Hình ảnh các bị cáo vụ Chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 bị áp giải tới toà

Nguyễn Hưởng |

Tới phiên toà Chuyến bay giải cứu giai đoạn 2, bị cáo Trần Tùng, cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, không đeo khẩu trang.

Ngày 24-12, TAND TP Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án Chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 về các tội "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Che giấu tội phạm". Phiên tòa dự kiến kéo dài 8 ngày, gồm cả ngày nghỉ.

Hình ảnh các bị cáo vụ Chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 bị áp giải tới toà- Ảnh 1.

Khoảng 7 giờ 20 phút, 3 xe đặc chủng đưa các bị cáo tới phiên toà

Theo ghi nhận, sáng sớm nay 24-12, công tác bảo đảm an ninh trật tự cho phiên toà được thắt chặt nghiêm ngặt. Khoảng 7 giờ 20 phút, 3 xe đặc chủng đưa các bị cáo tới trụ sở TAND TP Hà Nội. Lực lượng chức năng nhanh chóng đưa các bị cáo vào phòng xét xử. Trong đó, riêng bị cáo Trần Tùng, cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, không đeo khẩu trang, mặc áo khoác đen, trên tay có túi đựng tờ giấy để che còng tay.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Tùng bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; cựu cán bộ công an Nguyễn Xuân Thông bị truy tố về tội "Che giấu tội phạm".

5 bị cáo bị truy tố về hành vi "Nhận hối lộ" gồm: Trần Thị Quyên (Giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt); Lê Thị Phượng (cựu chuyên viên Phòng khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương); Nguyễn Văn Văn (cựu phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam); Lê Ngọc Tường (cựu phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam); Nguyễn Mạnh Trường (cựu chuyên viên Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải).

10 bị cáo bị truy tố về hành vi "Đưa hối lộ" gồm: Vũ Hồng Quang (cựu phó Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải); Trần Thanh Nhã (trú tại TP HCM); Vũ Hoàng Dũng (trú tại Hà Nội); Nguyễn Mạnh Cương (trưởng Phòng thương mại điện tử Công ty Cổ phần thương mại hàng không Vietjet); Đặng Nhật Đức (Giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan); Bùi Đăng Khoa (Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Du ngoạn thế giới); Trương Thị Mỹ Dung (Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dịch vụ Du lịch Ánh Sao Thiên); Phạm Quốc Thắng (Giám đốc Công ty TNHH PNR); Trần Thị Ngân (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anna Travel) và Trần Minh Phụng (SN (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ du lịch và Xây dựng Gia Huy).

Hình ảnh các bị cáo vụ Chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 bị áp giải tới toà- Ảnh 2.

Bị cáo Trần Tùng được áp giải tới phiên toà

Hình ảnh các bị cáo vụ Chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 bị áp giải tới toà- Ảnh 3.

Bị cáo cầm túi có tờ giấy che còng tay

Trong số 17 bị cáo, có 13 bị cáo tại ngoại, 4 bị cáo bị tạm giam. Để chuẩn bị cho phiên tòa này, Hội đồng xét xử đã triệu tập 53 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tới phiên xử. 

Đáng chú ý, có 7 bị cáo tại giai đoạn 1 hiện đang cải tạo tại các trại giam được triệu tập tới phiên tòa với tư cách là người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Hình ảnh các bị cáo vụ Chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 bị áp giải tới toà- Ảnh 4.

Một bị cáo che mặt, né tránh ống kính của phóng viên

Theo cáo trạng, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ ngành và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.

Hình ảnh các bị cáo vụ Chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 bị áp giải tới toà- Ảnh 5.

Một bị cáo khác được đưa tới phiên toà

Hình ảnh các bị cáo vụ Chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 bị áp giải tới toà- Ảnh 6.

Lợi dụng chủ trương của Đảng, Nhà nước và chức vụ quyền hạn được giao, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã thỏa thuận đưa/nhận hối lộ, làm trái công vụ để tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về nước cách ly y tế tại địa phương. 

Các bị cáo thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian móc nối, thỏa thuận với cán bộ thuộc Bộ Y tế, đưa, nhận hối lộ với số tiền lớn để có văn bản chấp thuận, xét duyệt cho công dân (khách lẻ) về trên các chuyến bay đơn lẻ. Ngoài ra, có bị cáo lợi dụng vị trí công tác hướng dẫn, xúi giục người liên quan khai báo gian dối, che giấu tội phạm, gây cản trở việc điều tra, làm rõ tội phạm của cơ quan chức năng.

Trong đó, tại Thái Nguyên, bị cáo Trần Tùng đã lợi dụng việc được giao tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly tại tỉnh này. Qua đó, sau khi giúp Trần Thị Quyên (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sen vàng Đất Việt) làm thủ tục cách ly cho khác ở tỉnh này, Trần Tùng đã nhận hối lộ hơn 4,4 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, hưởng lợi thêm 3,2 tỉ đồng

Tại Quảng Nam, với vai trò là Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, bị can Nguyễn Văn Văn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ 450 triệu đồng để thực hiện theo đề nghị của Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó giám đốc Công ty Blue Sky) trong việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam ban hành chủ trương chấp thuận tiếp nhận công dân về cách ly y tế tại Quảng Nam cho Công ty Blue Sky. Trong khi đó, bị cáo Lê Ngọc Tường, cựu phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, đã 4 lần nhận hối lộ, tổng 400 triệu đồng từ nhóm công ty của Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Về phía Bộ Giao thông vận tải, Cơ quan tố tụng cáo buộc, bị cáo Vũ Hồng Quang, cựu phó trưởng phòng Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, có nhiệm vụ tiếp nhận, xem xét ra quyết định cấp phép bay cho các hãng hàng không thực hiện các chuyến bay "Combo" do doanh nghiệp tổ chức, sau khi có sự phê duyệt của Văn phòng Chính phủ và Tổ công tác 5 Bộ. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay "Combo" đưa công dân về nước, có một số chuyến bay không thuê được máy bay cỡ lớn để chở hết số lượng khách được duyệt nên phải thuê hai máy bay nhỏ dẫn đến phát sinh chi phí, trong khi vẫn còn ghế trống khách.

Để có thêm lợi nhuận, Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Giám đốc Công ty Blue Sky) và Nguyễn Tiến Mạnh (Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Việt) đã thỏa thuận, được Vũ Hồng Quang đồng ý cấp phép bay theo số lượng khách vượt so với văn bản đã được duyệt với chi phí 2 triệu đồng/1 khách.

Bên cạnh đó, Vũ Hồng Quang còn đưa hối lộ 7,4 tỉ đồng cho Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ thuộc Bộ Y tế, bị xử lý ở giai đoạn 1) để được giúp có được văn bản chấp thuận cho 624 công dân được về nước trên các chuyến bay đơn lẻ, hưởng lợi số tiền gần 20 tỉ đồng.

Đối với Nguyễn Xuân Thông, Viện kiểm sát đánh giá dù không hứa hẹn trước nhưng khi biết Trần Minh Tuấn (đã bị xử lý ở giai đoạn 1 của vụ án) có hành vi đưa hối lộ thì đã hướng dẫn Tuấn khai báo gian dối để che giấu hành vi phạm tội. Hành vi của bị cáo Thông bị cơ quan tố tụng xác định đã gây cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án.

Hình ảnh các bị cáo vụ Chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 bị áp giải tới toà - Ảnh 7.Các nạn nhân của Phó Đức Nam - TikToker Mr Pips cần cảnh giác để không tiếp tục bị mất tiền

Công an khuyến cáo người dân cảnh giác trước chiêu lừa mới “hỗ trợ lấy lại tiền” trong vụ lừa đảo 5.200 tỷ đồng của TikToker Mr Pips để tránh một lần nữa trở thành nạn nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại