Khi cuộc chiến đồ uống tại thị trường Trung Quốc trở nên khốc liệt, ngày càng nhiều ý tưởng và sản phẩm với hương vị độc lạ được ra đời. Cách đây hai năm, giới trẻ xứ Trung còn "phát cuồng" vì món "trà sữa thuốc bắc" thì gần đây lại tiếp tục xôn xao với "cà phê thuốc bắc".
Có gì trong cà phê "y học cổ truyền"?
Trà sữa thuốc bắc thường cho thêm các vị thuốc có tính "bồi bổ sức khỏe" và "dưỡng nhan" như tổ yến, nhựa đào, kỷ tử đen, hoa hồng, v.v. Được quảng bá là vừa đáp ứng được "cơn nghiện" trà sữa lại vừa đẹp da, khỏe người, món trà sữa thuốc bắc này từng một thời rất đắt hàng.
Giờ đây, các cửa hàng cà phê cũng bắt đầu áp dụng phương thức tương tự. Xu hướng này đang âm thầm nổi lên ở các thành phố lớn của Trung Quốc, là sự kết hợp giữa các thương hiệu cà phê với các phòng khám đông y và cửa hàng thuốc bắc.
Quán cà phê bài trí theo phong cách hiệu thuốc bắc.
Tại các quán cà phê ấy, tên đồ uống trên menu là sự kết hợp giữa tên gốc và vị thuốc bắc, ví dụ như "latte kỷ tử", "americano la hán quả", "cold-brew hoa kim ngân". Quán trang trí theo phong cách cửa hàng thuốc bắc, đong cà phê bằng cân như đong thuốc và đựng cà phê luôn trong chén uống thuốc bằng sứ. Gọi đồ uống thì được gọi là "kê đơn", cà phê mang lên cho khách thì kèm theo những dòng hướng dẫn sử dụng như: " Cà phê để uống, ngày dùng một lần, mỗi lần một cốc ". Thậm chí có nơi còn thuê thầy thuốc để bắt mạch tại chỗ rồi mới cho đồ uống theo tình trạng sức khỏe.
Ở thành phố Hàng Châu còn xuất hiện cả quán cà phê "dưỡng sinh" với hai món chủ đạo là "latte long nhãn tuyết lê" và "latte yến mạch ý dĩ", giúp người uống vừa "dưỡng nhan" vừa "chữa lành".
Giá của mỗi cốc cà phê thuốc bắc rơi vào khoảng 25 NDT (80.000 đồng). Các vị thuốc phổ biến và được cho là dễ pha chế nhất là kỷ tử, vừng đen, la hán quả.
Một cách kinh doanh mới mẻ
Xu hướng pha chế thuốc bắc vào đồ uống đã xuất hiện được vài năm ở Trung Quốc. Các thương hiệu thuốc đông y có tiếng từ hàng thế kỷ như Đồng Nhân Đường, Đồng Hàm Xuân Đường, v.v cũng tham gia vào hình thức kinh doanh mới này bằng cách hợp tác với các cửa hàng đồ uống và cho ra đời các thương hiệu đồ uống thuốc bắc mới.
Thương hiệu Chun Feng (Xuân Phong) là một ví dụ. Với các món trà thuốc bắc chức năng "bổ tì, bổ khí, thải độc" được ưa thích, thương hiệu này đã mở được hơn 150 cửa hàng ở khắp Trung Quốc chỉ trong hai năm 2021 và 2022.
Cà phê nấm linh chi ở một cửa hàng tại Trung Quốc.
Vì sao gen Z xứ Trung mê đồ uống thuốc bắc?
Nhu cầu về sức khỏe, hình thể của giới trẻ Trung Quốc được đánh giá là một đại dương xanh chưa được khai phá. Dữ liệu từ khảo sát "Cuộc sống tươi đẹp ở Trung Quốc" vào năm 2023 cho thấy: ba hạng mục tiêu dùng hàng đầu của thanh niên từ 18 đến 32 tuổi nước này là du lịch (32,77%), đồ kỹ thuật số như máy tính và điện thoại di động (31,67%) và chăm sóc sức khỏe (31,04%).
Báo cáo "Xu hướng tiêu dùng liên quan tới dinh dưỡng của gen Z" do báo Tân Hoa nước này công bố cho thấy giới trẻ đang là lực lượng tiêu dùng chính của các sản phẩm sức khỏe, chiếm tới 83,7%.
Tuy nhiên, do thiếu kiên trì cũng như kiến thức chuyên môn về dinh dưỡng, gen Z rất dễ từ bỏ kế hoạch hình thành lối sống lành mạnh. Trong cuộc khảo sát trên, 62,44% gen Z Trung Quốc cho rằng các sản phẩm dinh dưỡng mình mua về sẽ bị "xếp xó" sau một thời gian ngắn.
Do đó, những sản phẩm vừa thỏa mãn "cơn nghiện trà sữa" vừa "dưỡng nhan, tịnh tâm" như trà sữa thuốc bắc, cà phê thuốc bắc đã khiến nhiều người trẻ Trung Quốc tò mò và thích thú.
Quán cà phê thuốc bắc Đại Danh Đường ở Trung Quốc.
Cà phê có "thuốc" nhưng chưa chắc đã "bổ"
Hương vị của cà phê thuốc bắc được đánh giá là "mới lạ". Có người thốt lên khen ngợi: " Không ngờ cao quy linh lại hòa quyện được với vị cà phê ". Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những phản hồi không mấy tích cực về hương vị. Ngay cả các nhân viên pha chế cũng cảm thấy bị làm khó vì nếu vị cà phê át vị thuốc bắc thì khách hàng sẽ nghĩ đây chỉ là quảng cáo, còn nếu vị thuốc bắc át vị cà phê thì nhiều người không uống được.
Giáo sư, bác sĩ Fang Yong ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc cho biết: " Sự kết hợp này chủ yếu để phục vụ thị hiếu giới trẻ về mặt hình thức thôi. Chứ xét từ góc độ y học, công dụng của các loại dược liệu này còn tùy vào cơ địa mỗi người. Chưa kể trong trà sữa còn có quá nhiều đường, việc kết hợp thuốc bắc với trà sữa, cà phê để "bồi bổ sức khỏe" cũng không có ý nghĩa lắm ".
Tham khảo từ: Net Ease