LTS: Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế từ sau Đổi mới đến nay, Việt Nam đã xây dựng được không ít thương hiệu in đậm trong tâm trí người dân suốt hàng thập kỷ qua. Sau bao thăng trầm, cho đến ngày nay, những tên tuổi đó vẫn đang tiếp tục phát triển nhờ không ngừng đổi mới, sáng tạo. Những doanh nghiệp, doanh nhân đời đầu này đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế, khẳng định vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Họ cũng chính là bài học để lớp kế cận noi theo, nhằm hướng đến xây dựng một Việt Nam hùng cường trên trường quốc tế.
Nhadautu.vn xin giới thiệu đến độc giả chuỗi bài viết về những doanh nghiệp đã xây dựng và phát huy thương hiệu "made in Việt Nam" lâu năm, vẫn giữ được sự nhiệt huyết, sức sống, không ngừng sáng tạo, phát triển, đóng góp giá trị lớn cho cộng đồng, xã hội.
Bài 1: Hiệu quả như Phích nước Rạng Đông
Những năm thập niên 60, chiếc phích nước Rạng Đông là đồ dùng quen thuộc trong mỗi gia đình Việt, đặc biệt là miền Bắc để trữ nước ấm sử dụng dần trong ngày. Đó còn là món quà cưới giá trị mà anh em bạn bè hay tặng những đôi vợ chồng mới cưới.
Phích nước Rạng Đông là sản phẩm "made in Việt Nam" được sản xuất bởi Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông – 1 trong 13 nhà máy đầu tiên được lựa chọn xây dựng, đặt nền móng cho nền công nghiệp nhẹ Việt Nam thời kỳ khôi phục kinh tế đầu những năm 1960.
Từ những sản phẩm đầu tiên bóng đèn tròn và phích nước, trải qua hành trình hơn 60 năm, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã: RAL) đã liên tục cải tiến, biến tấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu cũng như thị hiếu thay đổi theo thời gian của người tiêu dùng.
Với sản phẩm phích nước, doanh nghiệp đã tung ra nhiều sản phẩm tiện dụng hơn như phích cầm tay, phích trà, bình đựng nước, bình ủ, ấm siêu tốc… Với thiết bị chiếu sáng, doanh nghiệp từng bước chuyển đổi từ bóng đèn huỳnh quang, compact sang đèn led tiết kiệm điện, đèn bàn học bảo vệ thị lực, đèn led chiếu pha, đèn năng lượng mặt trời, thiết bị điện, nhà thông minh…
Bắt đầu từ năm 2016, Bóng đèn Phích nước Rạng Đông bước vào giai đoạn mới, chuyển đổi từ công ty công nghệ sang công nghệ cao. Công ty cung cấp hệ thống giải pháp dựa trên công nghệ lõi là chiếu sáng và IoT (internet of thing), kiến tạo nên ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp chính xác.
Đến năm 2020, không nằm ngoài làn sóng, công ty cũng tiến hành chuyển đổi số với chiến lược chuyển đổi số công ty giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030, thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ số. Rạng Đông đặt mục tiêu đến 2025 trở thành doanh nghiệp công nghệ cao dẫn đầu thị trường chiếu sáng tại Việt Nam, cung cấp hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ 4.0.
Hiện nay, báo cáo của Rạng Đông cho biết năng lực sản xuất đã đạt 100 triệu sản phẩm led, 5 triệu sản phẩm đèn bàn và thiết bị chiếu sáng, 32 triệu sản phẩm phích và ruột phích mỗi năm. Đồng thời, điểm đặc biệt là Rạng Đông có thể đáp ứng mọi đơn hàng lớn với thời gian giao hàng, chất lượng tốt nhất và "may đo" sản phẩm theo từng yêu cầu cá biệt của khách hàng.
Hệ thống phân phối phủ khắp 63 tỉnh thành với 23.000 điểm bán trong nước. Bên cạnh đó, sau hơn 20 năm vươn mình ra biển lớn, công ty đã xuất khẩu sản phẩm tới 47 quốc gia, vùng lãnh thổ, tỷ trọng đóng góp trong doanh thu đạt 8% vào 2022.
Vốn bé hạt tiêu nhưng hiệu quả thuộc tốp đầu sàn chứng khoán
Bóng đèn Phích nước Rạng Đông niêm yết cổ phiếu tại HoSE vào 2006 với vốn gần 80 tỷ đồng. Hiện nay, vốn doanh nghiệp tăng lên 235 tỷ đồng, tức chỉ gấp 3 lần sau 17 năm. Doanh nghiệp tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu ESOP và chào bán theo tỷ lệ 12:11 với giá 93.000 đồng/cp cho cổ đông thực hiện vào cuối 2021 đầu 2022. Quy mô vốn Rạng Đông nhìn chung vẫn khá nhỏ giữa hàng trăm đơn vị vốn nghìn tỷ trên sàn.
Chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng chính là những người lao động khi mà công đoàn công ty nắm tới 40,5% vốn. Rạng Đông cho biết ngay từ khi cổ phần hóa, 96% người lao động được mua cổ phiếu, chiếm 43% cổ phần. Người có nhiều đóng góp và quyền lực nhất tại công ty là ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng giám đốc năm nay đã 80 tuổi. Ông Thăng gần như trọn đời gắn bó với Rạng Đông khi gia nhập từ năm 21 tuổi với vị trí kỹ sư, trưởng nhóm thiết kế. Ông có thời gian dài làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc nhưng năm 2017 rút khỏi vị trí Chủ tịch theo quy định.
Tuy vốn điều lệ nhỏ nhưng quy mô tài sản của Rạng Đông tới cuối tháng 9/2023 lên đến 7.574 tỷ đồng, tập trung vào khoản phải thu và hàng tồn kho; Vốn chủ sở hữu ghi nhận 2.780 tỷ đồng, riêng thặng dư vốn cổ phần 1.077 tỷ đồng (chủ yếu có được từ đợt tăng vốn cuối 2021). Doanh nghiệp gần như không vay nợ dài hạn nhưng vay nợ ngắn hạn 3.168 tỷ đồng.
Xét về hiệu quả kinh doanh, giai đoạn 2012 – 2022, doanh thu Rạng Đông tăng liên tục từ 2.054 tỷ đồng lên 6.909 tỷ đồng. Tốc độ tăng doanh thu 2015 – 2019 đạt 8% - 10%, từ 2019 – 2022 đạt 15% - 20%. Doanh nghiệp kỳ vọng giai đoạn 2023 – 2025 sẽ thiết lập mặt bằng tăng trưởng doanh thu mới 25% - 30%.
Cùng với doanh thu, lợi nhuận ròng tăng từ 74 tỷ đồng năm 2012 lên 214 tỷ đồng 2017 và chững lại trong 2 năm 2018 – 2019. Song, qua năm 2020, doanh nghiệp thiết lập mặt bằng lợi nhuận mới 300 – 500 tỷ đồng. EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) giai đoạn này cũng ghi nhận trên 25.000 đồng/cp.
9 tháng đầu năm 2023, bất chấp bối cảnh kinh tế khó khăn, Rạng Đông vẫn ghi nhận doanh thu tăng 20% lên 4.942 tỷ đồng, lãi ròng tăng 41% lên 390 tỷ đồng. EPS đạt 16.552 đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước và đứng thứ 2 xét trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM.
Rạng Đông lý giải kết quả này nhờ áp dụng quá trình chuyển đổi số thông qua xây dựng nền sản xuất thông minh, tự động hóa vào quá trình sản xuất mà các nguồn lực được tối ưu, năng suất tăng lên gấp rưỡi. Trước đây, trong 1 tháng, số lượng đèn led sản xuất ra được 5 triệu sản phẩm thì hiện nay lên tới 7 triệu sản phẩm.
Mặt khác, nhắc đến Rạng Đông không thể không nói đến khoản cổ tức tiền mặt khủng chi trả hàng năm. Năm đầu lên sàn chứng khoán, công ty trả cổ tức tỷ lệ 18% nhưng sau đó tăng dần lên 20%, 30% và từ năm 2017 đến nay duy trì ở mức 50%, ổn định và cao bậc nhất sàn chứng khoán.