Hệ thống Nga cứu nguy NASA trước tình huống khẩn: Phi hành gia Mỹ thở phào

Tùng Chi |

Giám đốc chương trình trạm vũ trụ Joel Montalbano cho biết, toàn bộ phi hành đoàn và trạm không gian không gặp bất cứ nguy hiểm nào.

Tờ Guardian (Anh) đưa tin, sự cố mất điện tại tòa nhà của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tại Houston đã làm gián đoạn liên lạc giữa tổ điều khiển sứ mệnh (MC) và Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong ngày 25/7, buộc NASA lần đầu tiên phải sử dụng tới các hệ thống điều khiển dự phòng.

Hệ thống Nga cứu nguy NASA trước tình huống khẩn: Phi hành gia Mỹ thở phào - Ảnh 1.

Nhờ hệ thống liên lạc Nga mà phi hành đoàn Mỹ đã được thông báo về sự cố sớm.

Sự cố mất điện đồng nghĩa với việc tổ điều khiển sứ mệnh Mỹ mất kết nối về âm thanh, truyền nhận dữ liệu từ xa và hệ thống liên lạc bằng giọng nói với trạm trên quỹ đạo. Sự cố xảy ra khi quá trình nâng cấp đang được tiến hành bên trong tòa nhà Trung tâm Vũ trụ Johnson tại Houston.

Đáng nói, tổ điều khiển sứ mệnh chịu trách nhiệm cố vấn, đảm bảo cho các phi hành gia vẫn an toàn và khỏe mạnh nên họ đóng vai trò rất quan trọng trong các chuyến du hành vũ trụ. Họ là đầu mối liên lạc chính của các phi hành đoàn trong không gian và hai phía sẽ liên lạc thường xuyên trong cả ngày.

Theo một báo cáo của Đại học North Dakota, trong các sứ mệnh không gian hiện nay, tổ điều khiển sứ mệnh tham gia rất nhiều vào quá trình ra quyết định. Ví dụ, họ sẽ liên tục giám sát các hoạt động, đồng thời giải quyết bất cứ vấn đề nào có thể mang tính đe dọa tới sự an toàn của phi hành đoàn.

Kết nối liên lạc kém hoặc mất liên lạc giữa phi hành đoàn và tổ điều khiển có thể ảnh hưởng tới toàn bộ sứ mệnh. Do đó, sự cố vừa xảy ra với NASA có thể được xem là một tình huống tương đối khẩn cấp.

Rất may, thông qua các hệ thống liên lạc của Nga, phi hành đoàn Mỹ đã được thông báo về sự cố trong vòng 20 phút sau khi mất điện.

Giám đốc chương trình trạm vũ trụ Joel Montalbano cho biết, toàn bộ phi hành đoàn và trạm không gian không gặp bất cứ nguy hiểm nào. Hệ thống điều khiển dự phòng đã khôi phục liên lạc bình thường trong vòng 90 phút.

“Đó không phải là sự cố trên tàu vũ trụ, mà là sự cố trên mặt đất”, ông Montalbano nói, “con tàu và các phi hành gia không gặp nguy hiểm”.

“Trước đó, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn hệ thống điều khiển - kiểm soát dự phòng để sử dụng nếu phải đóng cửa trung tâm vì tình huống khẩn cấp do thời tiết, đây là điều đặc biệt quan trọng trong mùa mưa bão” - Ông Montalbano cho hay, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên NASA phải kích hoạt các hệ thống dự phòng này để khôi phục kiểm soát.

NASA hiện duy trì một trung tâm kiểm soát dự phòng cách Houston vài dặm để đề phòng trường hợp xảy ra thảm họa cần sơ tán. Tuy nhiên, trong sự cố vừa xảy ra, tổ điều khiển sứ mệnh vẫn giữ nguyên vị trí vì tòa nhà chỉ mất điện một phần, đèn và điều hòa không khí vẫn hoạt động.

Hệ thống Nga cứu nguy NASA trước tình huống khẩn: Phi hành gia Mỹ thở phào - Ảnh 2.

Hệ thống liên lạc đóng vai trò rất quan trọng trong các sứ mệnh không gian.

Cách đây vài năm, NASA đã triển khai nâng cấp các trạm liên lạc tần số rất cao (VHF) trên mặt đất, cho phép sao lưu hệ thống liên lạc chính của trạm.

Nga cũng vận hành mạng VHF độc lập với NASA. Tuy nhiên, sự kết hợp của hai mạng này sẽ cho phép hệ thống liên lạc VHF luôn được đảm bảo trên mọi quỹ đạo của trạm vũ trụ, hỗ trợ giải quyết sự cố kịp thời.

Điều này rất quan trọng đối với NASA. Ở chiều ngược lại, mạng VHF của NASA có thể hỗ trợ cung cấp thông tin liên lạc khẩn khi tàu vũ trụ Soyuz (Nga) phát sinh sự cố, buộc phải ở trên quỹ đạo một thời gian dài.

Theo Guardian, căng thẳng giữa Mỹ và Nga trên Trái Đất đã không ngăn cản được cơ quan vũ trụ của hai nước này tiếp tục hợp tác, bất chấp việc Moscow tuyên bố sẽ rút khỏi ISS sau năm 2024 và xây dựng trạm vũ trụ riêng.

Tháng 2 năm nay, Nga đã triển khai một tàu cứu hộ tới ISS để đưa 3 phi hành đoàn bị mắc kẹt về nhà, sau khi tàu vũ trụ chở họ va phải thiên thạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại