Bí ẩn những "người vận chuyển" buôn lậu hàng trăm ống máu từ Trung Quốc sang Hồng Kông

Tất Đạt |

Theo một chuyên gia, mỗi ngày có tới hàng chục vụ "buôn lậu máu" vào Hồng Kông không bị phát giác.

Các nhân viên hải quan chặn một người phụ nữ trung niên vì dáng đi kì lạ của người này. Họ lục soát và phát hiện nhiều lọ ống nghiệm máu được giấu trên người phụ nữ, mỗi ống đều được dán nhãn tên người.

Được biết, người phụ nữ này bị giữ lại ở sảnh kiểm soát ở Phúc Điền - nơi tiếp giáp giữa thành phố Thâm Quyến với Hồng Kông.

Bốn ngày sau đó, cơ quan an ninh lại phát hiện một phụ nữ khác đeo một chiếc cặp nặng chứa đầy ống nghiệm có máu. Tổng cộng có 203 ống được bọc trong các túi nhựa. Vì nhiệt độ cao, máu đã bắt đầu phân hủy.

Sau khi điều tra, các sĩ quan Hồng Kông cho biết những người nói trên thừa nhận được trả từ 14 USD tới 42 USD để đem những ống nghiệm nói trên qua ranh giới giữa hai khu vực.

Đầu năm 2019, một nữ thiến niên 12 tuổi đã bị chặn lại tại cổng Luohu - một điểm tiếp giáp khác giữa Thâm Quyến và Hồng Kông - khi đem theo 142 mẫu máu trong cặp của mình. "Những học sinh đi qua khu vực hai bên thường không mang thứ gì ngoài sách vở, văn phòng phẩm và đồ ăn vặt, nên cặp sách thường rất gọn gàng. Nhưng chúng tôi thấy chiếc cặp này đựng quá tải và như sắp bung ra, vậy nên chúng tôi kiểm tra," một nhân viên an ninh nói.

Bí ẩn những người vận chuyển buôn lậu hàng trăm ống máu từ Trung Quốc sang Hồng Kông - Ảnh 1.

Trong 3 năm qua, tình trạng buôn lậu máu từ Trung Quốc sang Hồng Kông đã tăng cao. Theo CNN, những ống nghiệm máu này sẽ được gửi tới phòng thí nghiệm ở Hồng Kông để xét nghiệm giới tính thai nhi.

Nhu cầu biết giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng Trung Quốc rất cao nhưng đại lục đã nghiêm cấm việc tiết lộ và xét nghiệm giới tính. Vì vậy, Hồng Kông là lựa chọn hiệu quả nhất và được nhiều người lựa chọn.

Mặc dù hiện tại chính sách "Một con" đã được nới lỏng phần nào, nhưng nhiều gia đình Trung Quốc chỉ có đủ khả năng để nuôi 1 con. Vì chỉ sinh 1 con, nên họ rất mong muốn có con trai.

Ống nghiệm giấu trong thú bông

Với khao khát muốn biết giới tính của thai nhi, các bậc phụ huynh Trung Quốc bắt đầu tìm cách đưa mẫu máu sang Hồng Kông để xét nghiệm. Vô số các trung tâm môi giới đã giới thiệu dịch vụ này trên trang Weibo của Trung Quốc.

Trả lời CNN, một đại diện của công ty môi giới nói "các sản phụ có thể bắt đầu kiểm tra giới tính sau khi mang thai tuần thứ 6 hoặc thứ 7". Bên cạnh đó, cơ quan này nói chỉ cần cung cấp bản siêu âm chứng tỏ thai đã tới giai đoạn phù hợp để xét nghiệm.

"Sản phụ có thể tới bệnh viện hoặc yêu cầu y tá tới nhà để lấy mẫu máu," người đại diện nói.

Sau đó, mẫu máu sẽ được nhồi vào bên trong thú bông hoặc kẹp trong các thùng đồ ăn vặt để tránh bị nhận diện và gửi tới Hồng Kông thông qua dịch vụ thư tín. "Chúng tôi không còn thuê người vận chuyển nữa. Rủi ro quá cao bởi chính phủ đã phát hiện hoạt động của chúng tôi".

Theo bảng giá, mỗi lần xét nghiệm sẽ tốn khoảng 1 tuần và 490 USD (hơn 11 triệu VNĐ). Xét nghiệm được thực hiện ở một phòng thí nghiệm xa khu vực trung tâm Hồng Kông.

Bí ẩn những người vận chuyển buôn lậu hàng trăm ống máu từ Trung Quốc sang Hồng Kông - Ảnh 2.

Luật Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc đã nghiêm cấm xét nghiệm giới tính từ năm 2002 để chống lại tình trạng mất cân bằng giới tính. Tại quốc gia 1,4 tỉ dân này, tới cuối năm 2017, nam nhiều hơn nữ 32,7 triệu người - theo số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Sau khi Bắc Kinh ban hành chính sách một con, tình trạng phá thai để chọn giới tính gia tăng nhanh chóng. Nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore cho hay, từ năm 1970 tới năm 2017, ước tính 12 triệu thai nhi nữ đã không được ra đời.

Mặc dù chính sách một con đã được nới lỏng từ năm 2015, nhưng nhiều gia đình vẫn chọn phương án này vì chi phí nuôi con quá đắt đỏ.

Để né tránh lệnh cấm xét nghiệm máu, một số gia đình đã bắt đầu gửi máu qua Hồng Kông. Đây là việc phi pháp theo luật pháp Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hồng Kông vẫn cho phép nhận các mẫu máu này - miễn là không chứa bệnh truyền nhiễm và được cấp giấy phép - một phát ngôn viên của Cục Y tế Hồng Kông nói.

"Mắt nhắm mắt mở"

Các phòng thí nghiệm ở Hồng Kông chỉ được phép thực hiện xét nghiệm nếu mẫu máu của bệnh nhân được gửi tới từ một bác sĩ có đăng ký. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đã bỏ qua quy định này.

Kwok Ka-Ki, một thành viên trong hội đồng thành phố Hồng Kông, nói: "Cục Y tế có thể dễ dàng phát hiện hoạt động bất hợp pháp, nhưng họ chưa từng làm một cuộc điều tra nào cả. Chính quyền Hồng Kông lo ngại sẽ làm ảnh hưởng tới ngành xét nghiệm của thành phố".

Dịch vụ xét nghiệm giới tính ở Hồng Kông đã nở rộ nhờ vào phương pháp Xét nghiệm Sàng lọc Trước sinh (NIPT), vốn được phát minh tại đây. "Trước đây, sản phụ phải đợi 4 tới 5 tháng sau khi mang thai mới có thể xét nghiệm được giới tính thai nhi, nhưng với NIPT thì chỉ cần 10 tuần," Tom Shakespeare, một nhà sinh học xã hội người Anh, nói.

Bí ẩn những người vận chuyển buôn lậu hàng trăm ống máu từ Trung Quốc sang Hồng Kông - Ảnh 3.

Giáo sư Dennis Lo, người phát minh ra phương pháp NIPT.

NIPT là phương pháp được phát minh bởi giáo sư Dennis Lo khi ông cho rằng một số DNA của thai nhi có thể sẽ lưu trong máu của mẹ và có thể phát hiện được nhờ xét nghiệm. Được biết, phương pháp có tỉ lệ dự đoán đúng tới 99% này đã được áp dụng thương mại hóa tại Mỹ từ năm 2011.

"Khoảng 7 triệu phụ nữ trên thế giới xét nghiệm NIPT hàng năm," ông Lo nói.

NIPT rất phổ biến tại Trung Quốc và không chỉ dùng để xét nghiệm giới tính. Nhiều phụ nữ Trung Quốc mang thai thứ 2 vào khoảng 30-40 tuổi lo ngại rằng thai nhi có thể sẽ có vấn đề về sức khỏe. Do đó, họ tìm tới NIPT để tìm hiểu về các nguy cơ khi sinh con.

Trong năm ngoái, 4 triệu phụ nữ Trung Quốc đã sử dụng NIPT - tương đương 1/4 số sản phụ trên khắp cả nước.

Tới tháng 9/2019, Cục Y tế Hồng Kông cho biết đã điều tra 53 vụ việc liên quan tới mẫu máu buôn lậu từ Trung Quốc sang. Năm 2015 chỉ có 1 vụ, nhưng năm 2017 có 17 vụ, năm 2018 có 18 vụ. Tới tháng 9 năm nay, đã có tới 12 vụ bị phát hiện.

"Đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Nếu xét tới số lượng phòng thí nghiệm ở Hồng Kông, thì mỗi ngày phải có tới hàng chục vụ buôn lậu," một quan chức cho biết.

Giáo sư Lo cho biết, NIPT có thể chẩn đoán được rất nhiều loại bệnh khác trong tương lai. Tuy nhiên, đây cũng là mối lo ngại về đạo đức cho ngành xét nghiệm. "Nếu chúng tôi phát hiện rằng đứa bé sẽ bị tiểu đường vào năm 40 tuổi hoặc mắc ung thư vào cuối đời, chúng tôi có nên tiết lộ toàn bộ cho sản phụ biết hay không?" - ông Lo nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại