Hình phạt nào thích đáng với hành vi tăng giá, 'găm' khẩu trang mùa dịch nCoV?

Tuấn Ngọc |

Tăng giá một hộp khẩu trang lên tới vài trăm ngàn đồng, một số đơn vị kinh doanh bị phạt, không ít nhà thuốc lại kêu gọi trên mạng xã hội không bán khẩu trang. Hành vi tăng giá và "găm hàng" này theo các luật sư là cần xử lý thích đáng vì trái với chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch do nCoV cũng như quy định luật pháp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo rút giấy phép tiệm thuốc nếu tăng giá bán khẩu trang bất thường, trục lợi giữa lúc đang có đại dịch.

Ở góc độ pháp lý, Luât sư Lê Hồng Sơn, hoạt động tại văn phòng Luật sư FDVN, TP Huế cho biết, Điều 28.10 Luật Dược 2016 quy định về các trường hợp thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược: “Vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược gây hậu quả đến tính mạng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người”.

Điều 31.5 Luật Dược 2016 quy định nghĩa vụ của người hành nghề dược: “Chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp có dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, thảm họa”.

"Hành vi tăng giá bán khẩu trang gấp nhiều lần so với bình thường trong mùa đại dịch này có vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược không thì chắc cũng không cần bàn cãi nhiều vì nó đã được Quy định đạo đức hành nghề Dược của Bộ Y tế", Luât sư Lê Hồng Sơn nhận định.

"Như vậy, nếu thu hồi Chứng chỉ hành nghề Dược thì đương nhiên phải thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh Dược".

Hình phạt nào thích đáng với hành vi tăng giá, găm khẩu trang mùa dịch nCoV? - Ảnh 1.

Cộng đồng rất bức xúc về hành vi găm khẩu trang không bán của nhiều nhà thuốc

Luật sư Hoàng Tùng, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nêu quan điểm: “Việc các nhà thuốc cũng như các cửa hàng, cơ sở bán khẩu trang y tế có hành vi găm hàng hoặc đẩy giá cao (gấp hàng chục lần) là hành vi đầu cơ, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đầu cơ.

Theo Luật sư Hoàng Tùng, đối với hành vi găm khẩu trang y tế hoặc đẩy giá khẩu trang lên cao trong khi dịch bệnh đang hoành hành sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với hành vi găm khẩu trang y tế theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 nghị định 185/2013/NĐ-CP sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Trường hợp Mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng hoặc Ngừng bán hàng hóa ra thị trường, Cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường… mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Kèm theo đó là hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật ; Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 06 tháng hoặc đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Đặc biệt, người nào có hành vi Đầu cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, đến việc phòng ngừa dịch bệnh sẽ bị xử lý hình sự về tội Đầu cơ. Theo quy định tại điều 196 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định cụ thể như sau:

“Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:…”, Luật sư Hoàng Tùng thông tin.

Luật sư Hoàng Tùng cũng chỉ ra hành vi mà các nhà thuốc có thể bị xử lý hình sự theo điều 196 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017: Nếu "Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị áp dụng hình phạt là: xử phạt từ 300.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng và có thể bị áp dụng cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm".

"Trong tình trạng dịch bệnh như hiện nay, việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tiến hành kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh, nhà thuốc có vi phạm và tiến hành xử lý nghiêm khắc là rất hợp lý.

Bởi điều này giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng, xử lý những nhà thuốc vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp", Luật sư Hoàng Tùng bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại