Hiệu ứng “ngưng làm việc trong im lặng”: Nên hết mình vì công việc hay ưu tiên thời gian cá nhân?

HẠ TRÂN |

Tạo nhiều giá trị cho bản thân, hơn là cống hiến và tham gia những hoạt động tập thể cùng công ty là lựa chọn của nhiều người trẻ hiện nay.

Sau đại dịch, khi người trẻ biết quý trọng và dành nhiều thời gian hơn để tận hưởng cuộc sống thay vì "chôn chân" tại văn phòng, nhiều xu hướng đi làm hình thành, trong đó nổi bật là "quiet quitting" - tạm dịch: nghỉ việc trong im lặng. Đây là một thuật ngữ nói về hành vi chỉ làm đúng những công việc trong trách nhiệm và thỏa thuận ban đầu, không ôm thêm việc, muốn cống hiến hết mình hoặc tham gia những hoạt động tập thể. Xu hướng này đang ngày càng phổ biến vì khiến người trẻ muốn tạo ra nhiều giá trị sống cho bản thân hơn là việc cố gắng kiếm tiền hằng ngày.

Hiệu ứng “ngưng làm việc trong im lặng”: Nên hết mình vì công việc hay ưu tiên thời gian cá nhân? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: Pexels

KHI "QUIET QUITTING" TRỞ THÀNH XU HƯỚNG MẠNH MẼ TRONG GIỚI VĂN PHÒNG

Mạng xã hội Tiktok chính là nơi khiến trào lưu "quiet quitting" trở nên phổ biến. Trào lưu này khuyến khích việc nên sống một cuộc sống bình thường, thay vì cố gắng làm việc cả một đời để mua nhà, mua xe và theo đuổi ước mơ. Có một thời gian từ khóa "tang ping" bị Trung Quốc khóa và dập tắt vì đây là xu hướng khơi nguồn của "quiet quitting". Tuy nhiên Tiktok một lần nữa làm tinh thần này "viral" trở lại và đi ngược với quan niệm rằng làm việc hết sức mới được xem là cống hiến, còn làm đủ việc thì bị cho là thiếu trách nhiệm.

"Quiet quitting" - chỉ làm đủ công việc và nghĩa vụ trong giờ hành chính, ngoài ra là dành thời gian cho gia đình, bạn bè và theo đuổi những sở thích của bản thân. Cách sống này sẽ giúp chúng ta nghiệm ra rằng công việc không phải là mục đích sống cuối cùng, mà chính việc tận hưởng cuộc sống mới quan trọng.

Hiệu ứng “ngưng làm việc trong im lặng”: Nên hết mình vì công việc hay ưu tiên thời gian cá nhân? - Ảnh 2.

Chị Phương Ngân

"Trước khi dịch bệnh ập đến, mình đích thị là một con người của công việc, cả ngày chỉ suy nghĩ như thế nào để đạt được KPI. Sau giờ hành chính mình vẫn làm việc, ít khi nào đi chơi hoặc thư giãn vào mỗi tối vì cho rằng việc ấy không quan trọng. Tuy nhiên từ khi ở nhà liên tục mấy tháng trời và chỉ làm online thì mình cảm thấy việc "healing" và dành thời gian cho bản thân thực sự rất cần thiết. Thời gian đấy mình lướt Tiktok khá nhiều để học cách làm bánh, nấu ăn, trang trí phòng, thậm chí là làm đồ handmade. Bạn bè rủ chơi game online cũng lần đầu tham gia, dành thời gian cho công việc vừa phải. Xong giờ hành chính, thường mình tắt thông báo để tận hưởng cuộc sống riêng, hơn là lúc nào cũngcầm điện thoại để đọc tin nhắn" - Chị Phương Ngân, một nhân viên Marketing tại TP HCM chia sẻ.

"Là một người từng test ra hai vạch trước khi có vắc-xin Covid-19, mình học được cách trân trọng sức khỏe hơn. Đây cũng là một trong những lý do mình hạn chế tăng ca, chỉ làm đủ việc rồi về sau khi đi làm trở lại sau đại dịch. Thừa nhận là cũng có một khoảng thời gian mình không còn nhiệt huyết với công việc, thay vì lao lực tại văn phòng, sao mình không tìm cách để phát triển tinh thần và sức khỏe?" - Anh Phương Đinh.

XU HƯỚNG NÀY LÀ LỜI BIỆN HỘ CHO SỰ LƯỜI BIẾNG TRONG CÔNG VIỆC?

Nhiều người cho rằng "quite-quitting" một cách nói hoa mỹ để ngụy biện cho việc không muốn đi làm của một số người trẻ. Vì việc không hết mình vì "deadline" sẽ khiến cho chất lượng công việc sụt giảm và đương nhiên đây không phải là điều mà nhà tuyển dụng mong muốn ở một ứng viên. Trái ngược với các "workaholic" thực thụ - những người có một thái độ làm việc chủ động, luôn cố gắng tạo thành tích, đem về nhiều lợi ích cho công ty. Không những vậy, việc tăng ca hoặc làm hơn trách nhiệm của bản thân cũng chính là cách họ xem là phát triển trong công việc và học hỏi được nhiều kiến thức mới. Vậy những người "nghỉ việc trong thầm lặng" có đang bị xem thường về năng lực và chí hướng?

"Nói quiet quitting là lười biếng thì không đúng với những gì mà nhiều người đang cố gắng thay đổi trong môi trường làm việc không lành mạnh. Cống hiến cho công ty nhưng phải hiểu được giá trị của bản thân. Nếu phúc lợi của công ty không tương xứng với công sức bỏ ra thì không nên tự áp lực trong khi có thể tìm kiếm một môi trường khác tôn trọng nhân viên hơn. Cơ bản, xu hướng này chỉ là một cách để cảnh tỉnh nhiều nhà tuyển dụng cho rằng có thể trả lương cho nhân viên thấp hơn khối lượng và chất lượng mà họ mang lại. Đồng thời, cũng đề cao một cách sống yêu bản thân hơn là yêu công việc" - Anh Huỳnh Bảo chia sẻ.

VỚI ÁP LỰC CÔNG VIỆC MỖI NGÀY THÌ "QUIET QUITTING" CÓ HỢP LÝ HAY KHÔNG?

Thỉnh thoảng trong công việc, nên có "quiet quitting" để cân bằng lại cuộc sống

Hiệu ứng “ngưng làm việc trong im lặng”: Nên hết mình vì công việc hay ưu tiên thời gian cá nhân? - Ảnh 3.

Chị Uyên Kha

Áp lực công việc là một trong những nguyên do khiến nhiều người trẻ mất cân bằng trong cuộc sống. Vì vậy, khi người trẻ đã "gồng" trong một khoảng thời gian dài để chạy kịp "deadline" thì nghỉ ngơi để "chán làm việc" mang lại các thay đổi tích cực nhưng không ảnh hưởng quá nhiều. Theo một nghiên cứu cho rằng mức độ stress và cảm thấy không tìm thấy lối thoát trong công việc của người lao động trên thế giới đã lên đến 44%.

"Với tính chất công việc đặc thù, mình luôn phải có mặt ở văn phòng để xử lý những vấn đề của công ty, vì vậy khá hiếm thời gian mà mình được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Thậm chí, 11h - 12h đêm công việc rơi xuống đầu là không tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu bản thân cảm thấy quá nhiều áp lực thì có thể xin sếp nghỉ phép vài ngày ngày để tìm kiếm những trải nghiệm mới, hay thông báo sẽ off điện thoại sau giờ làm để có một buổi tối của cá nhân đúng nghĩa" - Chị Uyên Kha đang làm việc tại TP HCM chia sẻ.

Học hỏi nhiều điều hơn thay vì chỉ tìm cách kiếm được nhiều tiền hơn

Hiệu ứng “ngưng làm việc trong im lặng”: Nên hết mình vì công việc hay ưu tiên thời gian cá nhân? - Ảnh 4.

Chị Quỳnh Anh

Tan ca đúng giờ và hoàn thành đủ công việc cũng là một cách thể hiện việc hoàn thành đúng trách nhiệm được giao, không nhất thiết phải làm quá giờ hành chính mỗi ngày mới được xem là cống hiến cho công ty. Điều này thể hiện tiêu chuẩn trong công việc và cách vận hành cuộc sống của mỗi người. Sau giờ tan làm, nhiều người lựa chọn tiếp thu kiến thức bổ ích hơn để nâng cao tri thức, sức khỏe, tâm hồn thay vì cứ vùi đầu mày mò trong đống việc.

"Sau mỗi giờ tan làm, mình lựa chọn học thêm đan len, yoga để đầu óc được thoải mái hơn. Đồng thời, tập cho mình thói quen mỗi tuần đọc một quyển sách để mở mang kiến thức nhiều lĩnh vực như văn học, xã hội... Dành nhiều thời gian cho bản thân sẽ khiến sức khỏe cuộc sống trở nên cân bằng hơn hay vì chỉ dành cả đời để kiếm tiền" - Chị Quỳnh Anh chia sẻ.

Dành thời gian cho những mối quan hệ xung quanh thay vì chỉ ở văn phòng cùng đồng nghiệp

Nhiều người trẻ bị cuốn vào công việc, dành thời gian cho đồng nghiệp nhiều hơn những mối quan hệ khác, dần dà các mối quan hệ cũng vơi đi khá nhiều. Thay vì chỉ ở văn phòng liên tục thì "quiet quitting" khuyến khích người trẻ dành ra một khoảng thời gian cho bạn bè, người thân, gia đình.

"Gặp và làm việc cùng đồng nghiệp liên tục trong 8 giờ mỗi ngày đã là quá nhiều, mặc kệ ai có ở lại làm thêm cho có hội nhóm, tình nghĩa "cùng thuyền". Mình muốn tan làm đúng giờ để có thời gian ở nhà với bố mẹ hoặc đi chơi cùng bạn bè thân thiết, đây mới là những người quan trọng trong cuộc đời mình" - Anh Ngọc Huy chia sẻ.

Hiệu ứng “ngưng làm việc trong im lặng”: Nên hết mình vì công việc hay ưu tiên thời gian cá nhân? - Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: Pexels

Mỗi người mỗi cách lựa chọn về lối sống riêng, miễn là chính bản thân họ hài lòng. Những xu hướng mới, nếu biết chọn lọc và nắm bắt sẽ khiến cuộc sống trở nên giá trị hơn rất nhiều. Nhưng nếu không phù hợp, cũng đừng nên "cố đấm ăn xôi" làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hiện tại chỉ vì muốn thành người trẻ "hợp thời".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại