Trong chuyến thăm và làm việc tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Giáo sư Drew Gilpin Faust, hiệu trưởng Đại học Harvard đã có cuộc thuyết trình cảm động về chiến tranh Việt Nam, những ám ảnh về chiến tranh đối với một thế hệ thanh niên Mỹ như bà.
"Và không hiểu sao, dường như đối với tôi, tìm hiểu đất nước của các bạn trở thành điều cần thiết để hiểu chính đất nước chúng tôi".
Điều tồi tệ nhất là cả hai xã hội đều sống với những bóng ma
"Những địa danh như: Khe Sanh, Pleiku, Ấp Bắc, Điện Biên Phủ, Vịnh Bắc Bộ, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, Hà Nội... luôn không ngừng trong tâm trí tôi suốt mấy thập kỷ qua".
"Thanh niên trai tráng trong thế hệ chúng tôi đã phải đối diện với giấy gọi nghĩa vụ quân sự, khiến nhiều người phải đấu tranh nội tâm xem họ có nên tuân thủ pháp luật, phụng sự cuộc chiến mà họ cho rằng vừa không khôn ngoan, vừa bất chính?"
Trong bài phát biểu, Giáo sư D.G.Faust nhắc đến Michael Herr, một nhà báo Mỹ chuyên viết về cuộc chiến tranh Việt Nam đã từng viết rằng, Việt Nam là tất cả những gì chúng tôi đã có thay vì một tuổi thơ hạnh phúc".
Vị hiệu trưởng Harvard cho biết, hằng năm, cứ đến tháng 5 là hàng trăm cựu sinh viên sẽ về lại trường để kỷ niệm 50 năm ngày ra trường của họ. Và tại sự kiện quan trọng này, các thành viên sẽ cùng nhau nhớ lại cuộc chiến đã định hình những năm tháng đại học của họ.
"Họ thảo luận xem chiến tranh Việt Nam đã ảnh hưởng đến họ hơn nửa thế kỷ ra sao. Một thành viên khoá này từng là lính thuỷ đánh bộ đã viết: Rất nhiều người thế hệ chúng tôi đã có những lựa chọn khiến chúng tôi bị ám ảnh suốt khoảng thời gian còn lại của đời mình, cả lúc tỉnh cũng như lúc mơ".
Giáo sư D.G.Faust
Bà Faust không nằm trong thế hệ đó của Harvard. Nhưng bà tự nhận: "Tôi là một người phản nghịch, chẳng những ra đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam mà luôn tranh cãi với mẹ về cuộc chiến này khi mẹ tôi cho rằng đó là việc của đàn ông".
Đó cũng là một trong những lý do để bà gắn bó với ngành lịch sử. Cuộc chiến tranh Việt Nam ám ảnh vị giáo sư lịch sử này chính là: "3 triệu tấn bom và 11 triệu gallon thuốc diệt cỏ chính quyền Mỹ đã rắc xuống Việt Nam; 58.220 lính Mỹ hi sinh và hơn 3 triệu quân và dân Việt Nam đã ngã xuống".
"Nhưng điều tồi tệ hơn là cả hai xã hội của chúng ta đều sống với những bóng ma, với ký ức và di sản. Với hậu quả chiến tranh".
Bà tâm sự, nỗi hoài nghi, sự đấu tranh, và những hậu quả khủng khiếp để lại, khiến bất cứ một người có lương tri nào của nước Mỹ đều phải đặt câu hỏi: "Tại sao lại đi gây chiến? Tại sao lại cần chiến tranh? Những giá trị nào mang lại có thể lớn lao bằng sự an bình của một quốc gia và sự lành lặn của thể xác con người?"
Đó cũng là điều làm cho bà nhìn lại: nước Mỹ của bà có nhân văn và dân chủ thực sự không, trong những điều đó?
"Sẽ cùng nạn nhân Dioxin đòi công bằng"
Trong cuộc trò chuyện với sinh viên, bà Faust dành khá nhiều thời gian nhắc đến cuộc nội chiến Mỹ thế kỷ 19, cuộc chiến đã đi vào các công trình nghiên cứu lịch sử của bà.
Đây là cuộc chiến lôi kéo đến 3 triệu đàn ông Mỹ, và khoảng 750.000 người đã chết. Nhưng theo bà, điều đáng sợ là sau khi chết họ được gì, khi mà cách hành xử nhân văn sau đó, lại là một điều ám ảnh.
Cuộc nội chiến đã cảnh báo nước Mỹ về cách hành xử nhân văn khi mà tính mạng và thi thể con người bị coi rẻ. "Mọi giả định về nhân phẩm và nhân dạng bị xói mòn". "Đó là những sự sỉ nhục với những giá trị mà người Mỹ và loài người hướng tới" - bà nhấn mạnh.
"Hôm qua tôi có vinh dự được thăm nghĩa trang Ấp Bắc. Nó được hình thành một thế kỷ sau cuộc nội chiến của chúng tôi, ở nơi cách xa nửa vòng trái đất. Nghĩa trang này cũng thể hiện một nhu cầu nhân văn cấp bách vinh danh người chết và sự hy sinh của họ", bà liên hệ với các đối xử của Việt Nam, đối với những người đã ngã xuống trong chiến tranh.
Trước câu hỏi của Trí thức Trẻ về thái độ của bà và của những người Mỹ có lương tri về vụ kiện của các nạn nhân Dioxin Việt Nam với Mỹ, bà cho rằng, "chúng tôi ủng hộ vụ kiện đó của các nạn nhân và sự ủng hộ đó vẫn đang tiếp diễn".
"Tôi đã liệt kê con số chất độc rải xuống Việt Nam. Tôi đã từng xuống đường biểu tình phản đối sự tàn bạo đó. Và bây giờ, tôi vẫn tiếp tục cùng các bạn để đòi công bằng", bà Faust cho biết.
Hiện có 16 sinh viên Việt Nam học tại Harvard
Trong cuộc trao đổi với báo chí phía sau cuộc diễn thuyết với sinh viên, Hiệu trưởng Faust cho biết, hiện có 16 sinh viên có quốc tịch Việt Nam đang học tại các trường đại học của Harvard.
Tới đây, Harvard cùng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM sẽ có những hợp tác đào tạo những học giả ở các lĩnh vực khác nhau, nghiên cứu những lĩnh vực liên quan đến Việt Nam, theo lời của và Faust.
"Sinh viên của Việt Nam sẽ được cấp học bổng theo nhu cầu tài chính và sự bình đẳng như sinh viên Mỹ. Chúng ta sẽ cùng đào tạo ra con người như thế nào, chứ không phải họ từ đâu đến", bà Faust nói.