Vốn nổi danh với thú chơi siêu xe, Cường Đôla bỗng"lột xác" trở thành doanh nhân khi giữ chức vụ thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc của Quốc Cường Gia Lai, bên cạnh người mẹ cũng như Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan khi công ty này chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2010.
Khi đó, Cường Đôla cũng kiêm chức người công bố thông tin của QCG. Nói về chức vụ này, Cường Đôla cho rằng việc mình là người trong ban lãnh đạo sẽ giúp cung cấp thông tin nhanh và chính xác hơn. Nhưng khác với lời Cường "hứa", người thường xuyên phát ngôn lại là bà Như Loan.
Giữ chức vụ quản lý nhưng Cường Đôla chỉ nắm giữ khoảng nửa triệu cổ phiếu QCG, thấp hơn nhiều so với em gái "không chức quyền". Lương của doanh nhân này cũng rất thấp, trái ngược với tài sản là những chiếc siêu xe "hàng hiếm" trị giá hàng triệu USD trong gara nhà Cường Đôla.
Công việc chính tại QCG của thiếu gia này là lo vấn đề nợ vay cho công ty. Nhưng theo báo cáo tài chính, nợ vay của QCG ngày càng cao, tăng gần gấp rưỡi trong năm 2015.
Để có vốn ngắn hạn và dài hạn cho công ty. mẹ và em gái Cường Đôla nhiều lần phải mang tài sản riêng, phần cổ phiếu sở hữu để làm tài sản bảo đảm cho ngân hàng. Trong khi đó, số cổ phiếu trị giá 2,6 tỷ đồng của doanh nhân này vẫn luôn nằm yên trong két.
Tại các công ty thành viên của QCG, ông Cường ghi dấu khi là một trong hai người được nhận chuyển nhượng phần vốn của công ty mẹ tại QCH. Nhưng đây cũng là doanh nghiệp vướng vào vụ kiện chậm trả nhà cho khách hàng.
Mờ nhạt trong hoạt động kinh doanh nhưng cuộc sống riêng của Cường Đôla vẫn rất nổi bật trên truyền thông. Với các nhà đầu tư, Phó tổng giám đốc QCG vẫn là Cường Đôla, bà Như Loan vẫn nghĩ "Cường không chịu được áp lực".