Mọi việc bắt đầu khi một người tiêu dùng ở Trung Quốc gần đây đã quyết định mua một chiếc tủ lạnh thông minh của thương hiệu Yunmi. Sản phẩm có thiết kế trang nhã và nhiều tính năng độc đáo được hiển thị trên một màn hình rất lớn ở cánh tủ. Anh rất vui mừng sau khi mua thiết bị mới và đặt nó ở một vị trí trang trọng trong bếp. Nhưng sau khi bắt đầu sử dụng, càng nhìn kỹ, anh chàng này lại càng nhận thấy nó giống như một tấm biển quảng cáo giữa nhà, khi liên tục đăng tải các hình ảnh quảng cáo sản phẩm trên màn hình ở cánh tủ.
Người này cảm thấy rất khó chịu. Anh cho rằng xem quảng cáo trên TV là đủ rồi, cớ gì lại phải tiếp tục xem quảng cáo trên tủ lạnh. Và không giống như TV có thể tắt, màn hình trên cánh tủ lạnh này về cơ bản là luôn luôn bật.
"Rốt cuộc là tôi mua cái gì? Tủ lạnh hay là một cái bảng quảng cáo?"
Màn hình tủ lạnh liên tục hiện thông tin quảng cáo khiến người dùng phát bực.
Chia sẻ lên mạng xã hội Weibo, anh cho biết đã gọi điện tới hệ thống dịch vụ khách hàng của nhà sản xuất để hỏi xem có thể tắt quảng cáo trên cánh tủ được không. Bộ phận chăm sóc khách hàng nói rằng không thể tắt được.
Sự việc nhanh chóng lan truyền trên mạng Internet, thu hút nhiều sự quan tâm và tranh luận của cộng đồng. Ảnh hưởng của chúng mạnh tới mức đại diện thương hiệu Yunmi sau đó đã phải lên tiếng. Nhưng, tuyên bố của hãng lại nói là trên màn hình có nút "đóng quảng cáo". Có nghĩa là người dùng có thể tắt được quảng cáo, sau khi nó hiện lên.
Điều này dường như "không liên quan" tới câu hỏi và mối bận tâm của người dùng. Và theo các nhân sự trong ngành, rõ ràng việc hiển thị quảng cáo là một phần đem lại doanh thu cho nhà sản xuất, bên cạnh việc bán sản phẩm. Do đó, gần như người dùng không thể thay đổi chiến lược kinh doanh này của nhà sản xuất.
Phản hồi của nhà sản xuất là khách hàng có thể tắt quảng cáo bằng nút nhấn, khi nó xuất hiện.
Nhiều người thậm chí còn bình luận hài hước rằng nếu tiếp tục dung túng các nhà sản xuất thì trong tương lai, các robot lau nhà sẽ không chỉ quét sàn mà sẽ vừa làm việc vừa phát quảng cáo bằng lời nói.
"Không tồi, bảng quảng cáo này có chức năng của cái tủ lạnh!"
"Hãy nghĩ là bạn mua được cái TV có thể đựng đồ ăn, thì sẽ không thấy thua thiệt nữa"
"Chúc mừng. Bạn đã chuyển thành công bảng quảng cáo trong thang máy vào nhà. Nhưng tiền quảng cáo thì lại không được nhận"
"Sử dụng điện của tôi, Internet của tôi và cung cấp cho tôi quảng cáo để lấy tiền. Nhưng tôi lại không thể rút phích cắm điện để tắt màn hình. Chiến lược kinh doanh này thật sự vô cùng kỳ diệu".
Một số người cũng chỉ ra các vấn đề bất cập của trào lưu lùng mua các món đồ "gia dụng thông minh" đang ngày càng mạnh mẽ. Trong làn sóng này, dường như mọi món đồ đều có thể gắn mác thông minh khi đính kèm nó với các ứng dụng trên smartphone.
Ví dụ như một chiếc máy nấu ăn thông minh, có giá vô cùng đắt đỏ. Để sử dụng nó, cần tải xuống một ứng dụng đi kèm, sau đó kết nối thiết bị với ứng dụng này. Tiếp đó, chiếc máy sẽ nấu dựa theo các dữ liệu được tải xuống từ ứng dụng, mà trên thực tế là lặp lại quy trình nấu ăn của một người dùng khác.
Hay một chiếc máy sấy tóc thông minh cũng có áp dụng chung một logic, khi có thể kết nối với ứng dụng trên smartphone kiểm tra và kiểm soát trạng thái hoạt động. Người dùng có thể điều chỉnh các chế độ khác nhau của máy sấy trên ứng dụng. Nghe có vẻ thú vị, nhưng có phải thông thường bạn chỉ cần một ngón tay để điều khiển thiết bị gia dụng này? Đúng, nhưng vấn đề là theo quan điểm của nhà sản xuất, điều chỉnh trực tiếp máy sấy tóc bằng núm xoay hay nút gạt dường như "chưa đủ thông minh".
Thay đổi chế độ máy sấy tóc bằng ứng dụng, nghe rất hiện đại nhưng "có vẻ sai sai".
Trên thực tế, những tính năng mở rộng nói trên trong các sản phẩm gia dụng về cơ bản thể hiện việc các nhà sản xuất hy vọng chúng sẽ thay đổi cái nhìn về sản phẩm truyền thống của họ. Ví dụ, nếu tủ lạnh có thêm màn hình, nó không chỉ là cái tủ lạnh để cất trữ thực phẩm. Hay máy sấy tóc có thêm ứng dụng, sẽ không chỉ là một chiếc máy sấy tóc, mà chính là một cái máy sấy tóc thông minh...
Quay trở lại với chiếc tủ lạnh của Yunmi. Màn hình trên cánh tủ đôi khi cũng hữu ích. Ví dụ, người dùng có thể dùng nó để xem TikTok hay nghe nhạc trong lúc nấu ăn. Nhưng, việc lúc nào cũng hiển thị quảng cáo lại là điều gây khó chịu.
Ngoài ra, cách hiểu về "trí thông minh" của nhà sản xuất đôi khi cũng khác với mong muốn của người tiêu dùng. Ví dụ, tủ lạnh Yunmi có chức năng phát hiện hạn sử dụng của thực phẩm. Nhưng logic của tính năng này yêu cầu người dùng phải tự chụp ảnh thực phẩm và nhập thời gian, sau đó hệ thống sẽ nhắc nhở khi nó sắp hết hạn.
Tính năng cảnh báo hạn sử dụng thực phẩm về cơ bản giống thao tác đặt chuông báo thức thủ công.
Rõ ràng, chiếc tủ lạnh thông minh trong trí tưởng tượng của nhiều người sẽ là thứ có khả năng nhận biến thực phẩm khi cho vào, đồng thời biết hạn sử dụng của chúng là bao lâu. Hay nó có thể phát hiện chất lượng của thực phẩm, hoặc giới thiệu các công thức nấu ăn khác nhau có liên quan.
Khi cái gọi là "nhà thông minh" ngày càng phát triển, các nhà sản xuất lại chạy theo hướng mở rộng các chức năng thay vì nâng cấp chúng, thì đó cũng là dấu hiệu cho thấy mọi thứ đã đi chệch quỹ đạo ban đầu.
Tham khảo iFeng