Trước khi khởi nghiệp ở tuổi 40, Trần Chí Hiếu có nhiều năm phát triển các cộng đồng trên mạng Internet. Từng có nick khá nổi là hailua return ở thời kỳ Internet còn chưa phát triển trên cộng đồng Trí tuệ Việt Nam online, đến thời yahoo blog, "cư dân mạng" này đổi thành Hiếu Orion. Và nick name này cũng gắn với Trần Chí Hiếu khi chuyển qua facebook.
Giải thích về cái tên này, Hiếu cho biết: "Đó là tên ban nhạc thời sinh viên mà mình là một thành viên". Về ý nghĩa, Orion là chòm sao thần bí nhất trên bầu trời và tên của một nhân vật giỏi săn bắn trong thần thoại Hy Lạp; nó cũng là tên một bản hòa tấu không lời rất hay của ban nhạc rock Metallica.
Sau nhiều năm làm đồ họa, rồi chuyển sang truyền thông nội bộ ở công ty FPT, Hiếu nghỉ việc ở nhà 3 năm. Trong thời gian đó, Hiếu ở nhà dạy và bán đàn guitar, phát triển phong trào du ca, cộng đồng hocdan.com… Đó là khoảng thời gian tự do và thoải mái giúp Hiếu trở thành một hotfacebooker với nick Hiếu Orion, đồng thời vẫn tiếp tục nghiên cứu về truyền thông trên mạng xã hội.
Trong thời gian đó, Hiếu cũng hỗ trợ tư vấn truyền thông cho một số doanh nghiệp và tích lũy được những kinh nghiệm quý giá trong thời gian facebook mới phát triển ở Việt Nam. Đây cũng là cơ hội giúp Hiếu được Tập đoàn Vingroup mời về làm việc năm 2014.
Thế nhưng, chỉ sau 3 ngày làm việc tại Vingroup với vị trí Giám đốc thương hiệu Adayroi, Hiếu xin nghỉ việc vì cảm thấy "sốc" vì cách thức làm việc kỷ luật hơn quân đội tại đây.
Sau khi nghỉ việc lần thứ nhất tại Vingroup, Hiếu được mời trở lại làm việc. Người đã khiến Hiếu Orion thay đổi quyết định là tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Sau khi gặp Chủ tịch Vingroup, Hiếu quay lại làm việc tại Adayroi với tâm thế khác "một nghệ sĩ lần đầu tiên thích ứng với kỷ luật thép".
Thực tế, Hiếu không phải là nghệ sĩ nhưng lúc đó lại có máu "nghệ sĩ nửa mùa" do nhiều năm làm quen với các văn nghệ sĩ tại Trúc Viên quán (vốn là biệt thự của gia đình) trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội (ông nội Hiếu là Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương).
"Khi tôi còn nhỏ (khoảng năm 1985-1990), rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam như Hoàng Cầm, Chế Lan Viên, Nguyễn Khắc Viện… rất hay đến Trúc Viên quán để giao lưu, uống rượu, ngâm thơ, đánh đàn, vẽ, hát… Khi đó, cứ đi học về bố lại bảo tôi ra rót rượu hay trà cho các bác, các chú. Giao tiếp nhiều với họ, tôi ngấm dần và thích nhiều môn nghệ thuật từ thời đó", Hiếu Orion tâm sự về máu "nghệ sĩ nửa mùa" của mình. Sau này, Hiếu cũng có thể vẽ tốt, đánh đàn và hát tốt, thậm chí trở thành thành viên ban nhạc sinh viên và có thể dạy và bán đàn guitar để kiếm sống.
Tuy nhiên, môn mà Hiếu yêu thích nhất khi đi làm là nghiên cứu về Viral Content – sản xuất các nội dung có thể lan tỏa như những con virus. Một trong những sản phẩm đầu tay thử nghiệm là một bản nhạc chế "Hà Nội mùa này phố cũng như sông" (từ bài Hà Nội mùa vắng những cơn mưa của nhạc sĩ Trương Quý Hải), được phóng tác đúng dịp Hà Nội ngập lụt. Lúc đó, Hiếu đang làm việc tại FPT.
Làm việc tại Vingroup được hơn 3 năm, anh tâm sự: "Giờ tôi phát hiện ra, không phải kỷ luật làm thui chột sức sáng tạo mà chính kỷ luật mới là yếu tố quan trọng bậc nhất của sáng tạo".
Cựu giám đốc thương hiệu Adayroi nhận xét: "Bạn có thể ngủ lê ngủ lết, rồi chợt nghĩ ra 1 ý tưởng hay? Vẫn có! Nhưng để ngày nào cũng phải nghĩ ra 3 ý tưởng hay, bạn phải thay đổi". Và Hiếu dẫn một ví dụ khác, một chuyện nhìn bên ngoài có vẻ rất tự do, tùy hứng là đi phượt. Trong những chuyến phượt, những người không tuân theo kỷ luật của đoàn, tách đoàn tùy ý sẽ rất dễ gặp tai nạn, thậm chí tử vong.
Tại Vingroup, đội của Hiếu cũng toàn những chuyên gia mạng xã hội với phong cách rất "tự do" như Nhật Anh, Hiểu Râu… Nhưng Hiếu và cả team đã chứng minh được rằng không nhất thiết là người sáng tạo cứ phải vô kỷ luật.
Giải thích thêm về team của mình, chuyên gia về mạng xã hội này chia sẻ: "Những nghệ sĩ đích thực là những người tuân thủ kỷ luật cực kỳ nghiêm ngặt chứ không tư duy tùy hứng. Họ sáng tác một bản trường ca hay bài hát, đoạn nhạc quảng cáo cho một ông bán hàng nước mắm đều có cùng độ nghiêm túc như nhau. Kỷ luật giúp những thú chơi bình thường trở thành chuyên nghiệp và hoàn hảo".
Người sáng lập Orion Media – công ty sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, cho biết, công ty này tăng từ 10 lên 100 người chỉ trong 6 tháng mà không gặp nhiều vấn đề cũng nhờ kỷ luật thép. "Chúng tôi đến đúng giờ và check vân tay mỗi ngày. Ban đầu, nhiều người hơi sốc, nhưng dần dần cũng quen. Họ tự nhận ra rằng kỷ luật trách nhiệm là thứ công việc này cần để mang lại hiệu quả cao hơn", Hiếu khẳng định.
Ngoài kỷ luật, Hiếu chia sẻ thêm 3 bài học từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng mà anh tâm đắc trong thời gian làm việc tại Vingroup. Thứ nhất là đơn giản và hệ thống hóa mọi thứ, để tìm ra cốt lõi của sự việc. Điều này sẽ giúp cho Vingroup trưởng thành qua từng dự án, từng thất bại.
Thứ hai là dám chấp nhận rủi ro. "Trong 3 năm làm ở ‘Vin’, tôi chứng kiến nhiều thứ ‘mở ra’ và ‘đóng lại’, nhiều người ra đi, hàng triệu đô lãng phí… nhưng anh Vượng vẫn kệ: Chấp nhận sai và sửa!", cựu nhân viên Vingroup tiết lộ và bình luận thêm: "Cách làm đó của anh Vượng mặc dù sẽ bị thiệt thòi, nhưng giúp không bỏ sót ý tưởng tốt, bỏ sót người giỏi".
Bài học thứ ba được rút ra là sự tin tưởng và linh hoạt. Hiếu tiết lộ: "Xung quanh anh Vượng có một đội ngũ ‘thuần Việt’ thực sự trung thành. Họ lĩnh lương cao ngất ngưởng vì anh Vượng không tiếc. Không có người nước ngoài – không phải vì nước ngoài không giỏi, mà vì để một tập đoàn lao lên quy mô theo cấp số nhân, thì ngoài năng lực còn phải có đủ yếu tố linh hoạt". Giải thích thêm về điều này, Hiếu nói: "Với một đất nước có nhiều cá tính như người Việt, thì sự linh hoạt đậm chất Việt mới giúp thành công".
Sau 3 năm làm việc tại Vingroup, Hiếu quyết định nghỉ việc để làm startup chuyên sản xuất các nội dung sáng tạo dành cho mạng xã hội: Orion Media. Hotfacebooker này khởi nghiệp với khoảng 10 anh em, một vài người cùng làm tại Vingroup trước đó.
Nhờ việc có được các hợp đồng tư vấn, sản xuất nội dung từ trước (thời vẫn còn làm Vingroup), Orion Media có lãi ngay từ tháng đầu tiên và nhanh chóng mở rộng hoạt động, tuyển thêm hơn 100 người chỉ trong vòng 8 tháng. Hiếu cho biết, Orion Media là một công ty chuyên sản xuất nội dung cho mạng xã hội nên đặc thù không giống các công ty truyền thông khác.
"Với một công ty nội dung mạng xã hội, việc ra được ý tưởng đã khó, và sau đó biến từ ý tưởng ra sản phẩm còn khó hơn rất nhiều. Nhưng chưa hết, khi ra được sản phẩm, việc phân phối để tạo ra hiệu quả trên môi trường mạng xã hội lại quyết định tới 50% thành công của 1 chiến dịch – khác với việc làm ra 1 TVC rồi phát đâu thì phát", Hiếu phân tích.
Ngoài ra, với social media, startup của Hiếu còn tự thực hiện phân phối nội dung với kênh riêng. "Đó là việc giải quyết quyết bài toán đưa lên đâu, thời điểm nào, ai đưa lên… để biến nó thành con virus lan tỏa trên mạng xã hội", hotfacebooker này tiết lộ.
Chính vì phải xây dựng một quy trình khép kín từ sáng tạo – sản xuất – phân phối – quản trị cho các nội dung social media mà nhân sự của Orion Media liên tục tăng và đạt quy mô tới gần 150 người chỉ sau hơn 8 tháng hoạt động. Hiếu cho biết, anh có mục tiêu xây dựng một công ty sáng tạo nội dung trên mạng xã hội lớn nhất Việt Nam, với một hệ sinh thái hoàn chỉnh chứ không gói gọn ở một hay hai công đoạn. "Điều này giúp chúng tôi đảm bảo chất lượng cũng như sự thành công của các chương trình", anh nói.
Một người bạn của Hiếu tiết lộ, Orion Media tự xây dựng hệ thống KOLs (Key Opinion Leader) của riêng mình để đảm bảo khả năng phân phối nội dung đúng đối tượng theo từng phân khúc khác nhau nhưng ở dạng viral tự nhiên. Và công ty này đang triển khai một hệ thống Micro Influencer - những người hoạt động bình thường trên facebook, họ sẽ lan tỏa sản phẩm một cách tự nhiên và đôi khi hiệu quả hơn rất nhiều các KOLs nổi tiếng.
"Điều này không chỉ giúp cho việc viral nội dung tốt mà có tác dụng trong việc xử lý khủng hoảng, đưa đến cho Hiếu sự chủ động, khả năng kiểm soát trong nhiều trường hợp. Đây cũng là điều mà các công ty truyền thông kiểu truyền thống chưa làm được", người bạn này tiết lộ.
Mặc dù mới ra đời chưa lâu nhưng Orion Media đã có nhiều khách hàng là những thương hiệu đình đám mà đầu tiên là công ty mà Hiếu là cựu nhân viên: Vingroup. Nhiều thương hiệu bất động sản lớn, công ty trong ngành F&B, dược phẩm, game online, và những sản phẩm không được phép quảng cáo trên các phương tiện truyền thông chính thức… đã có mặt trong danh sách của startup này.
Trước khi Hiếu chính thức rời Vingroup, Orion Media đã được thành lập và triển khai một chương trình truyền thông trên facebook vào dịp Tết năm 2016. Sau đó, theo đánh giá của Younet Media, chiến dịch này được bình chọn là một trong 3 chiến dịch thành công nhất trên mạng xã hội dịp Tết.
Người sáng lập Orion Media chia sẻ, điều đặc biệt là công ty chưa có bộ phận bán hàng chính thức vì từ khi thành lập, các thương hiệu chủ động liên hệ và việc mở rộng nhanh chóng là để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. "Khi làm ở Vingroup, tôi phát hiện ra rằng, nếu mình tạo ra được các sản phẩm, dịch vụ đúng với nhu cầu đang rất cần của khách hàng mà chưa có ai thoả mãn thì mình gần như không cần đi chào bán", Hiếu tâm sự.
Tại Orion Media, ngoài Hiếu, nhiều sáng lập viên khác cũng là những hotfacebooker đình đám như Tuấn Tiền Tỉ, nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch, nhà văn Đinh Văn Long (Võ Tòng), Bùi Nhật Anh… Cũng nhờ lãnh đạo chủ chốt đều là KOLs đồng thời nghiên cứu về facebook ở các lĩnh vực khác nhau, công ty của Hiếu trở thành đơn vị hiếm hoi ở Việt Nam quy tụ nhiều nhân vật "có số có má" về social media.
Trước khi vòng chung kết giải bóng U23 châu Á diễn ra tại Thường Châu, Trung Quốc, Orion Media đã từng tiếp cận và hỗ trợ các cầu thủ U23 như thủ môn Bùi Tiến Dũng. Thời điểm đó, Hiếu và một người bạn (có công ty về bóng đá tại Đức) chỉ muốn thành lập công ty để hỗ trợ cho các cầu thủ bóng đá nữ và một số cầu thủ trẻ thường bỏ qua cơ hội kiếm tiền từ mạng xã hội bởi họ không biết cách quản lý trang cá nhân của mình. Bên cạnh đó, bộ đôi này muốn làm một bộ phim về những câu chuyện phía sau hào quang của đời cầu thủ nữ.
Chia sẻ về ý tưởng làm đại diện quản lý trang cá nhân của cầu thủ, Hiếu nói: "Rất ít doanh nghiệp muốn đăng quảng cáo trên một trang facebook dù nhiều người theo dõi nhưng không được quản lý quy củ. Vì không giống với những ‘ngôi sao’ khác, các cầu thủ Việt Nam thường không có ý thức trong việc giữ gìn thương hiệu bản thân. Chúng tôi sẽ giúp cầu thủ có hình ảnh tốt với người hâm mộ, đảm bảo lượng tương tác và có thu nhập tốt từ đó".
Tuy nhiên, sau khi hỗ trợ xác thực tài khoản facebook (dấu tích xanh) cho một số cầu thủ U23 và công bố dự kiến làm đại diện cho thủ môn Bùi Tiến Dũng cũng như một số tuyển thủ khác, Hiếu Orion gặp rắc rối lớn. Ngay khi "bản báo giá nghìn đô của Bùi Tiến Dũng" lan truyền trên mạng, CLB FLC Thanh Hóa đã phản ứng dữ dội vì thủ môn này vẫn là cầu thủ trẻ, thuộc quyền quản lý của họ. Không ngăn cản Bùi Tiến Dũng làm quảng cáo nhưng FLC Thanh Hóa tuyên bố, mọi hợp đồng quảng cáo, sử dụng thương hiệu cầu thủ này đều phải được sự đồng ý của họ.
Phản ứng của CLB chỉ là một phần nhỏ của cơn bão nhắm vào Hiếu Orion khi hotfacebooker này bị cộng đồng mạng "ném đá" tơi bời vì là "thằng cơ hội". Đăng tải chính thức lời xin lỗi trên trang cá nhân và Hiếu từ bỏ thương vụ "tư vấn miễn phí" cho Bùi Tiến Dũng cũng như các cầu thủ U23 khác.
Chuyên gia truyền thông này chia sẻ: "Cơ hội có 2 góc nhìn: người biết tận dụng cơ hội và thằng cơ hội. Làm ‘người’ hay làm ‘thằng’ phụ thuộc vào góc nhìn và hậu quả với xã hội. Tôi đã vô tình thành ‘thằng cơ hội’ vì quá vội vã, ảnh hưởng tới những người khác!".
Khu văn phòng của Orion Media bên trong khuôn viên của Khách sạn Công đoàn (đường Tô Ngọc Vân, Hà Nội) rộng tới hơn 1.800 m2, với khoảng 500m2 đang được xây dựng làm khu đào tạo diễn viên. Công ty của Hiếu có nhiều phân khu cho các bộ phận về nội dung, studio, phòng thu âm, phòng livestream, phòng dựng phim… và cả khu sân vườn kiểu co-working space.
Trả lời câu hỏi: "Với một công ty về truyền thông chỉ mới ra đời hơn 8 tháng mà có quy mô tới hơn 100 người, và phải thuê một diện tích mặt sàn lớn nhất vậy thì có rủi ro quá không?", Hiếu nói "Việc đầu tư là căn cứ vào yêu cầu và nhu cầu tiềm năng của các khách hàng đang tăng rất nhanh. Nếu không, Orion Media sẽ không thể đáp ứng được các yêu cầu mới phát sinh cũng như các xu hướng mới xuất hiện trên thị trường".
Bên cạnh đó, Hiếu đã khởi động chiến dịch làm seri phim về cuộc sống cầu thủ nhưng không chỉ là bóng đá nữ mà có cả bóng đá trẻ nam mà như Hiếu tiết lộ "có thể là phim chiếu rạp". Chuyên gia truyền thông này cho biết, hiện chưa có nhà tài trợ cho phim nhưng kể cả khi không có ai tài trợ thì Orion Media vẫn thực hiện và phát trên các kênh Youtube của mình như Trắng TV, Loa Phường...
Mặc dù Hiếu khẳng định "chúng tôi vẫn sống khỏe!" nhưng nhìn vào mức độ tăng trưởng quá nhanh về nhân sự cũng như diện tích thuê văn phòng của Orion Media, lãnh đạo một công ty truyền thông ở Hà Nội nhận xét: "Hiếu đang phải chịu sức ép rất lớn cả về chi phí vận hành hàng tháng cũng như phải có đủ số lượng khách hàng mới cho các khoản đầu tư đón đầu của mình".
Bên cạnh sức ép của việc tăng trưởng nhanh, bản thân Hiếu Orion cũng có một rủi ro khác gây ra bởi chính sự nổi tiếng anh trên mạng xã hội. Hiếu cho biết: "Hầu hết các hot facebooker nổi ở Việt Nam đều có những người không ưa mình. Cư dân mạng ở Việt Nam luôn có nửa này, nửa kia; nên khi đưa ra quan điểm bao giờ cũng bị một nửa nào đó tấn công, và đã là người nổi tiếng thì phải biết sống chung với điều đó".
Tuy nhiên, Hiếu cho rằng: "Cũng giống như việc đầu tư trước nội dung sáng tạo dành cho cộng đồng, nếu như mình không dám làm thì cũng chẳng có gì dù có thể đó là một canh bạc. Hơn nữa, nếu không làm thì mục tiêu trở thành công ty sáng tạo nội dung lớn nhất Việt Nam trên mạng xã hội không biết bao giờ mới thành hiện thực".