi, thằng Hiếu chỉ còn là bộ xương khô nằm vất vưởng ở khu rừng đước. Nhìn xa ra vuông tôm mênh mông nước của người hàng xóm, ông Oanh rưng rưng nước mắt: “Con tôi ở đến chết mà chưa trả hết nợ”... Ông đâu biết rằng, quyết định của ông là sai lầm khi đã đẩy các con vào địa ngục. Trước khi chết tại nhà ông Liền, Hiếu sinh sống như thế nào? Vợ chồng ông Chín Liền đối xử ra sao? Chúng tôi sẽ công bố bí mật cuốn sổ tay thu được tại nhà ông Liền với nhiều sự thật kinh hoàng.
(còn nữa)