Hệ quả bất bình đẳng giới và thái độ của Nguyễn Dữ trong Truyền kỳ mạn lục

Nguyễn Đình Thu |

“Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ là tác phẩm tiêu biểu trong thành tựu văn xuôi chữ Hán Việt Nam thời trung đại.

Từ lâu, nhiều nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước chủ yếu quan tâm khai thác giá trị của tác phẩm ở phương diện đặc điểm thể loại, hình tượng nhân vật, thi pháp, nhất là nghiên cứu tác phẩm trong mối tương quan với truyền kỳ Đông Á cũng như với một số tác phẩm truyền kỳ trung đại Việt Nam. Cho đến nay, vấn đề bất bình đẳng giới trong tập truyện dường như vẫn còn bỏ ngỏ hoặc chưa được tìm hiểu, lý giải một cách hệ thống.

Trên thực tế, Truyền kỳ mạn lục đã cho người đọc thấy được những hậu quả nặng nề của sự bất bình đẳng giới trong xã hội phong kiến đương thời mà người phụ nữ phải gánh chịu, góp phần làm tăng giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo cho tập truyện. Bên cạnh đó cũng có cả những hạn chế trong nhận thức, thái độ của tác giả trước vấn đề còn mang tính thời sự này.

Hệ quả bất bình đẳng giới

Từ những biểu hiện bất bình đẳng giới trong quan niệm, ứng xử giữa con người với con người trong xã hội, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ còn phơi bày nhiều mảng hiện thực đau lòng mà người phụ nữ trong xã hội phong kiến đã phải gánh chịu. Trong quan hệ với nam giới, tiếng nói của nữ giới trở nên yếu thế. Và hệ quả là họ phải chịu rất nhiều bi kịch.

Vì bị hạn chế, bị tước đi nhiều quyền lợi cả về vật chất lẫn tinh thần từ trong quan niệm, quy định của Nho giáo, lễ giáo phong kiến nên nhìn chung, người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục thường có cuộc sống vô định, bếp bênh; phải cam chịu cảnh khốn cùng, ngột ngạt, khổ đau, tủi nhục (Chuyện cây gạo, Chuyện Yêu quái ở Xương Giang, Chuyện đối tụng ở Long cung…). 

Nhất là khi có những biến cố lịch sử - xã hội xảy ra, như chiến tranh, binh biến thì người chịu thiệt thòi dai dẳng và lớn nhất không ai khác lại là người phụ nữ (Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, Lệ Nương trong Chuyện Lệ Nương).

Điều đáng nói là ở lâu trong sự bó buộc, kìm hãm, trong cái khổ, người phụ nữ dần có tâm lý tự ti, phụ thuộc, đánh mất niềm tin vào bản thân mình. Trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, bà cô Lưu thị khuyên Nhị Khanh đi bước nữa khi đã sáu năm vẫn không có tin tức của Trọng Quỳ (chồng Nhị Khanh), đơn giản chỉ là để được nương nhờ:

“Chi bằng bạn lành kén lựa, duyên mới vương se, lấp những lời giăng gió cợt trêu, nương dưới bóng tùng quân cao cả. Tội gì mà bơ vơ trơ trọi, sống cái đời sương phụ buồn tênh”. Hay trong Chuyện người con gái Nam Xương, Vũ Nương từng cảm thấy hạnh phúc vì được vào cửa nhà giàu, xuất giá cũng chỉ để mong được nương tựa vào chồng: “Thiếp vốn nhà nghèo, được vào cửa tía […]. Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng, vì có cái thú vui nghi gia nghi thất”.

Hệ quả bất bình đẳng giới và thái độ của Nguyễn Dữ trong Truyền kỳ mạn lục - Ảnh 2.

Tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục” trong các lần xuất bản.

Vì bị xem thường, xã hội lại không có những cơ chế, luật pháp nghiêm ngặt để bảo vệ nên nhiều người phụ nữ đã trở thành đối tượng mua vui của nam giới (Đào thị trong Nghiệp oan của Đào thị, Túy Tiêu trong Chuyện nàng Túy Tiêu, Lệ Nương trong Chuyện Lệ Nương, Thị Nghi trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang, Dương thị trong Chuyện đối tụng ở Long cung…).

Họ thản nhiên bị bắt, bị cướp vào tay các thế lực cầm quyền, xấu xa mà những người thấp cổ bé họng như họ không cách nào có thể can thiệp được, chỉ còn biết ôm sầu, nuốt hận.

Nhân vật nàng Túy Tiêu trong Chuyện nàng Túy Tiêu là một minh chứng điển hình: “Gặp ngày mồng Một đầu năm, Túy Tiêu rủ mấy người bạn gái đến chùa tháp Báo Thiên dâng hương lễ Phật. Bấy giờ có quan Trụ quốc họ Thân thầm đi chơi phố, trông thấy Túy Tiêu đẹp, bắt cướp đem về làm của mình. 

Sinh làm đơn kiện tận triều đình, nhưng vì họ Thân uy thế rất lớn, các tòa các sở đều tránh kẻ quyền hào, gác bút không dám xét xử. Sinh đau buồn lắm bèn chẳng thiết gì thi cử nữa”. Hay như Lệ Nương, hết bị bắt vào trong cung lại bị rơi vào tay giặc Minh, cuối cùng phải tự vẫn để thủ tiết với Phật Sinh (Chuyện Lệ Nương)...

Điều đáng buồn là ngay trong quan hệ vợ chồng thân thiết, người phụ nữ lại bị chính người chồng của mình bạo hành, ruồng bỏ, phụ bạc, bán đổi, đẩy người vợ đến bước đường cùng phải chết thảm. Trong Chuyện cây gạo, Nhị Khanh bị chồng ruồng bỏ, mất khi còn rất trẻ, không được chôn cất tử tế. 

Ở tác phẩm Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, cũng với cái tên Nhị Khanh, nhân vật nữ chính này đã bị chồng mang ra cược đánh bạc, trở thành vật sở hữu trong tay lái buôn Đỗ Tam, cuối cùng phải thắt cổ tự vẫn. Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương) lại bị chồng mắng nhiếc, nghi oan là thất tiết, chỉ còn cách gieo mình xuống bến sông Hoàng Giang để minh oan.

Dù có hội tụ bao nhiêu vẻ đẹp hình thức và phẩm chất vừa vặn với thước đo thẩm mĩ của chế độ phong kiến nhưng người phụ nữ ở đây vẫn phải nhận lấy kết cục bi thương. Tấn bi kịch của người phụ nữ càng được khắc sâu, nhấn mạnh khi đối tượng gây ra hậu quả ấy lại là những người chồng từng đầu ấp tay gối. Từ đây, tiếng nói phê phán hiện thực và tấm lòng cảm thương của tác giả đã được biểu hiện một cách mạnh mẽ và sâu sắc. Đó cũng là mạch nguồn khơi gợi cho trào lưu chủ nghĩa nhân văn phát triển rực rỡ trong văn học viết trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX.

Sự bất bình đẳng giới dai dẳng trong xã hội phong kiến còn trở thành mặc định, vô thức cộng đồng, biến cái bất thường thành cái bình thường, được chính giới nữ thừa nhận, thậm chí nữ giới trở thành chủ thể áp bức chính giới mình. Nhiều thiên truyện trong Truyền kỳ mạn lục đã phản ánh một vấn đề tưởng chừng như nghịch lý, đó là bi kịch của các nhân vật nữ lại do chính giới nữ gây ra. Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu kể về nhân vật Nhị Khanh bị bà cô của mình là Lưu thị cưỡng ép lấy cháu họ ngoại của bà là quan tướng quân họ Bạch…

Vì ghen tuông, vợ của quan Hành khiển Ngụy Nhược Chân đã cho người bắt Đào thị và đánh một trận tàn nhẫn đến mức khiến trong lòng Đào thị không bao giờ nguôi khát vọng báo thù (Chuyện nghiệp oan của Đào thị). 

Và Thị Nghi, trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang, cũng bị vợ của phú thương họ Phạm đánh cho đến chết. Sống trong một xã hội bất công, khi quyền lợi nữ giới được thực thi theo kiểu ban phát nhỏ giọt từ tay của nam giới, những người phụ nữ vốn cùng cảnh ngộ lại trở nên ích kỷ, hẹp hòi, tàn nhẫn với nhau. Hệ quả ấy thật khiến ta phải xót xa, đau lòng.

Hệ quả bất bình đẳng giới và thái độ của Nguyễn Dữ trong Truyền kỳ mạn lục - Ảnh 4.

Thái độ của tác giả trước vấn đề bất bình đẳng giới

Đứng trước vấn đề bất bình đẳng giới trong tác phẩm, Nguyễn Dữ đã có cách xử lý qua hành động của nhân vật, tình huống truyện, kết thúc truyện… tưởng chừng như còn nhiều nghịch lý, không phù hợp.

Rằng những đối tượng là nam giới thuộc nhân vật chính diện trực tiếp hay gián tiếp gây ra bi kịch cho người phụ nữ vẫn được tiếp tục sống, chỉ cần đã tỉnh ngộ, cảm thấy hối hận về những việc sai trái mình đã làm; còn người phụ nữ lại thường phải nhận cái chết thảm, dù sau đó có được an ủi, bù đắp bởi sự cảm thương của người đời hay có cuộc sống hạnh phúc ở thế giới bên kia.

Trương Sinh trong Chuyện người con gái Nam Xương, hay Trọng Quỳ trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu đã gây ra cái chết oan uổng, tủi nhục cho vợ nhưng chẳng hề bị trừng phạt đích đáng như trong truyện cổ tích. Vậy, phải chăng Nguyễn Dữ đã có thái độ bàng quan trước vấn đề bất bình đẳng giới trong xã hội lúc bấy giờ?

Nhìn vào hiện thực xã hội được phản ánh trong Truyền kỳ mạn lục, chúng ta nhận thấy có vô vàn những mảng đen tối khác nhau: Có chiến tranh, có đói nghèo, có sự xuống cấp, suy đồi của vua quan, nho sĩ, thầy tu cho đến thương nhân, và cả những đối xử bất công đối với người phụ nữ...

Tuy nhiên những biểu hiện không công bằng trong ứng xử đối với người phụ nữ lại không được tác giả nhìn nhận là vấn đề bất bình đẳng giới, còn những hệ lụy từ sự bất bình đẳng giới mà người phụ nữ phải gánh chịu lại được tác giả xem như hậu quả của những biến cố lịch sử khách quan, nhất là do sự rạn nứt, suy đồi từ trong những giường mối của lễ giáo phong kiến, mà đúng ra nguyên nhân sâu xa lại xuất phát từ chính trong các quan niệm, quy định bất bình đẳng của Nho giáo, lễ giáo phong kiến đương thời.

Và dường như cao hơn, khái quát hơn, trên con đường lý giải về những bất công, ngang trái đối với người phụ nữ, các tác giả lúc bấy giờ đều tìm đến nguyên nhân mang tính chất siêu hình là bởi sự chi phối của thiên mệnh (mệnh trời). Đó cũng là phông nền văn hóa, thế giới quan, nhân sinh quan nói chung của con người trong xã hội phong kiến đương thời.

Có thể nói, vấn đề bất bình đẳng giới được biểu hiện trong Truyền kỳ mạn lục như một lẽ hiển nhiên, một mặc định, một chân lý được cả cộng đồng chấp nhận và tác giả chưa hề có ý thức phản tỉnh, nhận thức lại, càng không có tiếng nói trực tiếp phê phán tư tưởng nam quyền, đòi bình quyền cho nữ giới như trong văn học viết giai đoạn sau này.

Trước bức tranh hiện thực xã hội đang có những biểu hiện xuống cấp, trước những bi kịch của con người, nhất là đối với người phụ nữ, tác giả mới chỉ dừng lại ở thái độ hoặc phê phán, hoặc cảm thương nhằm mục đích cảnh tỉnh xã hội, khẳng định Nho giáo, lập lại trật tự phong kiến trên lập trường đạo đức chứ không nhằm mục đích phủ định xã hội trên lập trường tư tưởng nhân văn như trong sáng tác của các tác giả văn học giai đoạn thế kỷ XVIII – XIX.

Hạn chế này trong sáng tác của Nguyễn Dữ mang tính lịch sử và cũng là hạn chế chung trong cái nhìn đối với hiện thực của các tác giả văn học lúc bấy giờ. Là bởi, dù bắt đầu có những biểu hiện suy tàn sau khi đạt đến đỉnh cao cực thịnh ở thế kỷ XV nhưng về cơ bản, chế độ phong kiến nước ta ở thời đại Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI) vẫn còn tương đối ổn định trên nền tảng tư tưởng Nho giáo. 

Lúc bấy giờ, vẫn chưa có một hệ tư tưởng nào mới, tiến bộ hơn có thể thay thế cho tư tưởng Nho giáo trong việc quản lý xã hội, cũng cố vương quyền, xây dựng nhà nước phong kiến.

Từ trong tư tưởng của học thuyết Nho giáo, được cụ thể hóa thành những phép tắc ứng xử trong lễ giáo phong kiến, đây vẫn được xem là khuôn vàng thước ngọc, lý tưởng tiến bộ, cao cả cho con người thời đại lúc bấy giờ soi vào, mà giữ vai trò tiên phong lại là tầng lớp quý tộc, Nho sĩ đương thời, trong đó có Nguyễn Dữ. 

Ngay cả đến những tác phẩm văn học nổi tiếng ở giai đoạn sau, như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, hay Truyện Kiều... trên con đường tìm kiếm nguyên nhân để giải thích cho những bi kịch của người phụ nữ, các tác giả cũng chưa nhận ra đó là hệ quả của sự bất bình đẳng giới, và cuối cùng cũng quay trở về với quỹ đạo của những lý tưởng, khuôn khổ đạo đức Nho giáo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại