Trong nhiều thế kỷ, Giáo hội La Mã tin rằng, những giáo dân với đức tin mãnh liệt và thuần khiết sẽ có cơ thể chống lại thời gian, chống lại sự phân hủy tự nhiên trong mộ phần của mình. Họ được cho là những "thi thể bất hoại".
"Thi thể bất hoại" có nghĩa là dù ở bất kỳ điều kiện thời tiết nào, cơ thể không thể bị thối rữa hay phân hủy. Nhiều người tin rằng chỉ ai có lòng thánh thiện, cao cả mới đủ khả năng, phẩm hạnh để sở hữu được một "thi thể bất hoại".
Hiện nhiều nhà thờ trên thế giới đang trưng bày những “thi thể bất hoại”. Tuy một số thi thể đã bắt đầu phân hủy nhưng một số vẫn được bảo quản khá tốt sau hàng thế kỷ.
Từ thuở xa xưa, loài người đã có một số phương pháp bảo quản cơ thể người chết, nhưng có lẽ nổi bật nhất là thuật ướp xác của người Ai Cập. Các cơ quan nội tạng sẽ được rút hết ra ngoài cơ thể, sau đó được “nhồi” bằng các loại dược thảo thiên nhiên nhằm chống lại sự phân hủy.
Sau đó, thi thể sẽ được “ướp” trong dầu và cuối cùng được cuốn trong vải lanh. Gần như chỉ có những người trong hoàng tộc mới được ướp xác. Ngày nay, những xác ướp hoàng gia vẫn được bảo quản khá tốt sau hàng ngàn năm và có mặt ở rất nhiều nơi trên thế giới.
Thi thể Thánh Bernadette.
Theo khoa học, thông thường, những xác ướp được tìm thấy thường trong tình trạng “thạch hóa” nhưng những “thi thể bất hoại” lại khá... mềm.
Tuy những xác chết này ở trong điều kiện thông thường và không có dấu hiệu ướp xác nhưng làn da vẫn có sự đàn hồi, dù đã trải qua hàng chục, hàng trăm năm. Trông họ chỉ giống như đang ngủ hoặc mới chết mà thôi.
Kỳ lạ hơn, những xác chết chôn gần đó vẫn trải qua quá trình phân hủy bình thường, thậm chí với tốc độ rất nhanh.
Một trong những trường hợp “bất hoại” nổi tiếng nhất có thể kể đến là Thánh nữ Bernadette, ra đi ở tuổi 35, nhưng đã rất nổi tiếng trong giáo dân vì đã được diện kiến “Đức Mẹ Maria”.
Thánh Bernadette mất vào năm 1879 và được khai quật vào năm 1909, tuy nhiên, thi thể của Thánh nữ không hề phân hủy. Sau đó, Thánh Bernadette được chôn trở lại và đào lên năm 1923.
Sau lần khai quật mộ thứ 3, thi thể của Thánh nữ đã được giải phẫu và phát hiện ra ngay cả cơ quan nội tạng cũng còn nguyên vẹn và khá mềm, dễ uốn. Hai bàn tay và khuôn mặt của Thánh Bernadette trông vẫn rất sống động, nhưng đó là do đã được bọc sáp. Bên dưới lớp sáp, lớp da đã hóa nâu.
Hiện tượng thi thể bất hoại không chỉ được ghi nhận trong Thiên chúa giáo, mà còn xuất hiện nhiều đạo khác như Phật giáo, Hindu. Mộ đại sư Itigelove (1852-1927, Siberia, Liên bang Nga) được khai quật năm 2002 đã gây kinh ngạc.
Nhục thân của ông liệm trong lớp vải lụa, quàn trong một quan tài bằng gỗ tuyết tùng, chôn dưới huyệt mộ. Khi khai quật, thi thể của ông vẫn còn nguyên, da dẻ mịn màng, các khớp xương vẫn mềm mại có thể co duỗi được. Hiện nay, xác của ông đang được lưu giữ tại Ivogisky Datsan.
Phương pháp tự biến thành xác ướp mà không hề sử dụng bất cứ kỹ thuật nào được ghi nhận tại Nhật Bản với cái tên Sokushibutsu. Các nhà tu hành sẽ luyện chế độ ăn uống, tu hành đặc biệt.
Họ chọn ngày giờ để viên tịch và chỉ dẫn cách, nơi tống táng bản thân. Ở vùng Yamagata (Bắc Nhật Bản) có khoảng 16-24 xác “tự ướp” được tìm thấy.
Các tài liệu tôn giáo nhìn chung đều cho rằng hiện tượng các vị thánh, cao tăng đạt tới nhục thân bất hoại là do sức mạnh siêu nhiên, hoặc tu luyện đến độ gột rửa sạch mình đến mức cơ thể không thể bị phân hủy.
Hiện, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu hiện tượng này, nhưng theo một hướng khác. Một giả thiết được đưa ra là trong những điều kiện môi trường, vật chất khá đặc biệt (như nhiệt độ, độ ẩm, yếm khí), vi khuẩn bị tiêu diệt làm quá trình phân rã theo tự nhiên không thể thực hiện.
Cho đến nay, chưa có cơ sở nào để giải thích hiện tượng thi thể bất hoại. Hiện tượng này đang bị bao phủ bởi một bức màn kỳ ảo, và tất cả vẫn đang là giả thiết.
Tổng hợp