Chiều 12/12, trả lời phóng viên báo Người Đưa Tin ông Nguyễn Tiến Đường cho hay: "Chúng tôi đã báo cáo sự việc lên Sở rồi. Tôi không có bình luận gì về đề đó vì không phải chuyên môn, tôi không hiểu. Việc ra đề là nhà trường thành lập hội đồng thẩm định duyệt, đề là do tổ Văn ra chứ không phải do một cá nhân nào cả".
Trước đó, vào sáng 10/12, ông Nguyễn Tiến Đường, trả lời trên Dân Trí rằng, việc ra đề thi ông đã giao cho tổ chuyên môn. Về đề thi có liên quan đến Chi Pu có phải của Trường THPT Hạ Hòa hay không, ông Đường cho biết, mình chưa nắm được nhưng sẽ cho kiểm tra. Đồng thời cũng kiểm tra xem một cá nhân ra đề hay cả tập thể và sẽ có câu trả lời vào ngày thứ 2.
Việc Chipu được đưa vào đề Văn đang gây xôn xao dư luận.
Cũng liên quan đến sự việc, chúng tôi đã liên hệ với cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn của trường THPT Hạ Hòa để làm rõ thêm một số thông tin.
Cô Hồng Nhung lý giải, với mỗi một đề kiểm tra đều phải xác định mục tiêu và năng lực cần hướng tới. Mục tiêu gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ của học sinh.
Cô Hồng Nhung khẳng định việc ra đề thi phải theo một quy trình bao gồm: "Thống nhất trao đổi trong nhóm giáo viên để cùng thiết kế ma trận, xây dựng cấu trúc, biên soạn đề và phải có một ngân hàng câu hỏi để lựa chọn. Đề thi là sản phẩm của nhóm chứ không phải là cá nhân duy nhất nào đó ra đề".
Đại diện tổ Văn cũng cho biết: "Về mục tiêu kiến thức, căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng nhóm sẽ lựa chọn những vấn đề của đời sống xã hội có ý nghĩa thời sự đáng quan tâm đối với học sinh, cụ thể là lớp 10 - lứa tuổi đang định hình về nhân cách và lối sống.
Nhà trường cũng muốn định hướng các em sống phải có mục đích, có lý tưởng đúng đắn, mong các em có ước mơ và dám vươn tới thành công mà có ý nghĩa cống hiến".
Cô Nhung cũng cho biết, về mặt kỹ năng, đề bài mang tính chất hóa thân - đã được hướng dẫn trong SGK lớp 10.
Về mục tiêu thái độ, dù trải nghiệm mang tính giả định nhưng khi nhập thân vào Chi Pu - cô gái hơn các em không nhiều tuổi, học sinh sẽ trình bày được thái độ cảm thông với hoàn cảnh không thuận lợi của người khác, liên hệ đối chiếu với hoàn cảnh của mình, biết lắng nghe và chọn lựa, biết trau dồi bản lĩnh, hun đúc ý chí và nghị lực để theo đuổi mục tiêu đúng đắn của cuộc đời.
"Tóm lại, đề bài chúng tôi đảm bảo ra đúng theo chuẩn kiến thức, kỹ năng bộ môn và đúng quy trình ra đề. Đây không phải là bài nghị luận xã hội nên học sinh không cần bình luận về những ý kiến hướng vào Chi Pu.
Đây chỉ là bài văn tự sự kể về một ngày bình thường của cô ấy sau khi đối mặt với hoàn cảnh bất lợi như trên. Vì là đề mở nên học sinh có nhiều phương án nhưng đảm bảo các chuẩn mực về đạo đức và pháp luật thì sẽ cho điểm", cô Nhung khẳng định.