Mới đây, trên MXH xuất hiện hình ảnh về một đám cưới vô cùng đặc biệt khiến người ta không thể không chú ý. Trong đó, bên cạnh sự góp mặt của bạn bè, quan khách, còn có sự xuất hiện của 18 con Kumanthong, ngồi chật kín một bàn tiệc.
Đám cưới với sự góp mặt của những vị khách đặc biệt là 18 con Kumanthong (Ảnh MXH)
Trong không gian tiệc cưới được trang hoàng lộng lẫy và sang trọng, 18 con Kumanthong được "bố, mẹ" cho ăn mặc thật đẹp, bế ẵm trên tay, cùng nhau góp mặt trong bức ảnh kỷ niệm ngày cưới cùng cô dâu chú rể.
Chưa hết, trong một bức ảnh khác được đăng tải cùng, những con Kumanthong này còn được gia chủ xếp ngồi chung một bàn tiệc với nhau. Giống như mọi mâm cỗ cưới khác, trước mặt những con Kumanthong này là cốc, bát, đũa... không khác gì người thật và được phục vụ món lẩu cùng nước ngọt.
Những con Kumanthong được phục vụ bàn tiệc thịnh soạn chẳng khác gì người thường.
Được phục vụ "tận răng" như mọi quan khách khác!
Những hình ảnh về đám cưới có 1-0-2 nói trên sau khi được chia sẻ lên MXH đã lập tức gây chú ý và nhận về hàng nghìn lượt like chỉ trong một thời gian ngắn. Những hình ảnh nói trên được cho là ghi nhận tại một đám cưới ở Thái Lan. Dẫu vậy, với sự góp mặt đầy "kinh dị" của những vị khách đặc biệt, hình ảnh về đám cưới này cũng đang nổi như cồn khắp MXH Việt.
"Thật là đáng sợ. Ví dụ có được mời tới đám cưới này thì dù cỗ to đến mấy em cũng xin ôm bụng bỏ chạy...", một dân mạng bình luận.
"Ám ảnh thật sự, may mà không phải ở Việt Nam. Mà để ý mới thấy, mấy bàn xung quanh bàn của mấy con Kumanthong vắng lắm, chắc quan khách sợ quá bỏ về cả rồi!", một người khác nhận xét.
Kumanthong hay còn gọi là "Cậu bé vàng" hoặc "Quỷ linh nhi", một loại bùa ngải huyền bí có nguồn gốc từ Thái Lan. Trước đây, người Thái Lan ưa chuộng Kumanthong vì tin rằng nó sẽ mang lại may mắn, bình an cho gia đình.
Nhưng cách đây vài chục năm, luật pháp nước này đã nghiêm cấm việc "chế tạo", mua bán và sử dụng kumanthong. Tuy nhiên, những đồn thổi truyền tai nhau về quyền năng siêu phàm khiến cho Kumanthong vẫn luôn là một thứ hàng "chợ đen" đắt giá và được nhiều người săn lùng.
Thượng tọa Thích Thanh Huân, chùa Quán Sứ (Hà Nội) từng chia sẻ trên báo Trí Thức Trẻ: "Theo quan điểm của cá nhân tôi, Kumathong là niềm tin trong dân gian của người Thái Lan, bắt nguồn từ việc người mẹ mang thai nhưng không giữ được thai nhi.
Khi thai nhi bị chết non, những người cha, người mẹ mang đi làm khô rồi để trong nhà thể hiện niềm thương tiếc.
Đó được coi là hành động mang tính nhân văn, thể hiện tình mẫu tử. Khi có Kumanthong (đứa con vàng ngọc, quí báu), người ta tin rằng nó sẽ phù hộ cho cha mẹ và đem đến cho gia đình sự may mắn, tốt lành.
Nhưng sau đó, điều thiêng liêng này lại có mục đích thương mại hóa vì họ tin rằng Kumanthong là một vị thần có thể đem lại may mắn, tài lộc. Những năm gần đây, người ta đã làm Kumanthong giống như búp bê để thờ cúng.
Khi du nhập vào Việt Nam, nó biến tướng trở thành một loại bùa ngải và là một cách kiếm tiền phục vụ lợi ích cá nhân.
Nhìn từ triết lý của Phật giáo, thờ như vậy không mang lại lợi ích gì. Việc yểm linh hồn vào thân búp bê là do các đối tượng tự sáng chế rồi bịa đặt cho nó có tính linh thiêng.
Thực tế thì không có một vong hồn nào nhập vào vật vô tri vô giác. Những thứ vô tri vô giác không thể đem lại tài lộc cho chúng ta.
Thế nên việc nhập hồn cho búp bê để nuôi, để cầu tài lộc chỉ là một sự đắp vẽ, mê hoặc quần chúng, nhằm vào những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, mơ hồ để trục lợi là chính.
Điều này hoàn toàn không phù hợp với tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa của Việt Nam. Đó là một sự du nhập không có chọn lọc và để lại những hệ lụy cho xã hội.
Mọi người nên có lý trí và trí tuệ để nhìn nhận rõ việc này, chớ bị mê hoặc bởi niềm tin không sáng suốt rồi mất tiền của và thời gian. Sự tốt lành sẽ đến với chúng ta qua hành động, lời nói và việc làm đạo đức, đúng đắn của mình. Hãy tin vào luật nhân quả, những may rủi hay phúc họa, tốt xấu đều đặt trên nền tảng cuộc sống hiện tại của mình".