Hikikomori lan tới Việt Nam

Hạnh Đỗ |

Hiện tượng hikikomori từng được cho là vấn đề đặc trưng của Nhật Bản, nay đang lan rộng khắp châu Á, dần xuất hiện tại Việt Nam, đặc biệt trong nhóm du học sinh.

“Con nhà người ta” phải điều trị tâm lý

Trong một lần nói chuyện tình cờ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Sơn Ca (tốt nghiệp ngành tâm lý tại ĐH Caen Normandie, Pháp) tiết lộ, trong khoảng nửa năm gần đây, chị và một số đồng nghiệp liên tục được phụ huynh đề nghị hỗ trợ tâm lý cho các du học sinh người Việt có xu hướng trở thành hikikomori. Những người này có biểu hiện khá giống nhau: sau khi đã tốt nghiệp (hoặc chưa) các chương trình học ở nước ngoài, họ trở về nước và không có nhu cầu giao tiếp xã hội, cá biệt có người đã không ra khỏi nhà trong suốt 2 năm liền.

 - Ảnh 1.

Áp lực học hành và kỳ vọng quá cao của gia đình là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người trẻ trở thành hikikomori

Minh Huy (tên nhân vật đã được thay đổi), 24 tuổi, là niềm tự hào của gia đình khi tốt nghiệp loại giỏi ngành Tài chính - Ngân hàng tại một trường đại học danh tiếng ở Anh. Ngày trở về Việt Nam, cậu mang theo tấm bằng đỏ, trao tận tay bố mẹ rồi nhanh chóng khép mình trong phòng riêng, gần như biến mất khỏi cuộc sống gia đình và xã hội.

Những ngày đầu, bố mẹ Huy nghĩ rằng, con trai mình cần thời gian nghỉ ngơi sau quãng thời gian học hành căng thẳng. Nhưng rồi một tháng trôi qua, hai tháng và đến cả năm, cánh cửa phòng Huy vẫn đóng kín. Bên trong, Huy chỉ chơi game, lướt mạng xã hội hoặc nằm trên giường. Cậu tránh mọi cuộc gặp gỡ với bạn bè, từ chối mọi lời mời công việc mà bố mẹ tìm được.

Mẹ Huy kể rằng, vợ chồng chị không thể hiểu nổi, vì sao một cậu con trai thông minh, đạt thành tích cao lại trở nên như vậy. Chị nhiều lần đứng ngoài cửa phòng, vừa gõ cửa vừa nói: “Con ơi, có chuyện gì thì cứ nói với bố mẹ, đừng giữ trong lòng”. Nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng.

Sau nhiều tháng cố gắng thuyết phục mà không hiệu quả, bố mẹ Huy quyết định tìm đến chuyên gia tâm lý . Ban đầu, Huy từ chối việc đi gặp bác sĩ, nhưng sau những cuộc trò chuyện đứt quãng, mẹ cậu đã khóc và nói: “Con không cần làm gì cho bố mẹ tự hào nữa. Con chỉ cần khỏe mạnh thôi”. Nghe vậy, Huy đồng ý đi tham vấn tâm lý.

Trong các buổi tư vấn, Huy dần mở lòng hơn. Cậu kể rằng, thời gian học ở Anh là chuỗi ngày đầy áp lực. “Bạn bè em ai cũng giỏi. Họ luôn bàn về tương lai, về những công ty lớn họ sẽ vào, còn em chẳng biết mình muốn gì”. Huy cảm thấy mình chỉ là một cỗ máy học tập để đáp ứng kỳ vọng của gia đình. “Em cầm tấm bằng đỏ về, nhưng em không thấy vui. Nó giống như một tấm vé mà em không muốn dùng để bước vào thế giới mà em không thuộc về”, Huy tâm sự.

Một trường hợp khác là Tùng, nam sinh từng du học tại Nhật Bản. Chương trình học ngành Kỹ thuật đòi hỏi sự nỗ lực cao và áp lực từ gia đình khiến Tùng kiệt sức. Gia đình cậu thường gọi điện nhắc nhở: “Con phải cố gắng, nếu không tương lai sẽ mờ mịt”. Tùng cảm thấy mình trở thành “cục nợ,” không thể đáp ứng kỳ vọng. Sau khi bị mất học bổng do không đủ điểm, Tùng quay về Việt Nam. Ở nhà, cậu gần như không ra khỏi phòng, từ chối mọi lời rủ rê gặp gỡ của bạn bè cũ. “Em không muốn ai biết em đã bỏ học giữa chừng. Chỉ cần nghĩ đến việc giải thích, em lại cảm thấy áp lực và muốn trốn đi”, Tùng kể.

Vy Anh, 24 tuổi, từng du học tại Nga với học bổng toàn phần cũng là một ca cần hỗ trợ tâm lý. Sốc văn hóa, áp lực học tập và gánh nặng trả nợ học phí khiến Vy Anh rơi vào khủng hoảng tâm lý trầm trọng. Đỉnh điểm, Vy Anh từng tự làm đau bản thân và có ý định tự tử. Sau khi được bảo lưu kết quả và trở về Việt Nam, Vy Anh vẫn mang theo tâm lý chán nản, không tìm thấy lý tưởng sống. Dù ở nhà, cô sống như một hikikomori thực thụ: ngày ngủ, đêm thức, tránh mọi tương tác với gia đình và bạn bè.

Áp lực, định kiến xã hội

Hiện tượng hikikomori tự cô lập xã hội kéo dài, đang dần xuất hiện trong nhóm du học sinh Việt Nam, đặc biệt ở những người đã trở về nước nhưng không thể tái hòa nhập với cộng đồng. Nhiều bạn trẻ mang trong mình áp lực học hành , sốc văn hóa, sự mất phương hướng về lý tưởng sống.

TS Nguyễn Mai Hoa ( Viện Tâm lý học ) đánh giá: “Nguyên nhân của hikikomori tại Việt Nam có sự tương đồng với các nước khác, bao gồm áp lực xã hội, rào cản giao tiếp và sự phát triển của công nghệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh văn hóa Á Đông, nơi kỳ vọng gia đình và định kiến xã hội rất mạnh mẽ, vấn đề này trở nên phức tạp hơn. Nhiều người trẻ không chỉ bị cô lập bởi chính họ mà còn chịu sự phán xét từ cộng đồng, khiến họ ngày càng chìm sâu vào sự ẩn mình”.

Hiện tượng hikikomori không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn tạo ra những gánh nặng to lớn cho xã hội. TS Mai Hoa cho rằng, trước tiên, nó làm mất đi một phần lực lượng lao động trẻ, vốn là nguồn nhân lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Những người trẻ mắc hikikomori thường là những người có trình độ và năng lực cao, nhưng họ không thể đóng góp vào xã hội do mất phương hướng hoặc bị cản trở bởi những vấn đề tâm lý. Ngoài ra, hikikomori cũng đặt áp lực lớn lên gia đình và hệ thống y tế. Nhiều gia đình phải gánh vác chi phí sinh hoạt và điều trị tâm lý cho con em mình, trong khi các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần tại Việt Nam vẫn còn thiếu thốn. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, những người mắc hikikomori sẽ dần bị cô lập hoàn toàn, dẫn đến trầm cảm nghiêm trọng hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, gây áp lực lâu dài lên hệ thống y tế.

Hiện nay, số lượng người trẻ ở Việt Nam mắc hội chứng hikikomori đến điều trị tại các bệnh viện lớn như Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) hay Bệnh viện Tâm thần Trung ương vẫn còn rất ít. Thay vào đó, họ chủ yếu tìm đến các chuyên gia tâm lý, phòng khám tư nhân hoặc dịch vụ tham vấn online.

Bác sĩ Dương Thị Huệ (Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) lý giải, sở dĩ bệnh nhân ngại đến viện, lý do đầu tiên xuất phát từ định kiến xã hội về bệnh tâm thần. Nhiều người và gia đình vẫn xem việc đi khám tại các bệnh viện tâm thần là biểu hiện của sự “mất trí” dẫn đến tâm lý e ngại khi tiếp cận các cơ sở y tế công lập. Thay vào đó, họ cảm thấy thoải mái và kín đáo hơn khi đến với các phòng khám tư hoặc chuyên gia tâm lý, nơi có không gian riêng tư và ít bị soi xét.

“Trên thực tế, phương pháp điều trị tại các bệnh viện lớn thường tập trung vào việc sử dụng thuốc, trong khi nhiều người mắc hikikomori mong muốn được trò chuyện và thấu hiểu hơn là sử dụng dược phẩm. Các chuyên gia tâm lý tại phòng khám tư thường dành thời gian tư vấn cá nhân, tập trung vào việc giúp bệnh nhân đối diện và giải quyết vấn đề cảm xúc hoặc tâm lý , thay vì chỉ can thiệp bằng thuốc”, chuyên gia Sơn Ca bổ sung.

Tuy nhiên, việc lựa chọn này cũng đặt ra nhiều thách thức, bởi không phải phòng khám hay chuyên gia nào cũng đảm bảo chất lượng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tình trạng của người mắc hikikomori có thể trở nên nghiêm trọng hơn, làm tăng nguy cơ trầm cảm, tự hủy hoại bản thân hoặc hoàn toàn mất khả năng tái hòa nhập xã hội. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và cải thiện hệ thống hỗ trợ sức khỏe tâm thần tại Việt Nam, để người bệnh có thể tiếp cận các dịch vụ điều trị chính thống mà không phải chịu thêm gánh nặng từ định kiến.

Chương trình hỗ trợ ở các nước

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, hikikomori là thuật ngữ để chỉ những người tự giam mình trong nhà ít nhất 6 tháng, ngừng tham gia các hoạt động xã hội như học tập, làm việc, và gần như không giao tiếp với ai ngoài gia đình. Hiện tại, Nhật Bản có khoảng 1,5 triệu người thuộc nhóm này, tương đương 2% dân số.

Những nghiên cứu từ Đại học Yale (Mỹ) nhận định, sự phát triển của internet và giảm tương tác trực tiếp là yếu tố góp phần làm tăng hiện tượng hikikomori trên toàn cầu. Tại châu Á, áp lực học hành, kỳ vọng gia đình và tác động từ đại dịch COVID-19 cũng là các nguyên nhân hàng đầu khiến người trẻ rơi vào trạng thái cô lập.

Trước sự lan rộng của hikikomori, nhiều quốc gia đã thực hiện các chương trình hỗ trợ. Chính phủ Hàn Quốc trợ cấp 650.000 won/tháng cho thanh niên tự cô lập để giúp họ tái hòa nhập. Ở Mỹ, các trường đại học như Đại học Texas - Austin triển khai hệ thống cố vấn tâm lý trong khuôn viên trường, tiếp cận sinh viên một cách gần gũi và thực tế. Tại Nhật Bản, các trung tâm tư vấn sức khỏe tinh thần cung cấp liệu pháp tâm lý và kỹ năng xã hội cho hikikomori có mặt ở hầu hết các thành phố lớn.

ĐẠT NHI

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại