Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) vừa công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) lần thứ 15. Đây là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.
Chia sẻ với phóng viên VOV2, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia chính sách công của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), quản lý dự án PAPI cho biết, việc đánh giá PAPI dựa trên ba quá trình có tác động lẫn nhau, đó là: xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát việc cung ứng các dịch vụ công.
Chỉ số PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. Các chỉ số nội dung được phản ánh qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp với người dân.
Khảo sát PAPI năm 2023 đạt số lượng phỏng vấn trực tiếp ở mức kỷ lục là 19.536 người dân là cử tri trên phạm vi toàn quốc. So sánh kết quả khảo sát PAPI năm 2023 với năm 2021 và năm 2022 cho thấy, nhìn chung hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và hiệu quả quản trị điện tử được cải thiện phần nào.
Tuy nhiên ở một số lĩnh vực, kết quả khảo sát PAPI 2023 cũng cho thấy một số hành vi tham nhũng vẫn tồn tại trong khu vực công ở địa phương, tác động tiêu cực đến niềm tin của người dân. Đáng chú ý là số người cho rằng cần phải dựa vào "quan hệ", phải “lót tay” để có được việc làm trong cơ quan Nhà nước hay khi đi làm sổ đỏ, nhập viện vẫn khá phổ biến ở tất cả các tỉnh, thành phố, không kể địa phương giàu hay nghèo.
Một con số có thể nói là khá “sốc” đó là có tới hơn 36% người dân được hỏi đã cho biết phải đưa "lót tay" để xin được việc làm trong khu vực Nhà nước, tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi "lót tay" dao động từ 19-81% ở 61 tỉnh, thành phố (trừ tỉnh Quảng Ninh và Bình Dương không có số liệu).
Theo chia sẻ của bà Đỗ Thanh Huyền, đây cũng là những con số khiến nhóm khảo sát vô cùng băn khoăn. Mặc dù ở Việt Nam thời gian qua đã có những nỗ lực rất lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên mới chỉ đi vào giải quyết các vụ việc lớn, còn các hành vi tham nhũng vặt vẫn đang diễn ra khá phổ biến.
Căn nguyên của câu chuyện này trước hết là do công tác cải cách hành chính còn chậm và lúng túng; nạn giấy tờ, thủ tục còn rất phiền hà, bất hợp lý. Các chế độ kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức chưa rõ ràng, thiếu hiệu quả. Chế độ tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn thấp, chậm được cải cách.
Bên cạnh đó cũng phải thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân của thực trạng này một phần do chính tâm lý của người dân muốn làm cho nhanh, muốn được việc mình và đã tìm mọi cách để đạt được mục đích, trong đó có việc biếu xén, “lót tay” cho người thực thi công vụ.
Bà Đỗ Thanh Huyền cho rằng, từ những dữ liệu của PAPI 2023, Chương trình Phát triển liên hợp quốc tại Việt Nam cũng đưa ra một số khuyến nghị để ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt ở Việt Nam, cải thiện sự hài lòng của người dân đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Trước hết cần phải cử những người giám sát của Hội đồng nhân dân hay các đại biểu Quốc hội tới các bộ phận một cửa, đặc biệt là đối với các dịch vụ hành chính công hiện nay (nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến đất đai) để quan sát, thậm chí là kiểm tra đột xuất.
Bên cạnh đó một giải pháp nữa cũng rất quan trọng đó là đội ngũ cán bộ công chức cần phải được trả lương thỏa đáng hơn để tạo động lực cho họ làm việc đó một cách tâm huyết, trách nhiệm thay vì phải nhìn vào những khoản “lót tay” từ phía người dân.
Hy vọng trong thời gian tới, những dữ liệu từ Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) sẽ là những thông tin cần thiết và đáng tin cậy để thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền, từ đó đóng góp đáng kể vào quá trình đổi mới tư duy, hướng tới nền quản trị công hiện đại và cải thiện sự hài lòng của người dân.