Hiệu trưởng cần đào tạo lại, tránh người không đủ tư cách làm nhà giáo

BÍCH HÀ |

Chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần xây dựng công cụ đánh giá đạo đức giáo viên và chương trình đào tạo hiệu trưởng, tránh để lọt những người không đủ tư cách đứng trong hàng ngũ nhà giáo.

"Điểm nóng" đạo đức giáo viên

Người mà học sinh gọi là “thầy hiệu trưởng” ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn (Phú Thọ) đã bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi dâm ô với trẻ em . Trước đó, vụ việc giáo viên phạt học sinh 231 cái tát ở Quảng Bình cũng đã bị khởi tố để điều tra, làm rõ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, những câu chuyện đau lòng xảy ra trong các trường học liên quan đến đạo đức nhà giáo đã khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Dù những câu chuyện trên chỉ là cá biệt, nhưng đủ khiến dư luận phẫn nộ và ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin xã hội dành cho nghề giáo.

Bởi khó ai có thể tưởng tượng môi trường giáo dục lại chính là nơi các em học sinh trở thành nạn nhân của những vụ bạo hành, xâm hại tình dục từ chính những người thầy của mình.

Từ những “điểm nóng” liên quan đến đạo đức giáo viên xảy ra thời gian qua, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) - cho rằng, lỗi trước hết ở giáo viên còn có tư tưởng bảo thủ, nghĩ không ai hơn mình, mình sinh ra để dạy bảo mọi người, nên sử dụng bạo lực, quyền uy với học sinh.

Hiệu trưởng cần đào tạo lại, tránh người không đủ tư cách làm nhà giáo - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hòa: "Tôi rất lo khi khen học sinh biết vâng lời"

Lỗi thứ hai là do quá trình tuyển chọn giáo viên, hiệu trưởng chưa chú trọng đến vấn đề đạo đức, để “lọt” những người không đủ tư cách.

Lỗi thứ ba là lâu nay người lớn dạy học sinh chỉ biết vâng lời. “Cách giáo dục học sinh chỉ biết vâng lời, chấp hành kỷ luật nhất thiết phải thay đổi. Chúng ta phải dạy con người có sáng tạo, biết phản biện, biết lên tiếng trước điều sai trái”- ông Hòa chia sẻ.

Cần có công cụ đánh giá đạo đức

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Sơn – Trưởng khoa Tâm lý giáo dục (Đại học Sư phạm Hà Nội), để giải quyết “điểm nóng” đạo đức giáo viên cần bắt đầu từ việc “kiểm soát” đầu vào - tức là vấn đề tuyển sinh ở các trường sư phạm.

Ông Sơn nêu thực tế, hiện nay các trường sư phạm tuyển sinh chủ yếu dựa vào điểm số, mà chưa có cách thức để kiểm tra thí sinh có định hướng nghề nghiệp đúng không, có phẩm chất đạo đức phù hợp với nghề giáo hay không?

Hiệu trưởng cần đào tạo lại, tránh người không đủ tư cách làm nhà giáo - Ảnh 2.

PGS-TS Nguyễn Đức Sơn.

“Tôi nghĩ trong đề án tuyển sinh của trường sư phạm nên có thêm kênh, công cụ về mặt tâm lý để tìm kiếm những sinh viên yêu nghề thật sự, đánh giá đạo đức những người sẽ đào tạo để trở thành giáo viên trong tương lai.

Trong đó có các quy định yêu cầu về thái độ, phẩm chất nghề giáo”- PGS-TS Nguyễn Đức Sơn kiến nghị.

Cũng theo chuyên gia tâm lý giáo dục này, hiện nhiều nước trên thế giới đã yêu cầu sinh viên sư phạm phải làm những bài luận để “đo” sự yêu nghề.

Việt Nam có thể học tập cách làm này. Hoặc có những trắc nghiệm tâm lý để sàng lọc, ngăn chặn tối đa những người không phù hợp với nghề giáo có cơ hội làm nghề, tránh ảnh hưởng đến cả một thế hệ.

Trước hết cần đào tạo lại hiệu trưởng

Cũng đồng tình với quan điểm trên, nhưng ông Nguyễn Văn Hòa cho rằng ngành giáo dục cần quan tâm cả đến vấn đề đào tạo lại giáo viên, để thầy cô “vững về tâm lý” và “chuẩn về đạo đức”.

Ngoài ra, các trường sư phạm cần có chương trình đào tạo lại hiệu trưởng, bởi hiệu trưởng chính là người tạo ra những chuyển biến, làm thay đổi giáo viên và học sinh. Nếu hiệu trưởng không “chuẩn”, vi phạm đạo đức sẽ gây ra hệ lụy lớn.

Từ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hòa đề xuất: "Hiệu trưởng phải là thầy chứ không phải anh, chị hiệu trưởng. Họ phải hơn giáo viên một cái đầu, có tư cách đạo đức. Bộ GDĐT phải chủ trì đào tạo lại hiệu trưởng các nhà trường.

Nếu việc này được làm tốt, thì chính đội ngũ hiệu trưởng sẽ là người giúp cho Sở, cho Bộ trưởng làm chuyển biến giáo viên” .

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại