Ficus Asia Investment, công ty mẹ tại Singapore của hệ sinh thái Seedcom đã công bố BCTC tại Cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán của Singapore (ACRA).
Danh mục của Seedcom tại Việt Nam tập trung vào 2 lĩnh vực chủ yếu là bán lẻ gồm chuỗi café The Coffee House, chuỗi bán lẻ thời trang Juno, Hnoss và hệ thống logistics Scommerce (Giao hàng nhanh, Ahamove).
Doanh thu năm 2020 của Ficus giảm 11% từ 176 triệu xuống 157 triệu USD, tương đương hơn 3.600 tỷ đồng. Mức lỗ ròng tăng 52% lên 38 triệu USD năm 2020 từ 25 triệu USD trong năm trước đó. Theo Công ty, doanh thu sụt giảm là do ảnh hưởng của Covid-19.
Tuy nhiên, mức tăng lỗ ròng thực tế chỉ khoảng 3 triệu USD. Phần còn lại trong khoản ghi nhận lỗ này, thực chất là chi phí dự phòng trích trước (phi tiền mặt) liên quan tới các cam kết với các nhà đầu tư.
Chỉ số kinh doanh của Công ty năm 2020 (phải) so với năm 2019 (trái). Nguồn: Techinasia
Hiện Ficus được đăng ký tại Singapore, nắm giữ các quyền lợi trong lĩnh vực bán lẻ, hậu cần và liên doanh công nghệ tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, nhiều công ty con của Ficus, thông qua các hoạt động đầu tư của Seedcom như The Coffee House (chuỗi cà phê) hay Juno (Chuỗi sản xuất, bán lẻ giày và túi xách) chủ yếu dựa vào các hoạt động bán lẻ trực tiếp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Về mặt tích cực, Ficus đã có sự cải thiện trong dòng tiền tạo ra từ hoạt động của mình, từ âm 2 triệu USD vào năm 2019 lên 12 triệu USD vào năm 2020.
Phía Công ty nói thêm, sự khác biệt giữa lỗ kế toán của Ficus và dòng tiền dương từ hoạt động kinh doanh là do các điều chỉnh liên quan tới các chi phí phi tiền mặt - như chi phí khấu hao, và thứ hai là chi phí trích trước liên quan tới các nghĩa vụ tài chính. Cả hai khoản này đều không ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Ficus vào năm 2020.
Điều này có nghĩa là mặc dù thu nhập âm trong năm, hoạt động kinh doanh cơ bản của Ficus thực sự lành mạnh hơn và tạo ra nhiều tiền mặt hơn vào năm 2020 so với năm trước.
Ficus do Ông Đinh Anh Huân sáng lập, người được biết đến với thành công cả danh tiếng lẫn tài chính từ Thegioididong, nhà bán lẻ điện tử hàng đầu Việt Nam.
Năm ngoái, Ficus đã nhận được khoản đầu tư 50 triệu USD từ eWTP Capital do Alibaba hậu thuẫn thông qua tổ chức của quỹ tại Singapore, Redefine Capital Fund. Kể từ đó, eWTP Capital đã rót thêm 10 triệu USD vào Ficus, theo một báo cáo gần đây của DealStreetAsia.
BCTC của Ficus cho năm 2020 cho thấy tập đoàn này đã tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của mình trong nhiều công ty trong tập đoàn này. Công ty đã chi ra 7 triệu USD cho các khoản đầu tư vào các công ty liên kết (các công ty mà nó có cổ phần nhưng không sở hữu phần lớn) và 13 triệu USD để mua lại các công ty con (các công ty mà nó có cổ phần lớn).
Vào năm 2020, công ty Ficus nắm giữ phần lớn cổ phần, Seedcom, đã mua thêm cổ phần trong các công ty danh mục đầu tư của tập đoàn như The Coffee House, Juno và Haravan (một nhà cung cấp phần mềm được coi là Shopify của Việt Nam).
Đáng chú ý, Ficus đã giành được quyền kiểm soát phần lớn đối với Haravan và Juno sau các giao dịch này (vào thời điểm đó, Ficus đã sở hữu phần lớn The Coffee House). Điều này giúp Ficus và Seedcom tham gia sâu hơn trong các công tác quản trị và giúp các công ty này định hướng phát triển lành mạnh và tăng trưởng nhanh hơn trong tương lai nhờ hậu thuẫn từ hệ sinh thái.
Ông Huân cho biết thêm, The Coffee House, Juno và Haravan là một phần trong chiến lược bán lẻ mới của Seedcom nhằm xây dựng một hệ sinh thái gồm các doanh nghiệp phục vụ cả người dùng cuối và các nền tảng doanh nghiệp với doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ.
Theo chiến lược này, Seedcom đã bơm thêm tiền vào The Coffee House vào năm 2020. Chuỗi đạt doanh thu 37 triệu USD vào năm 2019, đã bắt đầu làm việc với các ứng dụng giao hàng của bên thứ ba để thích ứng với các hạn chế của Covid-19, mặc dù đã phát triển thành công ứng dụng riêng trong thời gian đầu.