Hết thời “hoá kiếp” ô tô mới thành cũ gian lận tiền tỷ

Mai Lương |

Nếu các đề xuất của Bộ Công Thương được thực thi, tới đây điều kiện nhập ô tô cũ sẽ như với xe mới.

Giới nhập khẩu xe ô tô Việt vốn không lạ gì với chiêu trò hoá kiếp xe mới thành xe cũ về Việt Nam. Cách thức được thực hiện là chạy lướt 10.000km và đăng kí trên 6 tháng sau đó nhập khẩu về Việt Nam, kê khai giá trị thấp để giảm mức thuế phải đóng.

Nguy cơ thành “bãi rác” xe cũ

Thực tế, những chiêu trò trong giới buôn xe này đã gây thất thu thuế hàng nghìn tỷ cho nhà nước, thêm vào đó nhiều khách hàng cũng rơi vào tình trạng tiền mất nhưng mua phải "xe mông má”, đến khi lỗi không biết kêu ai.

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc một doanh nghiệp nhập xe tại Hà Nội cho biết, doanh nghiệp nhỏ, lẻ, không có giấy uỷ quyền chính hãng của các nhà sản xuất thường sử dụng chiêu trò này. Các doanh nghiệp này có cơ sở ở nước ngoài gom xe chạy lướt 10.000km (quy định để được tính là xe cũ) rồi nhập khẩu về Việt Nam nhằm né thuế.

"Một trong số những thủ đoạn trốn thuế được các đơn vị nhập khẩu ô tô tận dụng nhiều nhất là biến những xe mới thành xe đã qua sử dụng để hưởng mức thuế nhập khẩu ít hơn.

Trước khi cho xe vận chuyển về Việt Nam, xe đã được gẩy số km đã đi quá 10.000 km. Khi về đến Việt Nam, sau khi hoàn tất các thủ tục hải quan, những chiếc xe này lại được gẩy số km về 0 trước khi bày bán ở các salon ô tô, và đương nhiên nó được bán với giá xe mới”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn cho biết, để cân đối chênh lệch giữa giá nhập đầu vào và giá bán thực tế, các đơn vị kinh doanh này thường ghi giá xuất hóa đơn GTGT thấp hơn giá bán thực tế.

Và khi được coi như xe cũ nhập khẩu, ngoài hưởng thuế nhập khẩu thấp, doanh nghiệp nhập khẩu những xe này còn được hưởng lợi từ việc giảm đáng kể chi phí phải nộp cho các loại thuế, phí khác như thuế TTĐB, GTGT, lệ phí trước bạ.

Nguồn lợi nhuận to lớn khiến làn sóng nhập khẩu xe cũ về Việt Nam dâng cao để thoả mãn “giấc mơ ô tô” của người Việt.

Không chỉ vậy, với những tiêu chuẩn lỏng lẻo, quy chuẩn khí thải vẫn ở mức Euro 2 trong khi các nước xung quanh như Hàn Quốc áp dụng Euro 5, Trung Quốc áp dụng Euro 5, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines áp dụng Euro 4…Việt Nam trở thành vùng trũng của các loại xe cũ, xe giá rẻ, phẩm chất kém, từ đó ảnh hưởng đến môi trường.

Mới đây, việc giá xe nhập đã xuống tới mức chỉ còn từ 4.400 USD tương ứng 100 triệu đồng/xe (giá CIF tại cảng với xe nhập từ Ấn Độ), mức giá chỉ bằng với một chiếc xe tay ga, lại khiến nhiều người lo sợ viễn cảnh Việt Nam thành “bãi rác” xe của thế giới.

Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần khẳng định phải có nhiều biện pháp, chính sách bảo vệ thị trường, xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt, tránh biến Việt Nam thành “bãi rác” xe cũ.

Quản xe cũ như xe mới?

Trong bối cảnh xe cũ, giá rẻ được nhập tràn lan, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi lên các Chính phủ đưa ra những điều kiện ràng buộc các doanh nghiệp nhập xe ô tô cũ vào Nghị định quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Bộ Công Thương đã đưa ra hai phương án lựa chọn. Thứ nhất, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cũ cũng sẽ phải có Giấy xác nhận của nhà sản xuất về việc chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu và thay mặt nhà sản xuất triệu hồi khi xảy ra lỗi. Còn với phương án 2, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cũ được loại trừ điều kiện được đặt ra như tại phương án 1.

Bộ Công Thương đã đề xuất chọn phương án 1 vì cho rằng ô tô cũ nhập khẩu phải được quản lý chặt chẽ như đối với ô tô mới nhập khẩu nhằm hạn chế khả năng gây ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng và môi trường.

Cụ thể, ô tô cũ thường tiềm ẩn nhiều rủi ro về kỹ thuật và an toàn hơn so với xe mới. Trên thực tế, nhiều trường hợp ô tô cũ được nhập về Việt Nam tồn tại những lỗi kỹ thuật có khả năng gây mất an toàn cho người tiêu dùng, cần thiết phải triệu hồi để khắc phục, sửa chữa, tuy nhiên chủ sở hữu không thực hiện hoạt động này mà tìm cách bán ra thị trường nước ngoài.

“Trong nhiều trường hợp các xe cũ nhập về Việt Nam còn không đủ điều kiện để lưu hành, hoặc đăng kiểm tại các nước sở tại nên được xuất khẩu sang các quốc gia khác, đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng các quốc gia nhập khẩu ô tô cũ”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Ngoài các rủi ro đối với người tiêu dùng, Bộ Công Thương khẳng định ô tô cũ nhập khẩu cũng tiềm ẩn các ảnh hưởng xấu đến môi trường cho Việt Nam.

“Nhiều ô tô đã qua sử dụng không còn đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải nước sở tại cũng có khả năng tràn vào thị trường nước thứ ba, gây ảnh hưởng đến môi trường quốc gia nhập khẩu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ quan điểm trong văn bản gửi lên Chính phủ.

Lãnh đạo một doanh nghiệp ô tô trong nước nhận định nếu không quản việc nhập xe cũ thì người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi hơn rất nhiều. Chẳng hạn, việc sửa chữa, triệu hồi xe khi bị lỗi. Đây là trách nhiệm của nhà sản xuất chứ không phải người bán.

"Xe hiện nay toàn cơ điện tử, phải nhập khẩu phần mềm từ chính hãng mới sửa chữa được nhưng doanh nghiệp nhỏ nhập xe cũ đa phần mua các phần mềm từ Trung Quốc nên không thể nào sửa được.

Thế nên mới có chuyện, xe nhập từ Mỹ, châu Âu nhưng khi hư hỏng, cần triệu hồi để nhà sản xuất sửa chữa thì không có ai chịu trách nhiệm. Muốn sửa phải gửi xe qua các nước này, rất mất công, giá mua phụ tùng cũng đắt đỏ”, vị lãnh đạo này cảnh báo.

Hay như vấn đề khí thải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Việt Hà trong văn bản góp ý cho dự thảo Nghị định có yêu cầu với các ô tô cũ đã đăng ký lưu hành tại EU, G7, Hàn Quốc hoặc các quốc gia có khí thải tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn khí thải hiện hành của Việt Nam.

“Khi tiến hành thủ tục kiểm tra, doanh nghiệp nhập khẩu xe cũ phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực đến trước khi xuất khẩu, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương”, đại diện Cục Đăng kiểm nêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại