Henry Kissinger đã "kiến tạo thế giới" như thế nào?

Bách Hiếu - Văn Trung |

Cho đến nay, Cựu Ngoại trưởng thứ 56 của Mỹ (1973-1977) đồng thời là Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ (1969-1975) Henry Kissinger vẫn là một nhân vật gây ấn tượng trong cả giới chính trị Mỹ và giới nghiên cứu quan hệ quốc tế.

Với tư cách là người định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ giai đoạn 1969-1977, Kissinger là người có ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành cục diện chính trị ở Trung Đông, Châu Á và thế giới.

Khám phá Kissinger không chỉ giúp vén bức màn về những tranh cãi liên quan đến con người này, mà còn góp phần hiểu biết về những đóng góp của ông đối với nền ngoại giao Hoa Kỳ và nghiên cứu chính trị quốc tế, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Những đóng góp trong nghiên cứu chính trị quốc tế

Tri thức ngoại giao là nền tảng hình thành nên các hoạt động thực tiễn của Kissinger. Kissinger được biết đến như một học giả chủ nghĩa hiện thực về chính trị quốc tế.

Tiến sĩ Gregory D. Cleva, nhà phân tích chính sách đối ngoại ở Bộ Quốc phòng Mỹ đồng thời là tác giả cuốn sách Henry Kissinger và cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với chính sách đối ngoại mô tả, Kissinger tạo lập được danh tiếng nhờ thế mạnh của mình là khả năng tổng hợp các mô hình tư tưởng về chính trị và quân sự viết dưới dạng tiểu thuyết.

Henry Kissinger đã viết khoảng 14 quyển sách và hàng chục bài báo lớn nhỏ. Các tác phẩm phản ánh quan điểm của cá nhân Kissinger và chính quyền Mỹ đối với thế giới và những nơi mà Mỹ can thiệp, nó cũng kể lại những câu chuyện ngoại giao thú vị mà chúng ta chưa từng được biết đến một cách chính thức.

 Henry Kissinger đã kiến tạo thế giới như thế nào?  - Ảnh 1.

Trong cuốn sách gần đây nhất của mình Trật tự thế giới, Kissinger đã mô tả và dựng lên mô hình cấu trúc quyền lực tại các khu vực trên thế giới. Đồng thời ông cũng gợi ra cho người đọc phải suy ngẫm và tranh luận về việc chính sách ngoại giao của Mỹ nên ưu tiên theo đuổi hiện thực và lý tưởng.

Kissinger đã có những đóng góp lớn vào thế giới quan của chủ nghĩa hiện thực đối với các khái niệm truyền thống như chủ quyền, cân bằng quyền lực và lợi ích quốc gia. Những khái niệm này ra đời từ sau Hoà ước Westphalia 1648 và trở thành trụ cột trong hoạt động ngoại giao của mọi nhà nước.

Mặc dù theo đuổi cách tiếp cận hiện thực, song Kissinger cho rằng có thể đạt được một trật tự thế giới ổn định nhờ ngoại giao thay vì áp đặt và ép buộc. Do đó, sẽ là tốt nhất nếu quyền lực là chính danh, tức được thừa nhận.

Cường quốc là chủ thể đóng vai trò quyết định đối với sự vận động của quan hệ quốc tế, Kissinger nhận ra điều đó và cũng áp dụng chúng vào hoạt động ngoại giao của bản thân. Nhờ đó, Kissinger càng củng cố cho quan điểm rằng, hoà bình hay xung đột trong quan hệ quốc tế phụ thuộc phần lớn vào sự tương tác giữa các nước lớn.

Cũng theo Tiến sĩ Gregory D. Cleva, Kissinger đã giúp người dân Mỹ định hình được cách suy nghĩ về nền chính trị toàn cầu.

Kissinger - kiến trúc sư của thế giới

Hầu hết giới nghiên cứu quan hệ quốc tế đều có nhận định chung về thế giới thập niên 1970 được đặc trưng bởi xu thế hoà hoãn (détente) với quá trình xích lại gần nhau giữa các cường quốc hàng đầu.

Điều đó bắt nguồn từ Mỹ, họ tái định hình quan hệ Mỹ - Trung, Mỹ - Xô và giải quyết các vấn đề của thế giới, đặc biệt là cuộc chiến tại Việt Nam mà Mỹ đang sa lầy.

Sự thay đổi của Mỹ được khởi xướng bởi Henry Kissinger, người điều hành chính sách đối ngoại của Mỹ thông qua một chính sách khá nhất quán là "realpolitik".

Chiến tranh Việt Nam có lẽ là vấn đề đầu tiên mà nước Mỹ cần phải giải quyết trước khi tính đến Trung Quốc và Liên Xô bởi hai cường quốc cộng sản này cũng can dự ít nhiều vào cuộc chiến.

 Henry Kissinger đã kiến tạo thế giới như thế nào?  - Ảnh 2.

Henry Kissinger (phải) bắt tay với cố vấn Lê Đức Thọ ở Paris sau khi 2 bên đạt thoả thuận ngừng bắn, đánh dấu sự thất bại của Mỹ tại Việt Nam. Cả hai đều được trao Giải Nobel Hoà bình 1973, nhưng hai ông đều từ chối. Tờ New York Times gọi đó là "Giải Nobel chiến tranh" (Nguồn: Britannica)

Theo sử gia Niall Ferguson của Đại học Harvard, Kissinger đã tới miền Nam Việt Nam 3 lần kể từ năm 1965 để tìm hiểu thực tế, và Kissinger đã bị thuyết phục rằng "Hoa Kỳ phải giải thoát khỏi đất nước đó bằng các phương tiện ngoại giao".

Kissinger đã thay đổi thái độ đối với Việt Nam từ cứng rắn sang linh hoạt và mềm dẻo. Ông thúc đẩy kế hoạch "Việt Nam hoá" chiến tranh của Tổng thống Nixon trong bối cảnh Quốc hội Mỹ từ chối tiếp tục viện trợ cho chính quyền Việt Nam Cộng hoà.

Sau nhiều cuộc đàm phán, tháng 1/1973, hiệp định hoà bình được ký kết, Mỹ bắt đầu rút quân ra khỏi Việt Nam.

Từ giữa năm 1971, Kissinger đã bí mật đến Bắc Kinh để trao đổi về những điều kiện cơ bản cho việc bình thường hoá quan hệ Mỹ - Trung sắp tới. Để xúc tiến quá trình này, Trung Quốc được kết nạp vào Liên Hợp Quốc vào tháng 10 năm 1971 để chuẩn bị cho việc giữ chiếc ghế còn lại trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà Mỹ muốn Đài Loan "nhường lại".

Tháng Hai năm sau, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã đến thăm Trung Quốc đánh dấu sự khởi đầu của quan hệ Trung - Mỹ. Tận dụng mâu thuẫn Trung - Xô, Nixon và Kissinger đã hướng Trung Quốc tới một nhận thức chung về mối đe dọa từ phía Liên Xô.

Kissinger cùng với Bắc Kinh cũng đã thống nhất một bộ khung hành động chiến lược trong quan hệ Trung - Mỹ trong nhiệm kỳ Gerald Ford làm Tổng thống Mỹ sau khi Nixon từ chức vì vụ bê bối Watergate.

Bắt đầu từ đây, cục diện chính trị khu vực Đông Á được hình thành. Mỹ chính thức trở thành cường quốc thống trị châu Á - Thái Bình Dương cùng với các đồng minh chiến lược trong khu vực.

Trung Quốc mặc dù vẫn là một nước cộng sản, nhưng đổi lại họ được xem là một quốc gia bình thường và có được môi trường quốc tế ổn định để tập trung cho sự phát triển đất nước. Liên Xô bị loại ra khỏi cuộc chơi ở châu Á - Thái Bình Dương.

Cho đến nay, quan hệ cá nhân giữa Kissinger với Trung Quốc đều rất tốt. Quan hệ Trung - Mỹ trở thành thành tựu ngoại giao quan trọng nhất của Kissinger.

Ông giành cho đất nước tỷ dân này một sự ưu ái đặc biệt bằng việc viết riêng một cuốn sách Bàn về Trung Quốc để tường thuật lại "vinh dự" được thiết lập lại quan hệ với Trung Quốc - một quốc gia đóng vai trò trung tâm trong lịch sử châu Á.

Trong cuốn sách này, Kissinger cũng đã giúp người đọc thấy được những gì mà ông đã trao đổi với giới lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến thăm bí mật năm 1971.

Đồng thời trong quá trình hoà hoãn với Trung Quốc, Kissinger cũng tìm cách xích lại gần hơn với Liên Xô bởi Liên Xô mới chính là thành trì của chủ nghĩa cộng sản, một cường quốc thực sự đủ sức đối trọng với Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Mọi chuyện khởi đầu tốt đẹp nhờ Cuộc đàm phán giới hạn vũ khí chiến lược (SALT) 1969.

Các nhà nghiên cứu Nga cũng thừa nhận vai trò của Kissinger đối với sự chuyển biến trong quan hệ quốc tế thời kỳ này.

Lần đầu tiên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ chính thức thống nhất với Liên Xô về tư tưởng chung sống hoà bình. "Chung sống hoà bình" là thuật ngữ được Kissinger nhắc đến sau khi hai bên ký kết "Những cơ sở của mối quan hệ tương trợ lẫn nhau giữa Liên Xô và Mỹ" Tương tự như với Trung Quốc, Kissinger đã dàn xếp cho cuộc viếng thăm của Tổng thống Nixon tới Liên Xô năm 1972.

 Henry Kissinger đã kiến tạo thế giới như thế nào?  - Ảnh 3.

Henry Kissinger (phải) bắt tay với cố vấn Lê Đức Thọ ở Paris sau khi 2 bên đạt thoả thuận ngừng bắn, đánh dấu sự thất bại của Mỹ tại Việt Nam. Cả hai đều được trao Giải Nobel Hoà bình 1973, nhưng hai ông đều từ chối. Tờ New York Times gọi đó là "Giải Nobel chiến tranh" (Nguồn: Britannica)

Trong cuộc gặp lịch sử này, Hiệp ước SALT I, Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) và các hiệp định cơ bản khác đã được ký kết. Đến năm 1974, hai bên tiếp tục đồng ý giới hạn số lượng triển khai hệ thống tên lửa chống đạn đạo của mỗi bên xuống còn một; mở đường cho hiệp ước SALT II vào năm 1979.

Năm 1975, tại Helsinki (Phần Lan), Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở châu Âu (CSCE) diễn ra đã đánh dấu cho đỉnh cao của thời kỳ hoà hoãn cho cả mối quan hệ Xô - Mỹ và châu Âu.

Tại Trung Đông, cuộc chiến Yom Kippur (hay còn gọi là cuộc chiến tranh tháng Mười, năm 1972) giữa Israel với Ai Cập và Syria suýt làm bùng nổ một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô. Israel bị Ai Cập của Sadat tấn công trên kênh đào Suez và Syria của Asad tấn công trên cao nguyên Golan. Quân đội Israel bị bất ngờ và phải hứng chịu những thất bại ban đầu.

Nhưng sau đó đã nhanh chóng làm chủ tình hình, tiến hành phản công vào bên trong lãnh thổ Syria và bao vây quân đội Ai Cập. Liên Xô cảnh báo sẽ can thiệp bằng cách gửi quân sang hỗ trợ Ai Cập, trong khi đó Kissinger lúc đó thay mặt Nixon để nâng cảnh báo hạt nhân và báo động quân sự cấp cao.

Thực tế lúc đó Tổng thống Mỹ Nixon đã từ chối cung cấp vũ khí cho Israel và ngăn quân đội Israel tiến hành phản công nhằm giành lấy niềm tin từ phía Ai Cập vốn đã mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao thân phương Tây từ trước đó nhưng bị phớt lờ. Chính Kissinger cũng thừa nhận ông không làm theo ý định của tổng thống.

Trong khi Nixon muốn Hoa Kỳ đứng ở vị trí trung gian, thậm chí là dừng sự ủng hộ với Israel thì Kissinger vẫn tin rằng chìa khoá cho hoà bình ở Trung Đông vẫn phải nằm ở Washington và muốn đẩy Liên Xô ra khỏi khu vực.

Nhưng khi tình thế ngày càng trở nên phức tạp, Kissinger đã chủ động đề nghị với Liên Xô về một cuộc ngừng bắn; đồng thời đe doạ cắt sự trợ giúp đối với Israel nếu nhà nước này không dừng tấn công. "Ngoại giao con thoi" không ngừng nghỉ của Kissinger đã mang lại hoà bình cho khu vực này.

 Henry Kissinger đã kiến tạo thế giới như thế nào?  - Ảnh 4.

Kissinger (phải) bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Lan Thanh nhân kỉ niệm 30 năm thiết lập quan hệ Trung - Mỹ và tái hiện lại "Ngoại giao bóng bàn". Tháng 4/1971, một đội bóng bàn của Mỹ đã bất ngờ đến thăm Trung Quốc, bắt đầu cho sự tan băng trong quan hệ Trung - Mỹ. (Nguồn: Georgetown University)

Don Peretz, Giáo sư Khoa học chính trị Đại học bang New York cho biết, Kissinger đã trở thành trung gian giữa Ai Cập và Israel, và bắt đầu tiếp cận từng bước. "Kissinger đã sắp xếp hàng loạt các thoả thuận không dính líu, hai thoả thuận với Ai Cập và một với Syria, về việc Israel rút lui dần khỏi một số vùng của Sinai và Golan".

Tương tự, bà Rose W. Macharia (cố vấn của Bộ Ngoại giao Kenya) đánh giá: Kissinger đã kiếm được sự tin tưởng của cả Israel, Ai Cập và Hoa Kỳ cho cuộc dàn xếp phức tạp này. Ông đã được đặt vào vị trí trung gian hoà giải.

Kissinger tuyên bố: "Người Ả-rập có thể lấy súng từ tay người Nga, nhưng họ chỉ có thể lấy lại lãnh thổ của họ từ chúng tôi".

Những cố gắng của Kissinger đã mang lại kết quả là thoả thuận ngừng bắn giữa Ai Cập, Syria và Israel năm 1974 để đảm bảo an ninh cho bán đảo Ả-rập. Năm 1975, Israel và Ai Cập đạt thoả thuận rút quân lần thứ 2. Đến năm 1979, hai bên đã kí thoả thuận hoà bình chính thức.

Henry Kissinger trong một bài viết trên tờ The Wall Streer Journal năm 2015 cũng đã coi Mỹ và Nga là "kiến trúc sư" của cân bằng quyền lực và cục diện chính trị Trung Đông kể từ sau cuộc chiến tranh Ả-rập - Israel năm 1973.

Sau đó, mọi chuyện còn diễn ra thuận lợi hơn cho Mỹ, khi Ai Cập quay trở lại chính sách thân phương Tây và chấm dứt hiệp định hợp tác với Liên Xô. Đến năm 1976, sự hiện diện của Liên Xô tại Ai Cập bị triệt tiêu.

Trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của mình, Henry Kissinger cũng từng bị lên án vì hành động bí mật có thể được xem là vô nhân đạo hoặc là tội ác chiến tranh. Chẳng hạn như việc ném bom vào miền Bắc Việt Nam và Campuchia nhằm tìm kiếm con đường cho sự rút lui trong danh dự sau khi đã nhận thấy thất bại không tránh khỏi của Mỹ tại Việt Nam.

Trong thập niên 1970, Henry Kissinger cũng yêu cầu Tổng thống Nixon chấp thuận cho việc lật đổ chính phủ dân cử của Allende ở Chile, đồng thời hỗ trợ củng cố chế độ độc tài của Pinochet.

Những hành động ngầm và bí mật do Kissinger khởi xướng như thế được chính ông ta biện minh là nhằm "bảo vệ lợi ích của Mỹ ở những khu vực màu xám, là nơi không thích hợp cho các hoạt động quân sự và ngoại giao".

 Henry Kissinger đã kiến tạo thế giới như thế nào?  - Ảnh 5.

Chính sách đối ngoại của Kissinger (hàng đầu ở giữa) có ảnh hưởng rất lớn đến sinh mệnh chính trị của (lần lượt từ trái sang) Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin, Quốc vương Ả-rập Xê-út Faisal, Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, và Tổng thống Ai Cập Anwar Al Sadat. (Nguồn: Time)

Vì thế, cuộc đời và sự nghiệp của Kissinger sẽ còn trở thành chủ đề tranh luận của cả giới chính khách, giới nghiên cứu và thậm chí người dân bình thường. Người đàn ông gốc Do Thái này trở thành một phần không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ nửa sau thế kỷ XX.

Nhân loại và thế giới chắc chắn sẽ còn chứng kiến nhiều bước chuyển, thay đổi nhiều nữa nhưng lịch sử của nó đã có một nhà ngoại giao, nhà tư tưởng người Do Thái có khả năng kiến tạo trật tự thế giới thực thụ.

Vị ngoại trưởng gốc Do Thái đầu tiên...

Henry Kissinger là Bộ trưởng Ngoại giao gốc Do Thái đầu tiên trong chính quyền Mỹ, phục vụ 2 đời Tổng thống Mỹ là Richard Nixon và Gerald Ford. Ông sinh năm 1923 trong một gia đình Do Thái chính thống ở Đức. Ông theo gia đình sang Mỹ vào năm 1938 trong lúc chủ nghĩa phát xít của Adolf Hitler đang thống trị ở quê hương.

Năm 1943, Kissinger trở thành công dân Mỹ. Sau khi phục vụ trong quân đội thời chiến, Kissinger theo học tại Đại học Harvard. Ông ở lại Harvard để giảng dạy và bắt đầu vai trò cố vấn chính sách đối ngoại cho chính phủ Mỹ.

Năm 1969, Tổng thống Mỹ Richard Nixon chỉ định Kissinger làm cố vấn an ninh quốc gia. Triết lý chủ đạo của ông là chính sách đối ngoại phải phục vụ lợi ích quốc gia – một quan điểm thực dụng được gán cho cái tên ‘realpolitik’ (chính trị hiện thực).

Kissinger đã sắp xếp hai chuyến thăm thượng đỉnh nổi tiếng của Nixon: một tới Trung Quốc và một tới Liên Xô, cùng trong năm 1972.

Những chuyến thăm này mở ra chính sách hòa dịu (détente), qua đó Mỹ cố gắng giải tỏa căng thẳng trong quan hệ với các cường quốc cộng sản. Năm 1973, Kissinger trở thành ngoại trưởng Mỹ, ông là người đầu tiên sinh ra ở ngoài nước Mỹ được đảm nhiệm cương vị này. Ông tiếp tục làm ngoại trưởng khi Gerald Ford lên làm tổng thống thay cho Nixon.

Năm 1973, Kissinger được trao giải Nobel Hòa Bình, cùng với ông Lê Đức Thọ từ miền Bắc Việt Nam vì những đóng góp cho cuộc đàm phán chấm dứt sự can dự của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.

Năm 1974, ông đưa ra chính sách "ngoại giao con thoi" giúp làm giảm nhiệt tại Trung Đông sau Chiến tranh Yom Kippur (1973) giữa Israel và Ai Cập, tiến đến việc hai bên chấp thuận từ bỏ sử dụng vũ lực để giải quyết các bất đồng và ký kết Hòa ước Sinai (1975). Năm 1977, ông từ chức và làm việc tại Đại học Georgetown.

Năm 1985, ông quay lại làm việc cho chính phủ tại Hội đồng Cố vấn Tình báo nước ngoài của Tổng thống Ronald Reagan. Năm 2002, Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm Kissinger giám sát cuộc điều tra độc lập về thất bại tình báo dẫn đến cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ tháng 9-2011.

Ông từ chức sau khi dấy lên những nghi vấn về xung đột lợi ích giữa bản chất của cuộc điều tra và quyền lợi cá nhân trong công ty cố vấn chính trị của Kissinger. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông tiếp tục viết và giảng dạy về quan hệ quốc tế.

Dẫu không đảm nhiệm những chức vụ cao nhất trong chính quyền trong 25 năm qua, Kissinger vẫn là nhân vật gây nhiều tranh cãi.

Theo History.com, không ai sau Kissinger - trong cương vị Ngoại trưởng và Cố vấn an ninh quốc gia có được ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao nhiều như ông ấy đã làm được. Các cuộc thăm dò của Gallup cho thấy Kissinger là người được ngưỡng mộ nhất ở Mỹ vào năm 1972 và 1973.

Tuy nhiên, do vụ bê bối Watergate, Tổng thống Mỹ Richard Nixon khi đó phải từ chức, danh tiếng của Kissinger bị ảnh hưởng nặng nề và dần phai nhạt. Cả Kissinger và Nixon đều thường áp dụng những biện pháp ngoại giao "ngầm" - không chính thức. Tổng thống Nixon thậm chí còn ưa thích Henry Kissinger hơn Ngoại trưởng William Rogers.

Hai năm 1972-1973 trở thành giai đoạn thành công nhất trong sự nghiệp của Kissinger, bất chấp việc chính trường Mỹ liên tục chao đảo.

"Ngoại giao con thoi" không mệt mỏi đã giúp Kissinger được đánh giá là một trong những nhà đàm phán vĩ đại nhất trong lịch sử, theo Independent. Henry Kissinger đã xuất hiện 21 lần trên trang bìa của tạp chí nổi tiếng Time, và được mệnh danh là "siêu bộ trưởng". Ít có nhà ngoại giao nào được nhắc đến nhiều như Henry Kissinger.

Có nhiều quyển sách chỉ để bàn về con người, triết lý và hoạt động ngoại giao của Kissinger.

Ông cũng được xem như là một "ảo thuật gia" trong quan hệ quốc tế, một nhà ngoại giao tài ba, và thậm chí còn bị cáo buộc là một tội phạm chiến tranh.

Realpolitik là gì?

"Realpolitik" được hiểu là chủ nghĩa thực dụng, hay chính trị thực dụng.

Là một triết lý chính trị, Realpolitik phản ánh chính trị dựa trên mục tiêu thực tế hơn là trên lý tưởng, theo Encyclopaedia Britannica.

Học giả quan hệ quốc tế nổi tiếng người Mỹ G. John Ikenberry cho rằng "realpolitik" cũng là một cách tiếp cận chủ nghĩa hiện thực đối với chính sách đối ngoại, một truyền thống kéo dài từ Machiavelli và Bismarck đến các nhà ngoại giao học thuật thời hậu chiến như George Kennan và Henry Kissinger.

John Bew, nhà nghiên cứu cao cấp tại khoa nghiên cứu chiến tranh ở King’s College London đồng thời là tác giả cuốn "Realpolitik: A History" cho rằng, "realpolitik" được khởi xướng tại Đức trong thế kỷ XIX bởi August Ludwig von Rochau. Nguồn gốc Đức của Kissinger có thể đã hình thành nên triết lý "realpolitik" của ông ta.

"Realpolitik" bị phê phán bởi những người chủ nghĩa tự do, họ coi nó là vô đạo đức. Trong khi đó, những người chủ nghĩa hiện thực thường áp dụng triết lý này với lý do sự thực dụng là cần thiết trong ngoại giao, bạn phải đảm bảo lợi ích của quốc gia dân tộc mà bạn phục vụ trước tiên, đó mới là đạo đức.

Chủ nghĩa thực dụng của Kissinger được phản ánh qua câu nói của ông: "Nước Mỹ không có kẻ thù hay bạn bè vĩnh cửu, chỉ có lợi ích là vĩnh cửu".

Có thể dễ dàng nhận thấy trong các phát biểu, bài viết và hành động của Tổng thống Donald Trump hiện nay, tinh thần "realpolitik" và ảnh hưởng từ tư tưởng của Henry Kissinger rất rõ nét.

"Nước Mỹ trước hết" chính là tinh thần chủ đạo trong mọi suy nghĩ và hành động của vị tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại