'Hiệu ứng ngưỡng cửa' là gì, và tại sao chúng ta đột nhiên quên mất những gì mình muốn nói hoặc làm?

PNM |

Bộ não của chúng ta cũng giống như một chiếc máy tính "đa nhiệm" khi phải xử lý nhiều quá trình cùng diễn ra một lúc, và bỗng dưng có một cái gì đột nhiên "mất tích" khi bước qua ngưỡng cửa thì có bình thường không?

Hãy tưởng tượng, bạn đang xem bộ phim "bánh cuốn" Justice League phiên bản của Zack Snyder nóng hổi trên tivi. Do phim dài tới tận 4 tiếng nên rổ bỏng ngô bự chảng đã hết sạch giữa chừng. Vì vậy, bạn đứng dậy và đi vào bếp để lấy thêm. Thế nhưng khi bước vào bếp, thì bạn chợt dừng lại và tự nghĩ: "Tại sao mình lại vào đây nhỉ?"

Sau chút bối rối, bạn quay trở lại phòng khách. Ngay khi vừa đặt mình xuống ghế thì bạn nhớ ra rằng mình muốn lấy bỏng ngô. Thế là bạn quay trở lại nhà bếp nhưng lần này với một quyết tâm mới.

Đây có lẽ là tình huống mà ai cũng đều đã gặp phải. Ít nhất một lần trong đời chúng ta "bỗng dưng" chẳng nhớ tại sao mình bước vào phòng, hoặc quên mất những gì mình đang định nói ra – mặc dù mới chỉ vài phút trước lời văn còn lai láng trong đầu.

Hiệu ứng ngưỡng cửa là gì, và tại sao chúng ta đột nhiên quên mất những gì mình muốn nói hoặc làm? - Ảnh 1.

Hiện tượng phổ biến này được gọi là "hiệu ứng ngưỡng cửa". Một nhóm các nhà khoa học Australia đã cố gắng giải thích những gì đang xảy ra trong não người bằng cách đưa ra một giả thuyết mới.

Như chúng ta đã biết, bộ não của chúng ta cũng giống như một chiếc máy tính "đa nhiệm" khi phải xử lý nhiều quá trình cùng diễn ra một lúc. Không có gì quá kỳ lạ khi bỗng dưng có một cái gì đột nhiên "mất tích" ...

Trong khuôn khổ nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành một số thử nghiệm ở môi trường thực tế ảo. 74 tình nguyện viên được yêu cầu "đi bộ" qua các căn phòng ảo 3D do máy tính tạo ra (tất cả đều được kết nối với nhau theo đường tròn) và cố gắng ghi nhớ các vật thể trong mỗi căn phòng. Những vật thể đó có nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau như hình nón màu xanh lam hoặc hình chữ thập màu vàng.

Hiệu ứng ngưỡng cửa là gì, và tại sao chúng ta đột nhiên quên mất những gì mình muốn nói hoặc làm? - Ảnh 2.

"Lúc đầu, ở những người tham gia không có "hiệu ứng ngưỡng cửa ", do vậy chúng tôi cho rằng có lẽ các tình nguyện viên có trí nhớ quá tốt," nhà tâm lý học Oliver Baumann của Đại học Bond (Australia) cho biết. "Sau đó, chúng tôi phức tạp hóa nhiệm vụ và yêu cầu họ đi bộ từ phòng này sang phòng khác, đếm ngược và ghi nhớ các số liệu. Điều này đã khiến cho bộ nhớ của họ phải làm việc vất vả hơn."

Nhiệm vụ bổ sung này thực sự đã có hiệu quả. Một số người tham gia trở nên nhạy cảm hơn với "hiệu ứng ngưỡng cửa". Nói cách khác, sự "lãng quên" trong ngắn hạn này chỉ xảy ra nếu não của chúng ta làm việc quá sức và ở trong "trạng thái dễ bị tổn thương".

Trong thử nghiệm thứ hai, các tình nguyện viên được yêu cầu đi bộ dọc theo một số hành lang trong khi vẫn quan sát những người khác đang thực hiện cùng nhiệm vụ đó. Lần này người ta không phát hiện thấy "hiệu ứng ngưỡng cửa".

Tại sao kết quả lần này lại khác biệt?

Các nhà khoa học Australia tin rằng đó là do họ đã thiết kế các phòng trông giống hệt nhau. Không có sự thay đổi về bối cảnh giữa các căn phòng ảo, và do đó cũng không xuất hiện sự ngạc nhiên khi bước từ phòng này qua phòng khác. Điều này có nghĩa là: bản thân ngưỡng cửa không gây ra sự lãng quên, mà là do có sự thay đổi của môi trường.

Hiệu ứng ngưỡng cửa là gì, và tại sao chúng ta đột nhiên quên mất những gì mình muốn nói hoặc làm? - Ảnh 3.

Nhóm nghiên cứu giải thích điều này là do có sự khác biệt rõ rệt về khung cảnh. Khi chúng ta đi theo hành lang thì môi trường xung quanh không thay đổi nhiều, còn khi di chuyển từ phòng này sang phòng khác thì xảy ra một sự thay đổi đột ngột hơn về khung cảnh. Việc này có thể khiến chúng ta quên đi điều gì đó bởi bộ não đang "bận" xử lý thông tin mới tiếp nhận được.

Hãy tưởng tượng chúng ta đang ở trong một trung tâm mua sắm. Việc đi thang máy từ bãi đậu xe dưới tầng hầm lên đến tầng bán đồ sẽ khiến cho não chúng ta "quên" nhiều hơn so với việc cũng đi thang máy nhưng là di chuyển giữa hai tầng nhà.

Hiệu ứng ngưỡng cửa có phải là điều tồi tệ không?

Vậy làm cách nào để chúng ta có thể cải thiện khả năng ghi nhớ việc đang làm khi phải di chuyển từ phòng này sang phòng khác?

Kết quả của thử nghiệm này cho thấy chúng ta càng thực hiện nhiều tác vụ cùng một lúc thì bộ nhớ của chúng ta càng có nhiều khả năng bị "giải phòng" theo các ngưỡng cửa.

Hiệu ứng ngưỡng cửa là gì, và tại sao chúng ta đột nhiên quên mất những gì mình muốn nói hoặc làm? - Ảnh 4.

Chúng ta chỉ có thể ghi nhớ một lượng thông tin nhất định tại một thời điểm. Khi bị phân tâm bởi những suy nghĩ về các thứ khác thì trí nhớ của chúng ta rất dễ trở nên quá tải.

Sự thật này không chỉ đúng với những ngưỡng cửa. Bộ não của chúng ta luôn tham gia vào việc "phân đoạn sự kiện" ở tất cả các khía cạnh của cuộc sống, cho dù đó là trong không gian vật lý hay theo nghĩa trừu tượng hơn.

Vậy chúng ta có thể làm gì?

Trong hầu hết các trường hợp, xu hướng phân chia cuộc sống của chúng ta thành các sự kiện riêng biệt thực sự đem lại lợi ích. Do khả năng lưu trữ thông tin của bộ não có hạn nên chúng ta không thể nhớ quá nhiều thứ trong một lần.

Do đó, sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta chỉ truy xuất thông tin về tình huống hiện tại thay vì cố gắng ghi nhớ tất cả mọi thứ đã xảy ra gần đây.

Hiệu ứng ngưỡng cửa là gì, và tại sao chúng ta đột nhiên quên mất những gì mình muốn nói hoặc làm? - Ảnh 5.

Việc não bộ giải phóng bớt thông tin để tránh quá tải là cơ chế bảo vệ tự nhiên, nhưng nếu chúng ta muốn thoát khỏi tình trạng mơ hồ mỗi khi bước qua một ngưỡng cửa thì hãy giữ cho tâm trí luôn tập trung. Vì vậy, lần tới khi bạn muốn ăn thêm bỏng ngô trong khi đang xem chương trình truyền hình yêu thích thì hãy tiếp tục nghĩ về bỏng ngô từ khi rời ghế cho đến lúc vào trong bếp.

Giải pháp của các nhà khoa học

Như vậy, nếu hiểu được cách những thay đổi của môi trường có tác động "reset" lên não bộ như thế nào sẽ giúp cho chúng ta tìm ra cách để điều khiển và giảm thiểu "hiệu ứng ngưỡng cửa" trong tương lai. Thế nhưng, tại thời điểm này thì các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách, hoặc có thể đã tìm ra rồi nhưng lại quên mất do ảnh hưởng của "hiệu ứng ngưỡng cửa" chăng?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại