Nói dối từ đầu đến cuối
Tuổi thơ đến trường đều có kỷ niệm về vài ấm ức nào đó. Thầy cô không mắng mỏ công bằng, bạn bè bắt nạt. Bố mẹ mải cày cấy, coi hiệu trưởng bao giờ cũng đúng, trẻ không biết kêu ai.
Mấy tháng qua, hàng triệu người theo dõi vụ việc xảy ra tại trường Nam Trung Yên đều thở phào. Sự thật đã được sáng tỏ, trả lại niềm tin nho nhỏ vào ngành trồng người đã bị "ô nhiễm và biến đổi gien" tới mức không ngờ.
Hiệu trưởng cùng hiệu phó ngồi trong xe taxi, đi vào sân trường, va phải em Trần Chí Kiên mới 7 tuổi, làm em gẫy chân. Chuyện rõ như ban ngày mà mất tới hai tháng, với sự can thiệp của Chủ tịch Hà Nội, công an vào cuộc, báo chí lên tiếng, người trong cuộc không thể im lặng, mới cách chức được hai vị "nói dối từ đầu đến cuối" trong sự việc này.
Bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên vừa bị cách chức.
Nếu chuyện này xảy ra ở Âu Mỹ thì pháp luật đã không tha. Cảnh sát, luật sư, tòa án vào cuộc để tìm ra ai có lỗi. Không có chuyện người cha của cháu Kiên phải tự đi tìm công lý.
Thuê một luật sư thưa kiện, ai đó phải đền cho cái chân của em Kiên, hậu quả sức khỏe suốt cuộc đời còn lại, số tiền có thể lên hàng triệu đô la.
Nhưng ở những cơ quan pháp luật không minh, quy trình tuyển chọn cán bộ có nhiều góc khuất, người tài bị đẩy ra, không loại trừ kẻ dối trá, dốt nát ngồi ghế nóng, thì hậu quả nhãn tiền, chức nhỏ như hiệu trưởng trường tiểu học mà vẫn "che" một vụ tai nạn giao thông suốt hai tháng trời.
Nhận dạng lạm quyền và dối trá
Lạm quyền, dối trá xảy ra mọi nơi trên thế giới, từ nước phát triển đến nước nghèo. Hiệu trưởng không phải là cá biệt.
Tín hiệu có thể nhận ra qua cách điều hành. Tại trường thì quát nạt nhân viên, dọa dẫm, loại bỏ nhân viên không chịu thần phục.
Tranh cãi thì hét to, đóng sầm cửa và chỉ mặt nhân viên sẵn sàng đuổi việc.
Bắt nạt đồng nghiệp, dọa học sinh, kể cả phụ huynh. Thường thì những kẻ này không phân biệt được thế nào là tố chất lãnh đạo và dọa nạt, dốt mới hống hách.
Với cấp trên thì nhũn nhặn vì thực ra những kẻ ấy chỉ thích nghe tin vui, hiệu trưởng tha hồ mà nói vống thành tích, chưa kể kèm theo những phong bì nằng nặng làm quà.
Lạm quyền cứ thế tiếp tục, nói dối có đất sống tại nơi trồng người bởi sự làm ngơ của cấp trên sự sợ hãi của thuộc cấp.
Hệ lụy rất rõ. Giáo viên giỏi bỏ đi, chẳng ai muốn tranh cãi với lãnh đạo vừa dốt vừa hống hách. Thay vào là một số giáo viên cùng một ruộc với hiệu trưởng, dối trên lừa dưới. Chất lượng giáo dục đi xuống là đương nhiên.
Cấp trên của họ cũng bị ảnh hưởng và tai tiếng. Thăng chức cho một người từng ăn bớt suất ăn của học trò, chuyển đến một nơi tốt hơn để "tránh bão", dư luận không khỏi đặt câu hỏi, đằng sau những vụ chuyển dịch này là gì?
Làm thế nào để đối đầu?
Anh Trần Chí Dũng, bố cháu Trần Chí Kiên, đã làm được một việc là tự đòi công lý cho con. Anh không làm sẽ không có ai giúp, im lặng là đồng hành với tội ác.
Nhớ chuyện con trai của tôi đi học từ trường về. Cháu khóc nức nở, vẻ mệt mỏi, xem hộp cơm mang theo còn nguyên. Cháu bỏ ăn trưa, một việc rất hãn hữu. Học trường Mỹ cũng có nhiều chuyện, không đơn giản như mơ.
Tôi bảo cháu, cứ khóc chút đi, khi nào nín bố con mình nói chuyện. Bảo cháu, nếu mệt không cần làm bài tập về nhà, xuống chơi đi. Cháu chơi hơn tiếng rồi vui trở lại, tự đi làm bài tập mà bố không cần nhắc.
Sau bữa tối tôi gọi cháu sang phòng riêng hỏi về việc xảy ra ở trường. Cô giáo to tiếng gì đó vì cháu không tập trung vào bài. Do cháu hay bị xúc động nên ai đó to tiếng là cả vấn đề. Tất nhiên cách phản ứng tốt nhất là … khóc nức nở.
Động viên cháu và hỏi, con có muốn bố nói chuyện với cô giáo không? Con nghĩ một hồi và bảo, có khi không cần. Bố lại đưa ra một giải pháp, hay con nói chuyện với cô nhé. Nghĩ một hồi thì cháu gật đầu.
Hôm sau hỏi cháu đã nói chuyện với cô chưa. Không nói chuyện nhưng con nói "sorry – xin lỗi" cô rồi. Cô vui và bảo cô cũng có lỗi. Thế là hòa.
Nếu bênh con, nổi nóng, gọi điện cho cô, báo cho hiệu trưởng, sự việc không dừng ở đó. Đôi lúc xử lý nhẹ nhàng lại tốt hơn.
Những kinh nghiệm hay của các trường bên Mỹ
Tại trường của cháu có những hướng dẫn làm thế nào tránh được bị bạn bè, thầy cô, kể cả hiệu trưởng bắt nạt.
Phụ huynh cũng biết "đường dây" báo cáo theo kênh, đôi lúc đến cả nghị sỹ quốc hội trong vùng. Sự việc nguy hiểm thì báo cảnh sát, kêu luật sư là giải pháp cuối cùng.
Nếu có hiện tượng thầy cô bắt nạt học trò, lạm dụng quyền đứng lớp, các phụ huynh nên làm một số bước sau
1. Ghi tất cả những lần xảy ra vụ việc bao gồm ngày tháng, người chứng kiến và hậu quả. Ví dụ, cô giáo mắng mỏ, xỉ nhục học trò, phạt vô lý… là những chuyện thường xảy ra trên lớp.
2. Phải ủng hộ con nếu con đúng, nói chuyện chân thành về sự việc xảy ra. Đưa đến bác sỹ tâm lý nếu cần để tham vấn về sức khỏe tinh thần của trẻ. Gặp tư vấn trong trường được quận, huyện cử ra để giúp học sinh và phụ huynh. Việt Nam nên có hệ thống tư vấn học đường để giải quyết nội bộ trước, đưa ra chính quyền sau.
3. Xây dựng sự tự tin cho con trước những sự vụ không vừa mắt. Nếu con bị bắt nạt, mắng chửi thì đừng nói quá nhiều về chuyện đó mà nên chuyển sang các hoạt động lành mạnh. Tâm lý trẻ cần ổn định. Làm như anh Dũng không cho con xem tin trên tivi về trường Trung Yên là một ví dụ tuyệt vời biết bảo vệ con.
4. Nếu định nói chuyện với nhà trường phải thông qua con trước dù mới 7 tuổi. Tự ý nói chuyện mà con không biết dễ có hậu quả khó lường. Bỗng "cô nhìn con với mắt khó hiểu" vì câu chuyện với cô xảy ra không như ý muốn. Chuẩn bị tâm lý cho con là chìa khóa vượt qua bão.
5. Hãy từng bước báo cáo sự việc, từ người thấp nhất đến cao nhất. Chuyện chưa đến đâu đã báo cho chủ tịch thành phố dễ bị hỏi, anh chị đã nói chuyện này với ai rồi.
6. Gặp giáo viên và đối diện với thực tế. Nhiều giáo viên sẽ hiểu và tự điều chỉnh. Tiếp thu chân thành, câu chuyện sẽ tuyệt vời. Hò hét, lên án, buộc tội hay dọa đưa ra tòa là điều hết sức tránh. Hãy đặt mình vào địa vị của thầy cô.
7. Nếu tình hình không thay đổi hãy đưa lên cấp cao hơn, kể cả hiệu trưởng. Trường hợp trường Nam Trung Yên cũng nên gặp hiệu trưởng, hỏi cho ra nhẽ.
8. Trong các cuộc gặp gỡ nên ghi lại các buổi gặp, email, thư từ, các danh sách gọi phone.
9. Nếu trường không chịu nhận lỗi như trường hợp của em Kiên thì cần tham vấn pháp lý. Để con trẻ bị thiệt thòi ở môi trường giáo dục là điều nên tránh. Đừng bao giờ cho rằng sự lạm quyền, bắt nạt, sẽ tự mất đi.
Thời nay con đi học, bố mẹ cũng "cắp sách" đi theo, chứ không chỉ cầy cấy và phó mặc cho trường như ngày xưa. Nếu con bị bắt nạt, đối xử thiếu công bằng, phụ huynh phải biết lên tiếng. Xã hội đa chiều không còn kiểu nghĩ xưa "lãnh đạo hay hiệu trưởng không nói dối".