Truyền thông thế giới đưa tin, trước khi bị sát hại, nhà báo Jamal Khashoggi từng thảo luận các kế hoạch tổ chức một phong trào giới trẻ trực tuyến, để phản đối chính quyền Arab Saudi.
Theo kênh CNN, Khashoggi đã sử dụng ứng dụng WhatsApp và trao đổi tới 400 tin nhắn với Omar Abdulaziz – một người Arab Saudi khác hiện đang tị nạn ở Montreal (Canada).
Trong các tin nhắn, ông Khashoggi đã cực lực chỉ trích và dùng nhiều lời lẽ nặng nề khi nói về Thái tử Saudi Mohammed bin Salman al Saud.
CNN cho biết, hôm Chủ nhật (2/12), Abdulaziz đã khởi kiện một công ty Israel, bị cho là đứng phía sau phần mềm xâm nhập điện thoại của ông này.
"Việc điện thoại của tôi bị tấn công đóng vai trò quan trọng trong những gì đã xảy ra cho Jamal," Abdulaziz nói với CNN.
Hôm 2/10, Khashoggi – cây bút bình luận của tờ Washington Post bất ngờ mất tích sau khi xuất hiện tại lãnh sự quán Saudi ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Sau hai tuần phủ nhận các liên quan và hứng chịu sức ép từ đồng minh phương Tây, Riyadh tuyên bố nhà báo đã bị giết trong một cuộc cãi lộn bên trong lãnh sự quán. Ngày 26/10, Saudi thừa nhận, vụ sát hại đã được lên kế hoạch trước, tuy nhiên, vẫn khẳng định không có mối liên quan nào với gia đình hoàng gia.
Trong khi đó, năm nay 27 tuổi, Abdulaziz bắt đầu công khai phản đối chính quyền Saudi khi còn là sinh viên tại Canada. Những chỉ trích của anh đã thu hút sự chú ý của Riyadh, dẫn tới việc Abdulaziz bị ngừng học bổng đại học. Năm 2014, Canada cho phép Abdulaziz được tị nạn và ba năm sau đó, anh này nhận được quyền định cư vĩnh viễn.
Omar Abdulaziz, một nhà hoạt động đối lập với chính quyền Riyadh đang sống tại Canada
Từ tháng 10/2017 tới 8/2018, thông qua tin nhắn, Khashoggi và Abdulaziz đã lên kế hoạch tổ chức một "lực lượng quân đội điện tử", nhằm thu hút những người Saudi trẻ tuổi ở trong nước và phản đối đường lối tuyên truyền của Riyadh trên mạng xã hội… - dựa vào tên tuổi của Khashoggi cũng như trang Twitter có tới 340.000 người theo dõi của Abdulaziz.
"Chúng ta không có quốc hội, chúng ta chỉ có Twitter", Abdulaziz nói, đồng thời nhấn mạnh Twitter cũng là vũ khí mạnh nhất của chính quyền Saudi. "Twitter là công cụ duy nhất họ sử dụng để đấu tranh và lan truyền tin đồn".
Kế hoạch của hai người bao gồm hai yếu tố chính; đầu tiên gửi các thẻ SIM nước ngoài cho những người phản đối ở Arab Saudi để họ có thể đăng bài trên Twitter mà không bị theo dõi; thứ hai là tiền bạc. Theo Abdulaziz, Khashoggi cam kết đóng góp 30.000 USD và hứa sẽ kêu gọi thêm hỗ trợ tài chính từ những nhà tài trợ giàu có giấu tên.
Tuy nhiên, tới đầu tháng Tám, Abdulaziz cho biết, chính quyền Saudi đã thông báo rằng họ biết về dự định trên.
"Làm sao họ biết được", Khashoggi nhắn tin hỏi.
"Chắc là phải có một khoảng trống nào đó", Abdulaziz trả lời.
Ba phút trôi qua, Khashoggi nhắn lại: "Xin Đấng tối cao giúp chúng con".