Nằm trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (Techfest 2019), Diễn đàn "Giải mã thất bại và mô hình khởi nghiệp thành công" đã quy tụ các nhà đầu tư của chương trình Thương vụ bạc tỷ qua 3 mùa.
Bên cạnh Shark Nguyễn Mạnh Dũng, giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Thái Lan và Việt Nam, shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT Intracom Group kiêm Chủ tịch HĐTV Tổ hợp Y tế Phương Đông, Shark Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch tập đoàn Cengroup, Chủ tịch CenInvest, Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech là những nhà đầu tư của Shark Tank mùa 3.
Diễn đàn lần này còn có sự góp mặt của bà Trương Lý Hoàng Phi, giám đốc Vintech City, shark mùa 2 và ông Trần Anh Vương, Chủ tịch HĐQT King invest, đơn vị đưa Shark Tank về Việt Nam.
Các shark đã cùng đúc rút ra các kinh nghiệm đầu tư sau 3 mùa Shark Tank và đưa ra lời khuyên cho các startup trong quá trình khởi nghiệp.
Dàn cá mập quy tụ tại Techfest 2019.
Đâu là những sai lầm các startup gặp phải?
Shark Phi: Lỗi chủ quan và lạc quan.
Shark Hưng: Rất nhiều sai lầm và chẳng sai lầm nào giống sai lầm nào. Sai lầm khởi nghiệp lần đầu mắc phải là rất lạc quan, nhưng nếu bi quan thì các bạn đã không khởi nghiệp. Vấn đề là các bạn đã quá lạc quan về năng lực hạn chế của mình, quá lạc quan về tình hình thị trường, nghĩ sản phẩm của mình chưa ai nghĩ ra chỉ mình mình có.
Sai lầm của startup là quá lạc quan về năng lực hạn chế của mình - Shark Hưng.
Shark Việt: Các startup Việt Nam rất dễ thương, nhưng thương không có dễ, vì các bạn có giấc mơ hoa rất đẹp, đã mơ thì mơ cho sang nên mơ quá lớn, hãy bắt đầu tư những việc đơn giản nhất, hãy chia sẻ cho nhà đầu tư những thứ mình nghĩ chứ đừng bắt NĐT chịu quá nhiều sức ép về tương lai của mình, hãy chia sẻ cả cơ hội và hiệu quả cho NĐT.
Shark Dzung: Startup bắt đầu từ con số 0, nếu không có tự tin nữa thì làm gì có gì, mình phải tự tin xây dựng lý tưởng đó là điều rất quan trọng.
Nhưng sai lầm lớn nhất của startup là tự tin thái quá dẫn đến việc không biết lắng nghe, không thay đổi. Do đó dẫn đến việc đi sai hướng khi quay lại thì những người khác đã đi quá xa rồi.
Thứ hai là hay dấu thông tin, thiếu sự minh bạch. Đa số startup chết vì hết tiền đó là lí do vì sao starutp phải ra ngoài đi huy động vốn, việc quản lý dòng tiền của các startup rất kém, họ đốt tiền hoặc tiêu vô tội vạ.
Tại một số công ty tôi đầu tư xong, nếu mình tham gia quá sâu dẫn đến startup nói anh kiểm soát quyền của em, nhưng nếu không check một số ngày sau quay lại thấy dòng tiền âm, mua thiết bị hoành tráng, đi hội thảo hoành tráng, mua vé máy bay hoành tráng.
Nếu đầu tư 300.000 – 500.000 USD bùng cái mất 50.000 USD vào cái vô bổ rồi trong khi việc phát triển sản phẩm, lấy feedback thị trường thì không thấy đâu.
Khi các bạn hết tiền rồi mới đi huy động vòng tiếp theo, khi đó NĐT nhìn vào startup bị bất lợi và không có khả năng huy động vốn, tôi nghĩ các bạn nên thực tế và quản lý dòng tiền cho tốt, ít nhất phải 6-12 tháng phải chuẩn bị sau khi hết tiền lấy từ đâu ra. Huy động vốn rất khó khăn ko dễ như các bạn nghĩ.
Shark Bình: Trên Shark Tank tôi thường xuyên nhắc đến từ "ngộ nhận", đó là startup làm concept có cũng được không có cũng được hoặc xã hội không cần, mắc sai lầm từ bụng ta suy ra bụng người. Mình làm cái này chắc xã hội cũng có nhu cầu, thiếu khâu nghiên cứu thị trường.
Thứ 2 là quản trị nội bộ cực kì tệ, đặc biệt là quản trị tài chính, tâm lý chung của các founder đó là rất coi thường vị trí của kế toán, coi thường các quy trình và nguyên tắc quản trị về dòng tiền. Điều này dẫn đến việc chi tiêu vô tội vạ nhưng ko ghi ghép.
Có những startup trình bày rất hay, nhưng khi vào xem nhìn sổ sách, không có chứng từ, thu chi toàn tiền mặt, vào nhìn sổ sách hay tra tài khoản ngân hàng không thấy đâu. Có những deal thậm chí nói chuyện xong thích lắm, nhưng phải nói anh sẽ giúp em setup hoàn toàn từ đầu, nếu đúng như những gì em nói thì anh mới đầu tư.
Điển hình đầu tư thất bại ở chuyện cổ dân gian Việt Nam là mua đàn vịt trời, dẫn shark đây là đàn vịt của em nhưng khi shark trả tiền rồi thì đàn vịt bay đi mất. Do đó startup hãy quan tâm việc kế toán chuẩn chỉnh ngay ngày hôm nay.
Shark Vương: Có một sai lầm của startup là chọn nhầm shark.
Các startup thường chào bán giá trị tương lai của mình, dẫn đến việc "ngáo giá". Vậy các shark định giá công ty như thế nào?
Shark Bình: Các shark ai cũng mua kiểu đầu cơ, tin tưởng 3-5 năm tới nghĩ rằng khoản đầu tư đó có khi đạt 5-10 lần, trên thế giới có những deal thành công 5000 lần, nghĩa là bỏ 1 triệu USD được 5 tỷ USD. Tương lai là điều kiện cần nhưng chưa đủ, vẽ tương lai hoành tráng nhưng hiện tại cho thấy chúng ta không đủ năng lực để thực hiện bánh vẽ đó thì nhà đầu tư sẽ nghi ngờ, thậm chí đi tìm ông khác có khả năng thực hiện tốt hơn.
Hiện tại thôi cũng chưa đủ nó còn là quá khứ nữa, nếu quá khứ startup lừa NĐT, quản trị yếu kém, thì hiện tại hoành tráng, tương lai tốt đẹp thế nào họ còn phải truy lại.
Tôi đưa ra công thức như thế này, lấy quá khứ cộng với hiện tại nhân với tương lai luỹ thừa hợp lực của bản thân statup đó vào.
Shark Hưng: Định giá một công ty phụ thuộc vào người định giá nhìn nhận như thế nào, đối với họ là trời đất nhưng với tôi chỉ là hạt cát, tuỳ góc nhìn, với anh có thể là bầu trời nhưng với tôi chỉ là vũng nước. Yếu tố cộng hưởng rất quan trọng, đi vào hệ sinh thái của shark này thì nó có giá trị.
Ví như cả chiếc ô tô còn thiếu 1 con ốc, thì con ốc đó có khi có giá trị bằng cả cái xe. Định giá phụ thuộc vào góc nhìn và ở đây không có góc nhìn chung. Ở góc độ tài chính, startup mang lại giá trị gì cho khách hàng, nhưng với nhà đầu tư phải mang lại sự tin cậy, tôi đưa tiền phải cảm thấy yên tâm, căn cứ định giá phụ thuộc yếu tố đó.
Shark Phi: Sự tin tưởng trong quá khứ sẽ quyết định tương lai như thế nào, việc định giá công ty khi rót vốn như thế nào do bản thân nhà đầu tư và startup tự nhìn nhận với nhau. Như vào siêu thị giá có thể cao nhưng nếu mình cần thì mình mua, nhưng cái cần, cái giá trị phải đi cùng sự tin tưởng nữa.
Trong quá trình đầu tư tôi cũng có nhiều deal thất bại, đôi khi Shark vẫn chọn nhầm startup. Chúng tôi nhầm những gì startup cung cấp là chính xác và chúng tôi chấp nhận mức giá của các bạn đưa ra. Cuối cùng chúng tôi phải trả giá cho bài toán của mình.
Shark Dzung: Lấy ví dụ việc định giá nói tương lai phụ thuộc vào khả năng dự án đấy thành công hay không, phụ thuộc phần lớn vào founder. Một doanh nghiệp đi tuyển dụng tại sao sẵn sàng trả tiền cho 1 ông công ty khác về, nếu họ có track record đã làm việc tại các tập đoàn lớn, các dự án lớn thì công ty vẫn có thể trả khoản bonus hàng triệu USD để gọi ông ấy về vì họ tin ông ấy làm được, đó là định giá vào con người đấy. Do đó các công ty công nghệ cũng định giá vào con người, vào team founder đặc biệt là CEO.
Tôi lấy một ví dụ về CEO của Line, một công ty ở Nhật, ngày đầu tiên đưa ra ý tưởng khởi nghiệp đã được các NĐT rót vào 10 triệu USD vào một công ty chưa có gì cả. Các NĐT đầu tư vào CEO của Line vì họ nghĩ ông ấy sẽ làm được và đầu tư vào tương lai của doanh nghiệp đấy, là uy tín của người làm.
Nếu bạn là một startup chưa từng thành công, nhà đầu tư dành rất nhiều thời gian gặp bạn vì họ chưa tin tưởng bạn, do đó phải kết hợp với nhiều yếu tố về dự án và các chỉ số của dự án. Còn nếu founder đã từng thành công, như founder của VNG nếu ra khởi nghiệp huy động vốn rất dễ.
Do đó phải xác định mình là ai, đã làm được gì chưa, chừng nào mình thành công thì việc chứng minh các con số mình làm được sẽ khiến việc định giá sẽ dễ dàng hơn. Kết luận lại vẫn là định giá tương lai, nhưng kết hợp với quá khứ và khả năng founder có làm được hay không.
Shark Việt: Để đánh giá một doanh nghiệp ngoài mô hình kinh doanh, thiết bị công nghệ, team làm việc bao gồm founder và người điều hành. Chúng ta phải xây dựng văn hoá kinh doanh lấy chữ tín làm đầu. Nếu mình che đậy, không chia sẻ với đối tác thành ra nói dối, nếu không trung thực thì sẽ rất khó làm.
Tốt nhất xây dựng văn hoá kinh doanh chuẩn, không luyến tiếc quá khứ, những quá khứ sai lầm không làm được cũng phải công khai để cùng xem xét đầu tư. Sau đấy không mơ tưởng quá nhiều về tương lai, trước mắt nhìn vào hiện tại những thứ ta có thể xây dựng được, và phối hợp với nhà đầu tư. Có những nhà đầu tư có kỹ năng về quản trị, đó là đứng trên vai người khổng lồ, ăn một phần nhỏ miếng bánh lớn có khi hơn miếng bánh nhỏ.
Nhiều startup hão huyền về định giá nên không gặp được người mua.