Hệ thống giáo dục hiệu quả thời Edo

Royal Vũ |

Trong tiến trình lịch sử Nhật Bản, Edo (1603 – 1868) là thời kỳ thái bình thịnh trị nhất.

Hệ thống giáo dục hiệu quả thời Edo - Ảnh 1.

Terakoya coi trọng dạy lễ nghi ngang tri thức.

Ở thời kỳ này, tầng lớp thống trị thực thi chính sách văn bản hóa, cấp và công nhận giấy chứng nhận đối với mọi giao dịch. Để đọc hiểu chứng từ, toàn dân tích cực đầu tư cho con em ăn học. Họ mở ra nền giáo dục toàn diện, rộng khắp cả nước với hơn 60 nghìn trường lớp.

Trường làng tự phát

Chính sách văn bản hóa bắt đầu vào năm 1615, khi lãnh chúa Tokugawa Ieyasu (1543 – 1616) đánh bại nhà Toyotomi trong cuộc vây hãm Osaka. Trước đó, Nhật Bản trải qua thời kỳ Chiến quốc (1467 – 1568) tàn bạo. Những năm dưới sự lãnh đạo của Tokugawa, xã hội Nhật Bản cũng chưa bớt bạo lực. Tầng lớp lãnh chúa, chiến binh cậy quyền, đàn áp và bóc lột nông dân, thương nhân thậm tệ.

Sau trận chiến cuối cùng, Tokugawa ban sắc lệnh thay đổi triệt để, cấm tùy tiện đánh thuế đất đai, buôn bán. Các nông hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Quan viên địa phương có trách nhiệm lập biểu đồ chi tiết về tình hình sở hữu đất đai trong khu vực mình quản lý cũng như tiến trình nộp thuế. Sau khi nộp thuế, các nông hộ được trả giấy xác nhận đã nộp.

Quyền sở hữu đất và giấy xác nhận đã nộp thuế chấm dứt bóc lột, tạo điều kiện cho nông dân canh tác hiệu suất. Chẳng bao lâu, sản lượng lúa mới đã tăng gấp đôi. Nền kinh tế phát triển kéo theo các lĩnh vực khác, nhất là buôn bán. Các nông hộ tích cực mua thêm đất, vay mượn đầu tư, để lại tài sản cho con cái… Nhu cầu thủ tục giấy tờ theo đó gia tăng. Càng lúc, mọi người càng thấy cần phải biết chữ. Dù giàu hay nghèo, các bậc sinh thành cũng quan tâm cho con cái ăn học, mong tối thiểu cũng phải đọc hiểu giấy tờ.

Terakoya chào đời, là lớp dạy đọc, viết và tính toán. Lập trường cơ bản của chế độ phong kiến thời Edo là không can dự vào cuộc sống của người dân. Các làng được phép tự do mở terakoya và vận hành. Mỗi terakoya cũng chỉ cần 1 phòng và 1 người hướng dẫn.

Hệ thống giáo dục hiệu quả thời Edo - Ảnh 3.

Tranh phác họa một terakoya, trường làng tự phát thời Edo.


Tự do và đa chương trình

Trong vai trò trường làng tự phát, terakoya không bắt buộc nhập và theo học. Phụ huynh toàn quyền cho con em vào trường hoặc không, trẻ em cũng theo học hay không tùy ý. Tuy nhiên, chính sự tự do này lại nảy sinh và duy trì ý thức tự kỷ luật tuyệt vời. Không có thời kỳ nào, ý thức giáo dục lại cao hơn thời Edo. Mọi phụ huynh đều thấy cần cho con em ăn học và nhiệt tình xây dựng terakoya, biến trường làng thành nơi dạy dỗ lớp trẻ nên người.

Mặc dù chỉ có 1 phòng, tập trung trẻ em nhiều độ tuổi, terakoya không đánh đồng trình độ mà nó phân biệt từng môn đồ và trao tài liệu riêng. Terakoya có khoảng 7 nghìn bộ tài liệu lẻ, gọi là ōrai, trong đó có khoảng 1.000 ōrai dành riêng cho môn sinh nữ. Mỗi ōrai đều được thiết kế tỉ mỉ, phù hợp với nhu cầu và trình độ của trẻ học tương ứng.

Quy trình học tập trong terakoya do các làng tự thiết kế. Ở Tsukumoan, terakoya thuộc làng Haranogō (thành phố Maebashi, tỉnh Gunma ngày nay), ōrai cấp đầu tiên là nagashiraji-zukushi, đọc viết tên các gia tộc. Ōrai cấp 2 là murana, đọc viết tên các làng. Ōrai cấp 3, gun-zukushi, đọc viết tên các huyện, tỉnh... Qua 3 ōrai này, môn sinh tuần tự học cách đọc, viết tên cá nhân, địa danh trong khu vực và trên cả nước. Ngoài kỹ năng đọc - viết, họ còn được dạy thêm về địa lý, văn hóa…

Terakoya cũng phân cấp trình độ. 3 ōrai nagashiraji-zukushi, murana và gun-zukushinêu là sơ cấp. Sau khi vượt qua chúng, môn sinh vào trung cấp. Ở cấp độ này, họ được phát văn bản, giảng dạy về các sự kiện hàng năm, quy tắc xã hội, luật pháp… Trình độ cuối cùng là cao cấp, dạy kinh doanh, viết khế ước…

Hệ thống giáo dục hiệu quả thời Edo - Ảnh 4.

Tài liệu dạy học trong terakoya vô cùng phong phú, mỗi bộ phù hợp với một đối tượng học riêng biệt.


"Tiên học lễ, hậu học… luật"

Mục tiêu cơ bản nhất của terakoya là dạy đọc, viết và tính song thứ đầu tiên môn đồ phải học luôn là đạo đức. Như mọi nền giáo dục phương Đông, Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng từ Khổng Tử (551 - 479 TCN). Bất cứ ai cầm sách cũng nằm lòng câu "tiên học lễ, hậu học văn".

Trước giảng dạy tri thức, terakoya có nghĩa vụ uốn nắn, dạy dỗ cách cư xử và hành vi. "Lấy đạo đức làm đầu. Chỉ những ai đã tròn bổn phận hiếu kính cha với mẹ, hòa thuận với anh chị em, cử xử với người ngoài đúng mực mới đủ tư cách theo học tiếp", Yuyama Bun’emon, lão sư điều hành terakoya làng Yoshikubo (thành phố Oyama, tỉnh Shizuoka ngày nay) viết.

Năm 1844, Yuyama công bố danh sách 18 quy tắc đạo đức, chia sẻ cho các môn sinh và phụ huynh của họ. Chúng bao gồm từ quy cách chào hỏi đến quy định trên bàn ăn, nhắc nhở phép xã giao trong lớp, trong nhà và ngoài xã hội.

Sau khi "tốt nghiệp" terakoya, các nam môn đồ tham gia wakamonogumi (nhóm hoạt động thanh niên), tiếp tục tự rèn luyện. Các nữ môn đồ thì tham gia musumegumi. Vì có quá ít tài liệu còn giữ được nên không rõ musumegumi hoạt động cụ thể thế nào.

Wakamonogumi đại diện truyền thống "huấn luyện hậu bối". Thời Edo, tuổi trưởng thành là 15. Sau khi bước sang tuổi này, dù giàu hay nghèo, nam hay nữ cũng rời nhà, chuyển vào khu tập thể dành riêng. Tại đây, họ phải tuân thủ các quy tắc sinh hoạt nghiêm ngặt, tuyệt đối nghe theo lời người vào trước, tức là các tiền bối.

Thời gian ở khu tập thể, tiền bối bảo ban hậu bối mọi mặt, cho dù là cha mẹ hay chính quyền địa phương đều không được phép can dự. Thông qua học tri thức ở terakoya và kỹ năng xã hội trong wakamonogumi và musumegumi, giới trẻ tích lũy hành trang vào đời.

Ngày nay, truyền thống wakamonogumi đang bị xóa bỏ vì nhiều mặt tối (áp bức, bắt nạt học đường). Terakoya cũng không còn, nhưng hiệu quả giáo dục và thế mạnh giảng dạy phù hợp với từng cá nhân của nó thì vẫn là giấc mơ mà hệ thống giáo dục khao khát chạm lại được.

Theo Nippon

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại